Người dân đăng ký thường trú cần giấy tờ gì?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
10/02/2023 13:39 GMT+7

Thường trú theo quy định tại Luật cư trú là nơi công dân thường xuyên sinh sống một cách ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú tại cơ quan có thẩm quyền. Nhiều người dân có thể chưa nắm rõ cách đăng ký thường trú, dù theo quy định mới thủ tục rất đơn giản.

Đăng ký thường trú là gì?

Theo Công an TP.HCM, đăng ký thường trú là một trong các thủ tục để xác định nơi cư trú của công dân, việc đăng ký thường trú có vai trò rất quan trọng trong đời sống của mỗi công dân.

Điều kiện để công dân có thể đăng ký thường trú là có chỗ ở hợp pháp; Nhập hộ khẩu về nhà người thân; Đăng ký thường trú tại nhà thuê, mượn, ở nhờ; Đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở; Đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội; Đăng ký thường trú tại phương tiện lưu động. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và đủ điều kiện đăng ký thường trú. Sau khi đăng ký, công dân được cập nhật thông tin về nơi thường trú mới vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Người dân đăng ký thường trú cần giấy tờ gì? - Ảnh 1.

Người dân đi làm thủ tục hành chính

NHẬT THỊNH

Nếu người dân không đăng ký thường trú theo quy định thì có thể bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Cách đăng ký thường trú?

  1. Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA) và giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.
  2. Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Công an cấp xã.
  3. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (mẫu CT04 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA) cho người đăng ký. Nếu trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (mẫu CT05 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA) cho người đăng ký. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người đăng ký.
  4. Cá nhân, tổ chức nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định.
  5. Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).

Người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Trực tuyến tại Cổng dịch vụ công qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Điều kiện thực hiện đăng ký thường trú

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì người yêu cầu đăng ký cư trú có thể nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu. Trường hợp người yêu cầu đăng ký cư trú nộp bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu nộp bản sao giấy tờ đó.

Trường hợp thực hiện đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú thì người yêu cầu đăng ký cư trú khai báo thông tin và đính kèm bản quét hoặc bản chụp các văn bản, giấy tờ cần thiết theo quy định. Công dân có trách nhiệm xuất trình bản chính các giấy tờ, tài liệu đã cung cấp khi có yêu cầu của người làm công tác đăng ký cư trú.

Theo Công an TP.HCM, người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Công an cấp xã hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Trực tuyến tại Cổng dịch vụ công qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Công an TP.HCM cho biết, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú. Trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Những giấy tờ, tài liệu nào được dùng để chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp?

Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM cho biết, hiện, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử (Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng VNeID - định danh điện tử). Nhà nước vẫn duy trì quản lý cư trú bằng phương thức hộ khẩu, chỉ là thay thế hình thức quản lý bằng phần mềm công nghệ thông tin hiện đại. Vì vậy người dân vẫn cần làm thủ tục đăng ký thường trú đúng quy định.

Công an TP.HCM cho biết, theo quy định, công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:

  1. Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở).
  2. Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
  3. Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
  4. Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán.
  5. Giấy tờ về mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở.
  6. Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên.
  7. Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở
  8. Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở....
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.