Nhiều người ở chung cư TP.HCM dù thích vẫn không nuôi chó mèo, vì sao?

08/02/2023 14:23 GMT+7

Từ nhiều năm qua việc nuôi chó, mèo ở các chung cư TP.HCM vẫn có những bất cập, tranh cãi. Vì vậy, nhiều người dù thích nhưng vẫn không dám nuôi vì nhiều lí do khác nhau.

"Cấm nuôi ở chung cư thì tốt nhưng hơi khắt khe"

Chị Huỳnh Diệu N. (27 tuổi, ở chung cư Sài Gòn S.R, TP.HCM) cho biết, chỗ chị ở cho nuôi thú cưng: chó, mèo. Tuy nhiên, chủ đi cùng chó mèo sẽ dùng thang máy riêng. Thậm chí, Ban quản lý chung cư có dán thông báo cấm thú cưng dùng thang máy cư dân.

Chị N. chia sẻ, bản thân yêu thích động vật đặc biệt là chó, mèo nhưng nhận thấy việc nuôi ở chung cư có nhiều bất tiện về vệ sinh, không gian sinh hoạt nên chị không nuôi. Ngoài ra, việc đi làm ở ngoài thường xuyên không có nhiều thời gian quan tâm đến vật nuôi ở nhà cũng là lí do để chị đưa ra quyết định này.

Vì sao nhiều người dù thích vẫn không nuôi chó mèo ở chung cư? - Ảnh 1.

Nhiều chung cư quy định cư dân không được nuôi chó, mèo

C.A.B

"Tôi nghĩ rằng việc cấm nuôi chó, mèo ở chung cư thì tốt nhưng hơi khắt khe. Có thể cho cư dân nuôi vì các hộ dân ở tách biệt cũng không ảnh hưởng đến nhau. Tuy nhiên, đối với những không gian sinh hoạt chung cư của cư dân như thang máy, sảnh, sân đi bộ, khu vui chơi trẻ em,… Ban quản lý cần cấm không cho thú cưng đến để đảm bảo an toàn cho cư dân", chị bày tỏ.

Chị Phạm Quỳnh Phương (27 tuổi, ở khu dân cư Gia Hòa, TP.Thủ Đức) chia sẻ, dù rất muốn nhưng chị vẫn quyết định không nuôi chó mèo ở chung cư. Chị sợ nuôi chó mèo sẽ gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến những nhà xung quanh. Khu chung cư chị ở hệ thống cách âm, chống ồn không được tốt nên việc nuôi chó mèo sẽ có những bất cập.

Vì sao nhiều người dù thích vẫn không nuôi chó mèo ở chung cư? - Ảnh 2.

Việc nuôi chó, mèo ở chung cư cũng có những bất cập

C.A.B

"Trước đây tôi thuê nhà nguyên căn ở với bạn, chủ khá dễ tính nên nuôi thú cưng thoải mái. Mình nuôi có ý thức giữ gìn vệ sinh nên không có vấn đề gì. Sau này mình quyết định chuyển sang thuê nhà chung cư thì không nuôi nữa vì các căn hộ ở sát nhau, không gian sinh hoạt khác hơn nhiều so với nhà riêng. Nếu chẳng may chó mình nuôi tiếp cận, lỡ cắn phải hàng xóm sẽ rất đau đầu. Hơn nữa, ở chung cư chó mèo sẽ gây ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung nên mình quyết định nhường chú chó trước cho người thân ở quê nuôi", chị bày tỏ.

Vụ chủ chó đánh người ở chung cư: UBND TP.HCM yêu cầu xử lý nghiêm

Những bất cập khi nuôi chó mèo ở chung cư là gì?

Chia sẻ với Thanh Niên, ThS Võ Thanh Tuyền, Phó trưởng khoa Đô thị học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP.HCM cho biết, hiện nhiều chung cư có quy định cấm nuôi chó, mèo. Câu chuyện tranh cãi về việc nuôi chó mèo ở chung cư vẫn không có hồi kết.

Theo ThS Tuyền, những quy định cấm nuôi chó, mèo có thể xuất phát từ những bất cập về vệ sinh hay tiếng ồn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng cư dân tại chung cư.

Vì sao nhiều người dù thích vẫn không nuôi chó mèo ở chung cư? - Ảnh 3.

Không gian chật hẹp nên tiếng ồn phát sinh từ chó, mèo dễ làm người khác khó chịu

C.A.B

"Do đặc trưng của cấu trúc không gian đô thị cùng lối sống đô thị phải tương thích với không gian hiện hữu nên việc nuôi chó mèo ở chung cư còn nhiều bất cập về vệ sinh, tiếng ồn.

Nếu như ở nông thôn với cấu trúc không gian sống rộng, nơi chó mèo có thể thoải mái đi vệ sinh, tiếng kêu, tiếng sủa mà không làm ảnh hưởng đến người khác thì ở đô thị với tính chất "nén" của không gian sống, nếu sơ suất để chó mèo đi vệ sinh ở hành lang hoặc không gian chung sẽ dễ gây mùi, mất mỹ quan. Trong không gian chật hẹp, tiếng ồn phát sinh từ chó mèo rất dễ làm người khác khó chịu", chị chia sẻ.

Theo chị, nhìn từ góc độ một nhà quản lý đô thị, mọi chính sách, quy định đều cần nhìn nhận từ nhu cầu chính đáng của người dân và vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Xét về khía cạnh nhu cầu của mỗi người, nhiều người đã dành tình yêu lớn cho thú cưng, phổ biến là chó, mèo.

"Dù chung cư có quy định cấm nhưng nhiều người vẫn nuôi vì tình cảm họ dành cho thú cưng rất lớn. Nhìn từ góc độ người trong cuộc, việc sống cùng thú cưng mang lại cho họ cảm giác thoải mái, bớt cô đơn, có nhiều cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ đỡ phức tạp hơn nếu như người nuôi chó mèo tuân thủ quy định về vệ sinh chung, an toàn chung, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh", ThS Tuyền cho hay.

Theo vị chuyên gia, mỗi chung cư sẽ có quy định khác nhau về việc nuôi chó, mèo. Đối với trường hợp cấm nuôi Ban quản lý có thể sẽ gặp nhiều ý kiến trái chiều khi ban hành vì không có luật cấm nuôi chó, mèo. Tuy nhiên, Ban quản lý có thể tìm một căn cứ khác ngoài luật như khảo sát cư dân và ban hành quy định theo số đông, truyền thông lí do vì sao cấm để người dân hiểu và thông cảm,….

Đối với trường hợp cho phép nuôi, Ban quản lý cần có những quy định dành cho cư dân nuôi chó mèo. Quy định đó được xây dựng dựa trên các luật liên quan như luật phòng chống dịch bệnh, nghị định về an ninh trật tự có liên quan đến việc nuôi chó, mèo,…

Ngoài ra, các đô thị ở Việt Nam còn thiếu không gian công cộng có chức năng phù hợp với chó mèo. Khi nhu cầu nuôi chó mèo trở nên phổ biến trong tương lai các không gian công cộng trong khu có thể xem xét để dành cho chó, mèo. Tuy nhiên, điều này cần được nghiên cứu sâu để thiết kế không gian công cộng hợp tình, hợp lý vì lợi ích chung của cộng đồng người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.