"Điệp khúc ế"
Chưa đến 15 giờ ngày 7.3, nhiều quầy sạp tại chợ Vườn Chuối (Q.3, TP.HCM) đã đóng cửa im lìm, một số dán bảng sang sạp hoặc cho thuê. Trao đổi với hơn chục tiểu thương nơi đây đều có chung câu trả lời: "Chợ ế lắm!". Vì thế, chợ chủ yếu bán rau quả tươi vào buổi sáng; buổi chiều lác đác hoạt động cầm chừng.
Chợ dân sinh Nguyễn Văn Trỗi (Q.3) họp cả ngày, nhưng đến trưa hầu như không còn khách. Bà Thu, bán cá phía sau chợ, cho hay trước đây có 10 người bán cá thịt, nay còn 5 người. Trong nhà lồng chợ, cả dãy sạp trống trơn, trên sạp chất cao những thùng, ghế, chậu gọn gàng. Đưa tay chỉ đồ vật đã phủ bụi, bà Thu nói: "Số tiểu thương đến chợ ít, hàng hóa, quầy sạp thu hẹp nhiều nên chủ yếu họp chợ vào buổi sáng, bán các loại thực phẩm tươi sống, gia vị, đồ khô…".
Ế ẩm cả năm, tiểu thương chợ Thủ Đức rầu rĩ nghe tin sạp dự kiến tăng giá
Tương tự, tại tầng hầm chuyên kinh doanh các mặt hàng đồ khô, gia dụng ở chợ An Đông (Q.5, TP.HCM), chủ sạp Lan Anh - chuyên bán các mặt hàng gia dụng dùng trong nhà bếp, cho biết mùng 10 tết (ngày 19.2) chợ mới mở bán nhưng khách vẫn giảm một nửa so với trước dịch, bao gồm khách du lịch và khách nội địa. Tại tầng hầm có các quầy hàng ăn uống, đa số bán cuối ngày cho học sinh Trường THCS Lý Phong bên kia đường tan học. Còn lại, các quầy hàng gia dụng đều đóng cửa sớm hơn.
Trên tầng 2 chuyên bán các sản phẩm áo quần thời trang, giày dép, không khí có phần nhộn nhịp hơn. Tuy vậy, cảnh mua bán chỉ tấp nập tại vài quầy sạp dù ngay giờ cao điểm. Còn đa số người bán khác ngồi chơi game, xem phim, bấm điện thoại. Nhiều quầy đóng cửa, dán thông báo sang sạp. Chị Tuyết Nhung, tiểu thương kinh doanh hàng mỹ nghệ tại quầy sạp cùng tên đặt ngay lối cầu thang bộ đi lên, cho biết: "Mặt hàng mỹ nghệ, trang trí là khi xông xênh tiền bạc mới sắm về chưng. Nay tiền để ăn, chi tiêu thiết thực. Khách giảm mua nhiều. Trong thực tế, không phải đến năm nay chợ mới ế, nhưng khi khó khăn thì ế ẩm càng kéo dài, nặng nề hơn mà thôi".
Điệp khúc chợ ế ẩm vẫn tiếp tục được nghe tại các chợ truyền thống Tân Định (Q.1), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Hòa Bình (Q.11), chợ Tân Bình (Q.Tân Bình)…
Thay đổi để tồn tại
Thực tế, ngoài lý do thu nhập giảm, từ ngày siêu thị, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử xuất hiện, nhiều bà nội trợ đã bỏ thói quen đi chợ vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và cả vì ngại trả giá.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng muốn chợ truyền thống tồn tại và phát triển, cần có sự cải tạo lớn về nội dung lẫn hình thức; từ tư duy của các ban quản lý chợ đến tiểu thương. Phải xác định chợ bán lẻ là kênh bán hàng thiết yếu cho xã hội, nhất là người thu nhập thấp. Đặc biệt là phục vụ nhu cầu tham quan mua sắm của khách du lịch nước ngoài. Từ nhận thức đó, phải có sự đầu tư hạ tầng tương xứng cho chợ. Trong đó, việc tổ chức thu mua hàng hóa tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm qua sàn giao dịch là rất cần thiết để đảm bảo chất lượng hàng hóa, xuất xứ, minh bạch, giá cả…
"Năm ngoái, có một cuộc khảo sát cho thấy 60% hàng hóa tại chợ truyền thống được bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Thế nhưng vẫn còn tới 40% không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng. Như vậy, làm sao thuyết phục được người mua thường xuyên đến chợ?", ông Phú đặt vấn đề.
Thực tế, hàng tươi sống thu hẹp, hàng không thiết yếu đang có nguy cơ bị "xóa sổ" tại các chợ truyền thống. Tại chợ Bến Thành, An Đông, các mặt hàng lưu niệm mỹ nghệ, tranh sơn mài, tượng gỗ, giỏ da cá sấu… được bày bán với số lượng lên hàng ngàn món phục vụ khách du lịch. Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài, khách du lịch không có, thói quen mua sắm hàng với giá trị lớn mai một khiến hàng tồn ở các quầy này khá lớn. Không ít tiểu thương trong số đó đã rời chợ hoặc ngưng bán hàng thời gian dài. Tại chợ An Đông, khi chưa dịch, có gần 30 sạp lớn chuyên bán hàng mỹ nghệ, đến nay còn khoảng 11 quầy đang hoạt động. Tại thời điểm chúng tôi ghé chợ, chỉ có 6 - 7 quầy mở bán, số còn lại được người bán tại các quầy lân cận giải thích là tạm nghỉ ở nhà vì chợ ế.
Bà Nguyễn Thị Tình, chủ sạp B28 - B29 tại chợ An Đông, cho hay những hóa đơn tiền triệu đến nay không còn nữa trong khi những món hàng có giá trị lớn vẫn phải bê ra chưng bán mỗi ngày. Từ sáng đến 4 giờ chiều, bà Tình mới bán được hơn 300.000 đồng gồm lược gỗ, đũa, hộp gương trang điểm… Các món hàng có giá trị lớn như tranh sơn mài, túi xách da cá sấu, bình gốm sứ… hầu như không ai hỏi thăm. "Hôm nay đến 1 giờ chiều mới bán mở hàng hai hộp đũa 140.000 đồng. Có ngày không bán một món nào cũng phải ra chợ ngồi", bà Tình ngán ngẩm kể.
Tình cảnh của bà Tình đã trở nên phổ biến ở các chợ lớn tại TP.HCM mấy năm nay. Câu hỏi về sự tồn tại, phát triển chợ truyền thống cũng không ít lần được đặt ra. Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, Sở Công thương TP.HCM cho biết đã phối hợp với các địa phương để có giải pháp nâng cao mãi lực cho chợ truyền thống. Theo đại diện Sở Công thương, cần đánh giá lại hoạt động của chợ truyền thống. Chợ truyền thống vẫn tồn tại nhưng phải có mô hình mới phù hợp và có thể tính đến chuyển đổi công năng các chợ hoạt động không hiệu quả. Tất nhiên việc này phải được các quận huyện rà soát, có báo cáo và lên phương án cụ thể. Trong quá trình chờ giải pháp cụ thể, một số chợ cũng như tiểu thương đang nỗ lực tồn tại bằng cách livestream bán hàng, quảng bá. Bước đầu, cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn.
Từ đầu tháng 3, Sở Công thương TP.HCM đang chuẩn bị thực hiện chuỗi hoạt động livestream bán hàng cho chợ truyền thống. Cụ thể, đẩy mạnh đưa mô hình thương mại điện tử vào chợ truyền thống, tổ chức chuỗi livestream, đào tạo thương nhân, đội ngũ KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng) để bán hàng. Hoạt động thương mại điện tử làm cho kênh phân phối truyền thống chịu sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, quan điểm của Sở Công thương là chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng để chuyển đổi số, kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp với trực tuyến, livestream, qua đó phát huy lợi thế lớn của chợ là văn hóa đi chợ của người dân, nguồn hàng có sẵn...
Năm 2023, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử tại TP.HCM đạt 112.000 tỉ đồng, tăng 37%. Thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, nhưng đại diện Sở Công thương TP.HCM nhìn nhận hoạt động bán hàng online còn nhiều vấn đề, như hàng giả, kém chất lượng; lừa đảo trực tuyến; mua bán hàng hóa không hóa đơn, nhất là với thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bình luận (0)