Cho vay không đòi được nợ, bán tài sản cầm cố được không?

Ngân Nga
Ngân Nga
19/04/2023 11:39 GMT+7

Nếu bên cho vay và bên vay chưa thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm, thì có thể bán đấu giá tài sản, chứ không được tự ý bán.

"Tôi cho một người quen mượn 50 triệu đồng. Người này hứa sẽ trả cho tôi trong vòng 6 tháng, kèm lãi suất mỗi tháng 2 triệu đồng. Để làm tin, họ đưa cho tôi xe máy tay ga loại cũ, trị giá tầm 30 triệu đồng. Tôi lấy xe này chạy đi làm.

Cả năm nay họ chưa trả được nợ, mới chỉ trả được lãi 6 triệu đồng. Giờ tôi đang cần tiền để chữa bệnh cho con. Vậy tôi có thể bán chiếc xe trên để cấn trừ nợ được không? Trường hợp nào mới được phép cấn trừ nợ?", bạn đọc Văn Đặng gửi thắc mắc nhờ Báo Thanh Niên giải đáp.

Cho vay không đòi được nợ, bán tài sản cầm cố được không? - Ảnh 1.

Bên nhận cầm cố có quyền xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận

NGÂN NGA

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn, bên vay tiền dùng xe máy trị giá 30 triệu đồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với khoản vay 50 triệu đồng. Như vậy, người cho vay và người vay đang áp dụng biện pháp cầm cố tài sản nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả tiền (điều 309 bộ luật Dân sự).

Bên nhận cầm cố có quyền xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu khi xác lập giao dịch vay, hai bên chưa thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm, thì căn cứ theo khoản 2 điều 303 bộ luật Dân sự, bạn chỉ có thể đem bán đấu giá xe máy theo trình tự được quy định về đấu giá.

Cụ thể, bạn cần phải ký kết hợp đồng dịch vụ với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá. Đồng thời, bạn phải cung cấp cho tổ chức đấu giá tài sản các bằng chứng chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc quyền được bán tài sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bằng chứng đó (điều 33 luật Đấu giá tài sản).

Địa điểm đấu giá là trụ sở của tổ chức đấu giá tài sản, nơi có tài sản đấu giá hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận của người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (điều 37 luật Đấu giá tài sản).

Ngoài ra, các tổ chức đấu giá sẽ ban hành quy chế cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản, bao gồm những nội dung chính như: tên tài sản hoặc danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá; thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá…

Luật sư Hậu cũng lưu ý, khi xử lý tài sản bảo đảm, bạn cần phải thông báo cho bên vay tiền về việc xử lý tài sản trước một thời hạn hợp lý. Để tiết kiệm thời gian cũng như để đảm bảo tốt nhất giá trị của xe máy, bạn nên trao đổi lại với người vay để cùng thống nhất bán xe máy trên. Đối với khoản nợ còn lại, bạn có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bên vay trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.