Trong khi các ngành khác nỗ lực cải tiến để đáp ứng nhu cầu khách hàng thì đường sắt vẫn là nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều người. Hằng năm, tết đến, hè về hay dịp thi đại học, sinh viên và sĩ tử lại phấp phỏng với “ông đường sắt”. Điệp khúc này lặp đi lặp lại bao nhiêu năm mà dường như chưa đến hồi kết.
Năm 1977, khi còn tại ngũ, tôi được về phép 12 ngày. Từ Sơn Tây xuống ga Hàng Cỏ xếp hàng để mua vé tàu vào Đồng Hới (Quảng Bình). Sau 3 ngày xếp hàng, có vẻ sắp đến lượt của tôi và những người gần đó, nên mọi người sốt ruột đứng cả lên. Thế nhưng, người giữ trật tự cầm một cái đòn gánh cứ thế đặt lên hai thanh sắt làm chỗ xếp hàng rồi quơ qua quơ lại, trúng ai ráng chịu.
Khi gần đến lượt chúng tôi thì bất ngờ có rất nhiều người chen vào, ai cũng phải nhường chỗ, do nhóm người này mặc nguyên bộ áo quần đã nhúng dầu mỡ, không thể không tránh. Chiếm được vị trí thì họ mua vé trước rồi bán lại cho người khác với giá cao hơn. Lúc đó không thấy người bảo vệ cầm đòn gánh đâu cả. Ngày thứ 7 tôi mới mua được vé và 3 ngày sau chuyến tàu chợ ì ạch mới vào được ga Đồng Hới. Tôi bị ám ảnh về đường sắt từ thuở ấy.
Nhìn lại, 37 năm từ năm 1977 đến 2014, ngành đường sắt đã làm được những gì?
Đường sắt VN đã quá lạc hậu, ai cũng thấy. Nhưng trong khi đất nước còn phải lo nhiều chuyện khác, chưa thể làm được đường sắt cao tốc bắc - nam, chẳng lẽ ngành đường sắt lại ngồi chờ? Trên hạ tầng sẵn có, đường sắt đã làm những gì?
Chẳng lẽ không thể quét dọn, tân trang lại đoàn tàu cho sạch sẽ? Chẳng lẽ không cải tiến được dịch vụ ăn uống trên tàu để không còn bầy hầy? Chẳng lẽ bao nhiêu đầu óc trong bộ máy của ngành không nghĩ được cách bán vé hợp lý và tiện ích vào dịp cao điểm? Tất cả những điều đó là do con người chứ đâu phải do hạ tầng cơ sở!
Chuyện kỳ lạ nhất là mới đây, bà Vũ Thị Huyền Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty mía đường 1, cho biết từ khi nhà nước thực hiện cân tải trọng xe trên đường bộ thì việc vận chuyển nguyên liệu từ Thanh Hóa lên Lào Cai xuất khẩu qua biên giới gặp khó khăn. DN đã chủ động làm việc với ngành đường sắt và ký xong hợp đồng vận chuyển. Thế nhưng, mất cả tuần phía đường sắt vẫn chưa xếp được lịch để chuyển hàng đi. Chỉ đến khi bà Đức nhắn tin cho Bộ trưởng Đinh La Thăng thì mới được giải quyết.
Trước thực trạng trên, ông Thăng phải thốt lên: “Ngành đường sắt cứ ngồi mà chờ sung rụng à!”. Câu nói của bộ trưởng khiến chúng ta nghĩ: ngành đường sắt như đang làm việc trong thời bao cấp.
Thế nhưng, xin hỏi các vị lãnh đạo ngành đường sắt: “Sung ở đâu mà rụng?”.
Nguyễn Thế Thịnh
>> Đường sắt đi trồng sung rồi há miệng chờ rụng
Bình luận (0)