Hôm nay (15.2) là hạn chót để các trường đại học Trung Quốc nộp báo cáo cho chính phủ các bài nghiên cứu học thuật trên các chuyên san khoa học tiếng Anh và tiếng Trung bị rút lại trong vòng 3 năm qua.
Ngoài việc liệt kê, các trường còn phải giải thích lý do rút bài và điều tra các sai sót trong nghiên cứu. Yêu cầu được Cục Khoa học, Công nghệ và Tin học của Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố vào ngày 20.11.2023.
Cuộc rà soát được yêu cầu sau khi nhà xuất bản Hindawi tại Anh, công ty con của nhà xuất bản Wiley của Mỹ, rút lại một lượng lớn bài báo khoa học của các tác giả Trung Quốc. Thông báo của Bộ Giáo dục Trung Quốc nói rằng quyết định của Hindawi và các nhà xuất bản khác đã ảnh hưởng xấu đến danh tiếng và môi trường học thuật của Trung Quốc.
Theo phân tích của Nature, Hindawi đã rút hơn 9.600 bài nghiên cứu trong năm ngoái, trong đó có khoảng 8.200 bài có đồng tác giả tại Trung Quốc. Trong số gần 14.000 thông báo rút bài của tất cả các nhà xuất bản trong năm 2023, có khoảng 3/4 liên quan đồng tác giả Trung Quốc.
Cũng theo phân tích của Nature, chỉ gồm các chuyên san tiếng Anh, hơn 17.000 thông báo rút bài của các tác giả Trung Quốc đã được công bố từ ngày 1.1.2021, thời điểm bắt đầu của giai đoạn kiểm tra theo thông báo của Bộ Giáo dục nước này.
Các nhà nghiên cứu sẽ phải giải thích lý do rút bài. Nhà khoa học thông tin thư viện Xiaotian Chen tại Đại học Bradley (Mỹ), người theo dõi hoạt động rút bài và sai phạm trong nghiên cứu học thuật tại Trung Quốc, cho biết nếu nhà nghiên cứu không thông báo bài viết bị rút và sau đó bị phát hiện, họ sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Chưa rõ hình phạt là gì nhưng trong năm 2021, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố kết quả điều tra liên quan các bài nghiên cứu bị rút lại, theo đó có các hình phạt như cắt lương, cắt thưởng, giáng chức và treo quyền nộp đơn xin cấp kinh phí tài trợ nghiên cứu.
Bình luận (0)