Nhưng những quy định của Chính phủ về cách ly xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã đặt ra vấn đề: Muốn làm việc thiện vào thời điểm này cần phải có sự thay đổi phù hợp và người nhận từ thiện cũng vậy. “Điểm sáng” nhất hẳn là ý tưởng về chiếc máy ATM phát gạo.
Thay vì đút thẻ vào máy và cho ra tiền như các máy ATM bình thường, người sáng chế đã không cần nhận chiếc thẻ nào mà vẫn cho... chảy ra những hạt gạo. Hạn chế tiếp xúc, tự động một phần, nhà hảo tâm vẫn quan sát được những người đến nhận gạo, có giãn cách hợp lý khi người đến nhận gạo đứng chờ..., chiếc máy ATM gạo không chỉ xuất hiện ở TP.HCM mà đã thấy ở nhiều tỉnh thành khác. Dẫu tiện lợi đến thế, nhưng có lúc ATM gạo cũng... chào thua.
Ở TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), máy ATM gạo đã “thất thủ” ngay từ ngày đầu tiên khai trương do lượng người đến quá đông, chen lấn nhau; sau đó vấn đề về tuân thủ quy định về giãn cách xã hội đã được đặt ra.
Ở một số địa phương khác, yếu tố an toàn ở khu vực ATM gạo đã không đảm bảo do người nhận không đeo khẩu trang, hoặc không tuân thủ khoảng cách an toàn...
Ở TP.Đông Hà (Quảng Trị), đã có khoảng 150 người dân đứng giữa quảng trường trung tâm trong mưa lạnh để nhận một món quà từ thiện của một anh chủ quán cà phê hảo tâm.
Câu chuyện phát quà hỗ trợ kiểu này đã đẩy chính quyền, lực lượng chức năng vào tình thế... “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không quyết liệt với bà con thì sai quy định về cách ly xã hội, nhưng cấm phân phát cũng khó vì những người nghèo đang cần sẻ chia. Bởi vậy, việc nhận và làm từ thiện trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, cũng phải cân nhắc đến yếu tố an toàn, tuân thủ quy định về giãn cách xã hội.
Bình luận (0)