Công an TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đang tạm giữ hình sự Kiều Tiến Tâm (29 tuổi) và Vũ Quang Vinh (30 tuổi), đều là người địa phương, để xác minh vụ việc tông xe khiến một cán bộ CSGT trọng thương.
Theo thông tin ban đầu, tối 6.2, Tâm điều khiển xe máy chở theo Vinh, di chuyển theo hướng P.Bình Minh (TP.Lào Cai) đến P.Kim Tân (TP.Lào Cai). Do có biểu hiện vi phạm giao thông, 2 người bị CSGT ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe.
Tuy nhiên, Tâm không chấp hành mà tăng ga cho xe đâm thẳng vào một thiếu tá CSGT, khiến nạn nhân ngã xuống đường, trọng thương. Vị thiếu tá được đưa đi cấp cứu, kết quả chẩn đoán xác định bị đa chấn thương, nứt hộp sọ.
Vụ việc đang được dư luận quan tâm. Vậy, hành vi của tài xế xe máy sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, lực lượng CSGT có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Quá trình thi hành công vụ, CSGT được quyền yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, người tham gia giao thông có nghĩa vụ phải chấp hành.
Trong vụ việc xảy ra tại Lào Cai, hành vi của tài xế xe máy thể hiện việc không chấp hành, cản trở lực lượng CSGT thi hành nhiệm vụ, có dấu hiệu chống người thi hành công vụ. Tùy thuộc vào hậu quả xảy ra, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về hành chính, hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị phạt cao nhất đến 8 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định 144/2021.
Về hình sự, người phạm tội chống người thi hành công vụ có thể bị phạt cao nhất đến 7 năm tù, theo quy định tại điều 330 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đặc biệt, việc tài xế xe máy tông thẳng vào thiếu tá CSGT khiến nạn nhân bị nứt hộp sọ cho thấy đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ.
Trường hợp xác định tài xế nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra thương tích, thậm chí thiệt mạng nhưng vẫn cố ý lao xe vào cán bộ CSGT đang thực hiện nhiệm vụ, dẫn tới hậu quả thương tích, thì có dấu hiệu của tội giết người, quy định tại điều 123 bộ luật Hình sự năm 2015.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra, hành vi vi phạm của tài xế xe máy đã rõ, vậy người ngồi phía sau có bị xử lý hay không?
Theo luật sư Tâm, nếu cơ quan chức năng chứng minh được người ngồi sau có hành động hoặc lời nói xúi giục, kích động người cầm lái tông xe vào CSGT thì mới có thể xem xét dấu hiệu đồng phạm. Ngược lại, nếu không chứng minh được thì không có căn cứ để xử lý với người này.
Bình luận (0)