Chơi bài chòi xứ Quảng giữa lòng TP.HCM

31/01/2024 07:15 GMT+7

Những đêm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, giữa không gian rộng lớn ở trung tâm TP.HCM vang lên các làn điệu dân ca bài chòi xứ Quảng, khiến người thì nôn nao nhớ quê, người khác lại thấy lạ tai, thích thú, tò mò và muốn trải nghiệm…

Có mặt tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, thật ấn tượng khi một trò chơi với những làn điệu dân ca đặc trưng nhưng cả khoảng sân rộng lớn chật kín người ngồi xem. Đặc biệt, phần đông trong đó là người trẻ và các bạn tỏ ra vô cùng thích thú.

Trải nghiệm tuyệt vời

Được bố trí ngay khuôn viên chính của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, nơi đang có không gian vườn mai rực rỡ sắc vàng, nên sân khấu của hội bài chòi xứ Quảng càng gây ấn tượng với nhiều người.

Vừa nghe anh, chị hiệu (người hô bài chòi) cất vang câu hát mở đầu: "Bà con cô bác lẳng lặng mà nghe, lẳng lặng mà nghe là tôi hô con bài, con gì nó ra đây…", có những bạn trẻ đã quay qua hỏi nhau: "Trò chơi gì vậy? Có phải lô tô không?", người thì thích thú reo lên: "Ôi, bài chòi quê tôi"…

Chơi bài chòi xứ Quảng giữa lòng TP.HCM- Ảnh 1.

Với những bạn trẻ ở TP.HCM, được chơi bài chòi là một trải nghiệm rất thú vị và tuyệt vời

NỮ VƯƠNG

Với phần đông bạn trẻ ở TP.HCM hoặc từ các tỉnh, thành khác lên thành phố học tập, làm việc, thì dường như đây là lần đầu tiên được tiếp cận và trải nghiệm loại hình nghệ thuật này. Chính vì thế, sự tò mò, hứng thú của các bạn biểu hiện rõ trên gương mặt mỗi khi nghe anh, chị hiệu hô hát những con bài với nhiều tên gọi đặc trưng như: nhất trò, nhì nghèo, ba gà, tam quăng, tứ cẳng… và càng phấn khích hơn những lúc được tới (tức chiến thắng).

Ngồi kế tôi là gia đình của chị Trương Thị Nhung (35 tuổi). Từ Biên Hòa (Đồng Nai), vợ chồng chị Nhung dẫn 2 đứa con lên khu vực đường mai để chụp hình, nhưng khi thấy hội bài chòi thu hút rất đông người nên đã tranh thủ tìm một góc ngồi xem.

Đứa con trai lớn (8 tuổi) cứ thi thoảng lại quay qua hỏi chị Nhung: "Người ta hát cái gì vậy mẹ?", "Làm sao biết mình sẽ thắng ạ?"… Chị Nhung phải liên tục giải thích với cậu con trai, rằng: "Đây là loại hình hát bài chòi của Quảng Nam. Người ta dùng những lời ca tiếng hát, ca dao tục ngữ, lời ru của ông bà ngày xưa để hô bài chòi. Với mỗi lá bài được rút ra, người nào trúng thì hô lên, nếu trúng được 3 lá sẽ chiến thắng".

Chơi bài chòi xứ Quảng giữa lòng TP.HCM- Ảnh 2.

Chật kín người ngồi xem bài chòi

NỮ VƯƠNG

Chia sẻ với người viết, chị Nhung nói: "Thật ra những kiến thức này mình mới hỏi mấy bạn phát thẻ bài ở đây, chứ lúc đầu còn nghĩ là lô tô (cười). Vì đây cũng là lần đầu tiên mình được chơi bài chòi. Lần đầu chơi nhưng mình thích lắm, mấy đứa con cũng hứng thú quá chừng".

Nhóm bạn của Nguyễn Thị Ngọc Tâm, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cứ liên tục hò reo vì 3 trong số 5 thành viên của nhóm lần lượt có những con bài trong tấm thẻ mà mình đang cầm được anh, chị hiệu hô trúng.

Và cuối cùng, Tâm là người chiến thắng khi trúng được cả 3 con bài, gồm: 8 tiền, mỏ, giày. Tâm sướng rơn bày tỏ: "Lần đầu mình chơi mà được thắng thế này đúng là quá may mắn. Đây là một trải nghiệm thật tuyệt vời. Các anh chị hát quá hay mà còn dí dỏm nữa, rất hợp gu mình".

Chơi bài chòi xứ Quảng giữa lòng TP.HCM

Là một người con của xứ Quảng, nhưng theo gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống nhiều năm nay, Đặng Thu Hiền (27 tuổi), ngụ trên đường Nguyễn Thị Búp, P.Hiệp Thành, Q.12 (TP.HCM), xúc động khi được nghe lại dân ca bài chòi thân thương của quê mình.

Hiền nói: "Mình thấy nhớ quê vô cùng, cũng tự hào vì quê hương có loại hình nghệ thuật hay đến như thế này. Từ ngày vào TP.HCM đến nay cũng gần 10 năm rồi, mình chưa một lần được nghe lại bài chòi".

"À ơi phố" của những người trẻ

Có lẽ điều đặc biệt làm nên sự thu hút của hội bài chòi, một phần là nhờ người đã mang loại hình nghệ thuật đặc sắc này vào với thành phố sôi động lại chính là những bạn trẻ.

Các bạn là những người còn rất trẻ nhưng có chung niềm đam mê và yêu thích đặc biệt với loại hình nghệ thuật này nên đã thành lập nhóm "À ơi phố" để cùng nhau sinh hoạt, giao lưu.

Đặng Tấn Cường (25 tuổi), Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn Hội An, Trưởng nhóm "À ơi phố", cho biết nhóm đa phần là các anh em ở chung một xóm, từ nhỏ đã được tiếp xúc với các làn điệu dân ca, cộng với việc tham gia hoạt động Đoàn ở địa phương nên có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với loại hình nghệ thuật dân gian này. Từ đó thêm yêu và luôn muốn giữ gìn cũng như lan tỏa nhiều hơn trong đời sống của giới trẻ, vì thế mà "À ơi phố" đã ra đời.

Chơi bài chòi xứ Quảng giữa lòng TP.HCM- Ảnh 3.

Khán giả thích thú lên sân khấu giao lưu cùng với nhóm hát bài chòi “À ơi phố” đến từ TP.Hội An, Quảng Nam

NỮ VƯƠNG

"Nhận thấy tụi mình còn trẻ và có khả năng, sự nhiệt huyết, nên nếu dùng sức trẻ ấy để lan tỏa được những giá trị văn hóa của quê hương thì sẽ rất ý nghĩa", Cường nói.

Cả nhóm "À ơi phố" đều tin rằng dù hiện nay nhạc trẻ rất thịnh hành và chính bản thân các bạn cũng thường xuyên nghe những bài hát như vậy. Tuy nhiên, với các bạn, thể loại nào cũng có những cái hay riêng và nếu người trẻ có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn về dân ca bài chòi, nhất là ý nghĩa và tính nhân văn sâu xa trong từng con bài thì sẽ thấy loại hình nghệ thuật dân gian này rất hay và nhiều hứng thú.

"Vì là những người trẻ nên tụi mình luôn tìm các chất liệu mới, cái hay hoặc yếu tố mang tính châm biếm, hài hước, dí dỏm để sáng tạo đưa vào câu hát, từ đó tạo sự hứng thú cho người nghe. Nhờ thế cũng thu hút được nhiều bạn trẻ hơn", Cường kể.

Chơi bài chòi xứ Quảng giữa lòng TP.HCM- Ảnh 4.

Hội chơi bài chòi nằm trong chuỗi các chương trình nghệ thuật của Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn do Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM tổ chức

NỮ VƯƠNG

Cường thú thật đây là lần đầu tiên "À ơi phố" đến với một thành phố lớn như thế này, nên lúc đầu rất áp lực và lo lắng, nhưng khi được khán giả ở TP.HCM, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích, thì cả nhóm vô cùng hạnh phúc.

"Các bạn trẻ sau hội đầu tiên, hiểu sơ qua về loại hình này thì rất hứng thú, kiểu như phải có cho được tấm thẻ bài để chơi, mình cảm nhận rõ được tinh thần đó của khán giả ở TP.HCM nên hạnh phúc lắm. Mặc dù, chẳng hạn mình hô 10 con bài, có thể nhiều nhất các bạn chỉ hiểu được 2, nhưng chính sự dí dỏm, hóm hỉnh trong từng câu hát đã tạo cho khán giả sự hứng thú và yêu thích", Cường vui mừng bày tỏ.

Cường cũng chia sẻ thêm: "Khi nhận lời mời từ lãnh đạo Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, tụi mình rất là vui. Đây không chỉ là cơ hội để mang làn điệu dân ca của quê hương đến với thành phố sôi động này, mà tụi mình còn hạnh phúc khi làm được điều ý nghĩa. Vì tất cả số tiền thu được từ các đêm diễn bài chòi này, ban tổ chức sẽ dùng để tặng những phần quà tết ấm áp đến các mái ấm ở TP.HCM".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.