Metro "làm nóng" chợ Bến Thành
Khác với không khí khá trầm lắng nửa tháng trước, theo ghi nhận của PV Thanh Niên những ngày cuối cùng của tháng 12, mua sắm cho Tết âm lịch bắt đầu sôi động, thậm chí nhiều nơi đông đúc, sức mua tăng mạnh. Dạo một vòng quanh khu vực chợ Bến Thành (Q.1) những ngày này, không dễ kiếm được nơi giữ xe. Với vị trí gần lối số 3 đến ga tàu điện ngầm metro số 1, tức Ga Bến Thành, chợ Bến Thành thời điểm này thu hút đông đúc khách ra vào mua sắm, tập trung nhiều nhất ở các quầy bán hàng lưu niệm, đồ chơi trẻ em, bánh mứt, đồ khô, áo quần.
Có thể nói sau giai đoạn dài trầm lắng, gần như bất động sau dịch Covid-19, sinh khí đã trở lại với ngôi chợ nổi tiếng bậc nhất TP.HCM. Khi chúng tôi hỏi chuyện, một người bán các mặt hàng trà, cà phê và nhiều loại hải sản khô tại 3 sạp K.L ngay lối chính từ cổng chợ vào nói vội khách đông dần từ tuần trước. "Khách du lịch đến kỳ nghỉ lễ tăng, nhưng đông nhất là khách đi metro vào chợ mua sắm. Thế nên, doanh số bán hàng tăng tương đối tốt", ông cho hay và vui vẻ nói thêm: "Bán đến quên ăn. Từ sáng đến giờ chưa có gì bỏ vào bụng".
Bên trong chợ, người người chen lấn, nhộn nhịp. Người mua miệt mài chọn lựa, người bán quên ăn hoặc vừa ăn vừa trả lời - hình ảnh hiếm thấy tại các chợ truyền thống nhiều năm qua. Tại quầy hàng lưu niệm, một gia đình đến từ Đức đang lựa mua bộ chén gốm có in hình danh lam thắng cảnh VN. Người phụ nữ tên Jolie cho biết từ sau dịch Covid-19 đến nay, đây là lần đầu tiên hai vợ chồng quay trở lại VN. "Sau 5 năm có thêm một em bé và tuyến đường đi đơn giản hơn. Chúng tôi thích đến VN dịp tết vì không khí rất đặc biệt", Jolie cho biết và hỏi người bán có hàng lưu niệm nào hình con rắn hay không. Vị khách Đức giải thích: "Theo lịch phương Đông, năm tới là năm con rắn, nên tôi muốn mua cái gì đó liên quan đến rắn để làm quà".
Theo quan sát, các quầy sạp đều đông đúc khách mua bán. Đến trưa, khách dàn hàng ngang ngồi ăn khiến chợ trở về nguyên bản truyền thống trước đây. Bà N.T.T, chủ 3 sạp đang cho thuê bán ăn uống tại chợ, kể bà nhượng lại 3 sạp này ngay trong dịch với giá "tương đối rẻ". "Giá cho thuê cả 3 sạp trong 2 năm qua là 15 triệu đồng, từ ngày 1.1.2025 tăng lên 21 triệu đồng, người thuê đồng ý ngay. Hiện người thuê đề nghị có thể mở rộng kinh doanh thêm mặt hàng đồ chơi, lưu niệm nên giá cho thuê sẽ cao hơn nữa. Tuy nhiên, để xin kinh doanh thêm mặt hàng khác là điều không dễ theo quy hoạch của chợ", bà N.T.T nói.
Tương tự, tại chợ An Đông (Q.5), theo các tiểu thương, mãi lực đã tăng từ cuối tuần trước. Bà Muội, bán các mặt hàng khô, đã hết than thở khi sức mua tăng so với ngày thường từ 10 - 20%. Cà phê, hạt điều, mứt truyền thống VN, các loại bánh từ hạt, mực và tôm khô… vẫn là nhóm hàng chủ lực được khách mua nhiều. "Khách vào chợ thường là khách du lịch, hết mùa du lịch, chợ sẽ đìu hiu. Thế nhưng, mấy ngày qua, lượng khách chủ yếu là người sống tại TP đến mua sắm tết. Bằng chứng là các điểm trông giữ xe luôn hết chỗ. Bên cạnh đó, khách đang đi thử nghiệm metro số 1, tập trung bến cuối là chợ Bến Thành, giúp mãi lực tại chợ tăng mạnh", bà nói.
Tại chợ An Đông, cảnh đóng sạp vẫn còn nhưng đã ít hơn. So với đầu năm 2024, lượng sạp mở bán trở lại tăng khoảng 20 - 30%. Theo bà Thu Ngân, kinh doanh áo quần tại chợ, nhiều người ngưng bán, cho thuê lại sạp do phát triển tốt mô hình kinh doanh qua livestream, bán hàng online. Cá nhân bà, nếu mở 2 sạp tại chợ sẽ phải chi thêm tiền lương nhân viên, thuê sạp, điện nước…, trung bình 1 tháng tốn khoảng 35 triệu đồng. "Vẫn có nhiều người có nhu cầu thuê, sang sạp để kinh doanh. Thế nên, nhiều người ngưng bán, rút về nhà như tôi. Kinh doanh tại chợ, nếu hoạt động theo mô hình hiện đại, tăng tương tác online, livestream bán hàng… vẫn có khách tốt", bà Ngân cho hay.
Tết sớm, sức mua tăng sớm
Nếu ban ngày dành cho chợ thì buổi tối là thời của siêu thị. Đại diện một số hệ thống siêu thị tại TP.HCM thông tin người dân khởi động mua sắm tết khá sớm. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail VN, chia sẻ: "Sức mua sắm tại các siêu thị đang tăng từng ngày, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Người dân khởi động mua sắm tết rất tốt, ngoài kỳ vọng. Các mặt hàng khách tập trung mua chủ yếu là bia rượu, nước ngọt, thịt nguội, trái cây, hamper… Chúng tôi khá lạc quan với không khí tiêu dùng của người dân trong năm nay. Điều này cho thấy sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Tâm lý của đại bộ phận người tiêu dùng đang có xu hướng chi tiêu mạnh tay hơn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Central Retail dự kiến sản lượng cung ứng cho dịp tết năm nay tăng khoảng 10% so với cùng kỳ tết năm ngoái".
Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market cũng có những dự báo tích cực khi cho rằng nhu cầu mua sắm dịp tết tăng khoảng 10 - 15% so với năm ngoái, và tăng khoảng 20 - 25% so với ngày thường. "MM Mega Market tăng nguồn hàng lượng dự trữ lên 40% các mặt hàng phục vụ đặc biệt bán tết. Trong đó, thịt heo và thịt gà sẽ luôn có giá ổn định. Do siêu thị có chuỗi cung ứng khép kín từ thu mua tại nguồn đến khâu kiểm soát chất lượng và vận chuyển, nên giá cả hàng hóa không đáng lo ngại", đại diện MM Mega Market cho hay.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cập nhật gần 70 doanh nghiệp đầu mối tham gia bình ổn thị trường đã làm việc xong với các nhà sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu sản lượng lớn, trong đó hàng bình ổn chiếm khoảng 40% nhu cầu thị trường. Bản thân hiệp hội cũng đã tăng dự trữ hàng tết lên khoảng 20 - 30% so với năm ngoái và cố gắng giữ giá. Bà Chi khẳng định nhu cầu tiêu dùng năm nay tốt hơn năm ngoái. Sức mua sắm tăng liên tục từ nửa tháng qua và tăng mạnh ngoài nhu cầu tiêu dùng đang dần phục hồi, do năm nay tết Tây rơi vào giữa tuần, lại sát Tết Nguyên đán nên đa số người dân tập trung mua sắm sớm cho Tết Nguyên đán.
Vissan cũng đã chuẩn bị 540 tỉ đồng hàng tết 2025, tăng 8% so với năm ngoái. Trong đó, thực phẩm tươi sống dự kiến gần 930 tấn và khoảng 3.700 tấn thực phẩm chế biến. Doanh nghiệp cũng đang thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu đến 30% để kích thích sức mua, chia sẻ với người tiêu dùng. Vissan dự đoán sức mua tăng khoảng 10%.
Theo Bộ Công thương, sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ, trái cây, bánh kẹo, nước giải khát… đã được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10 - 25% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận tết.
Bình luận (0)