Chờ ươi... hạ cánh

Mạnh Cường
Mạnh Cường
09/07/2021 06:12 GMT+7

Vào mùa ươi năm nay, người dân và chính quyền địa phương kiên quyết nói không với chặt cành, cưa gốc.

Người dân vùng cao Quảng Nam nhẫn nại chờ ươi chín theo gió rụng xuống mà lượm. Chuyện tưởng bình thường nhưng lại là kết quả của một quá trình thay đổi thói quen thẳng tay chặt hạ cả cây ươi để khai thác loại hạt mệnh danh “yến sào của núi”...

Người dân phải băng rừng, chui rúc trong các bụi gai rậm để tìm hạt ươi

Lộc rừng

Hơn một giờ đồng hồ ngược núi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi có nhiều cây ươi mà người dân đang tập kết ngồi chờ ươi rụng ở Phước Sơn. Hàng ngàn người dân bản địa và nhiều nơi khác cũng đổ về vùng cao Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang... để “săn” ươi. Ươi đang vào mùa chín tới và rơi rụng theo những cơn gió.
Cây ươi ở vùng cao Phước Sơn nằm rải rác trong cánh rừng già. Đi dọc cung đường Hồ Chí Minh, hễ nhìn thấy những cây cao, đỏ rực giữa cánh rừng xanh là biết ươi đang ở phía đó. Từng đoàn người với ba lô, túi xách, lương thực... trực chỉ những vệt rừng loáng thoáng màu đỏ. Ở nhiều nóc, chỉ còn trẻ con và người già ở nhà. “Ươi của trời rồi gió sẽ mang đi”, vài người nhại câu thơ của Hoài Khanh. Đi “săn ươi”, vì thế, không chỉ vì những món tiền mang lại, mà còn là một cái thú.
Sau cuộc điện thoại hẹn trước, chúng tôi được lãnh đạo xã Phước Xuân (H.Phước Sơn) cắt cử cán bộ dẫn vào khu rừng già ở thôn Lao Mưng, nơi có đông người dân đang chờ ươi rụng. Hành trình ngược núi, người dẫn đường Hồ Văn Hạ tranh thủ giới thiệu về ươi. Đây là loài cây có trái sát nách cùng chung cuống với chiếc lá đài. Trái ươi gặp nước lập tức phình to, tan rã nên chiếc lá trở thành tấm áo che cho trái mỗi khi gặp mưa. Vì cùng chung cuống với lá đài, nên khi trái ươi chín rụng thì lá rụng theo. Khi bay trên không trung, nó như chiếc cánh quạt giúp hạt bay xa hơn nên người ta gọi là ươi bay. Khi rơi xuống đất, lá này như cái vỏ ốc, che chắn cho hạt ươi ở bên dưới. Vì vậy, chỉ cần thấy những chiếc lá còn úp xuống, tức là còn hạt trong đó.
Anh Hạ bảo cây ươi thường mọc ở khu vực núi cao, rừng già hiểm trở. Cây ươi đến tuổi ra trái thì vươn cao theo hướng nắng. Cây cao 10 - 20 m, thân thẳng đuột, nhiều thân cây to một người ôm không xuể. “Cây ươi có chu kỳ 4 năm cho ra trái một lần nên người dân xem như lộc mẹ rừng ban tặng. Trước đây, nhiều người cứ mang rựa vào chặt hạ cây để thu hái trái. Sau này, địa phương và lực lượng kiểm lâm tuyên truyền để người dân nhận ra giá trị của quả ươi và nhất là hậu quả của việc đốn hạ, nên họ lựa chọn cách khai thác bền vững: chờ ươi chín rụng xuống mới lượm”, anh Hạ kể.
Chờ ươi...  hạ cánh

Hạt ươi có chất dinh dưỡng cao nên có giá thu mua từ 200.000 - 220.000 đồng/kg

Vạch lá tìm... ươi

Chúng tôi nghe tiếng vạch lá loạc xoạc, tiếng gọi nhau í ới vang cả một góc rừng già. Nhiều người đã ngồi dưới gốc cây ươi hàng tiếng đồng hồ, chỉ chờ có cơn gió mạnh khiến ươi bay là họ túa ra theo hướng gió để lượm.
Chăm chú nhìn dưới lớp lá rừng trộn lẫn lá ươi để tìm trái theo cách thủ công, Hồ Văn Hà (20 tuổi, ở TT.Khâm Đức, H.Phước Sơn) chốc chốc lại ngước nhìn lên cao. Hà đoán hướng ươi bay, lát sau dễ dàng cầm lên mấy trái ươi. Cách lượm thủ công này chẳng khác gì “vạch lá tìm ươi”. “Mùa này, chỉ cần 1 tháng đi nhặt trái ươi thì có thu nhập hơn ở nhà làm rẫy cả năm. Vì thế nhiều người đang bỏ rẫy kéo nhau vào rừng”, Hà tâm sự.
Để kịp đến ngồi chờ dưới cây ươi cổ thụ, Hà cùng chị gái phải cơm đùm cơm nắm rời nhà từ 5 giờ sáng. Lượm chỗ này xong, Hà lại phải phát cây bụi rậm tìm đường đến nơi khác. “Nhặt ươi cho thu nhập cao thật, nhưng để tìm được nó không phải dễ. Đổ mồ hôi, và còn phải đổ cả máu, bởi phải chui rúc qua cây gai, bụi rậm, đôi khi rắn rết tấn công bất ngờ”, Hà chia sẻ.
Vợ chồng anh Nguyễn Tình (27 tuổi, ở thôn 2 xã Phước Đức, H.Phước Sơn) cũng đang tranh thủ những ngày rảnh rỗi để cơm đùm cơm nắm lần theo những vạt cây ươi chín đỏ. Quệt mồ hôi đang chảy ròng ròng dưới cái nắng gần 40 độ C, Tình vẫn nhoẻn cười với thành quả gần 5 kg ươi sau một ngày nhặt nhạnh. Anh nhẩm tính với giá thu mua từ 200.000 - 220.000 đồng/kg, anh dằn túi cả triệu đồng. “Ươi không rụng về gốc. Tùy cơn gió to gió nhỏ thì hạt ươi bay theo đó. Chỉ cần nhớ hướng gió, men theo là tìm ra hạt. Ươi bay theo đàn, đôi khi kín cả một góc trời, nhìn đẹp mê hồn”, anh Tình ví von.
Chờ ươi...  hạ cánh

Hồ Văn Hà đang đi tìm lượm ươi

“Giấy thông hành”

Hồ Văn Lang (25 tuổi, ở xã Phước Xuân) cùng hai người bạn đi thành nhóm vào rừng từ sáng sớm, chọn khu vực nhiều cây ươi rồi “đánh dấu” không cho người khác tiếp cận. “Dân mình đi lượm ươi luôn có nguyên tắc là không tranh giành nhau. Ai biết, xí phần trước thì có quyền bảo vệ để thu lượm. Người đến sau sẽ chủ động đi tìm những cây khác. Nhóm của mình trong 3 ngày ròng nhặt ươi nhưng đã mất đến nửa ngày mới tìm được gốc ươi. Người dân mình bây giờ chỉ nhặt, không chặt hạ cây nữa. Bảo vệ cây ươi cũng chính là giữ miếng cơm của con cháu sau này mà!”, Lang nói.

“Yến sào của núi”

Quả ươi chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao, nhiều người săn đón nên được ví như “yến sào của núi”. Ươi (tên khác là đười ươi) thân gỗ lớn; mọc nhánh ra hoa tháng 3 - 4, quả chín trong tháng 6 - 8, tập trung nhiều trong các rừng trung Trung bộ và Tây nguyên, cứ 4 năm cho trái chín một lần. Ươi là loại cây có giá trị, vừa cho gỗ lớn, đồng thời còn cung cấp quả cho xuất khẩu làm dược liệu và nước giải khát.
Hạt ươi có vị ngọt, hơi chát, tính hàn, uống rất mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi cổ họng, giải độc, thông tiện, thường chữa ho khan, cổ họng sưng đau, ho ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt. Nó còn có tác dụng làm mát cơ thể, trị các bệnh về mùa hè.
Ông Đặng Trọng Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Phước Xuân, kể rằng đã nhiều năm qua người dân vẫn khai thác ươi theo kiểu tận diệt. Họ chặt hết các cành, hoặc tệ hơn là cưa luôn cả gốc để thu hạt nhanh hơn thay vì đi len lỏi trong rừng già. Cây ươi mất 4 năm để cho đợt trái mới, nên khi bị chặt hết cành thì phải chờ lâu hơn nữa...
Vào mùa ươi năm nay, người dân và chính quyền địa phương kiên quyết nói không với chặt cành, cưa gốc. “Chúng tôi đã họp từng thôn. Ai đi lượm ươi thì phải đăng ký với xã và được cấp phiếu. Không ai được đưa dụng cụ vào rừng. Tại các khu vực có cây ươi cũng sẽ lập các tổ chốt chặn ngay từ cửa rừng. Ai có phiếu đăng ký thu lượm ươi thì mới cho vào rừng. Người từ địa phương khác tới cũng phải đăng ký với chính quyền địa phương, nếu không có “giấy thông hành” sẽ bị xử lý”, ông Sơn nói.
Thay đổi một thói quen hái lượm giữa bạt ngàn rừng sâu, đấy không còn là một cuộc chiến bảo vệ rừng nữa. “Bảo vệ cây ươi cũng chính là bảo vệ sinh kế lâu dài cho bà con”, ông Sơn có lý khi nói về nguyên do các đội kiểm soát đang buộc người dân bỏ hết cưa, rựa trước khi vào rừng.

Bình luận (1)

avatar-user
truyen truyen

Cách quản lý này hay, bảo vệ rừng khai thác bền vững...

Trả lời 0 8 tháng trước
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.