Chơi “cào cào” bay

30/08/2014 05:55 GMT+7

Không chỉ đam mê mà môn chơi xe “cào cào” còn đòi hỏi kỹ năng lái và xử lý tốt các tình huống phát sinh để giảm thiểu tai nạn thường gặp như gãy tay, chân hay thậm chí mất mạng.

Không chỉ đam mê mà môn chơi xe “cào cào” còn đòi hỏi kỹ năng lái và xử lý tốt các tình huống phát sinh để giảm thiểu tai nạn thường gặp như gãy tay, chân hay thậm chí mất mạng.

Chơi “cào cào” bay
Việc điều khiển thuần thục để đua hay biểu diễn xe “cào cào” không hề đơn giản - Ảnh: Độc Lập

Giới chơi xe “cào cào” TP.HCM chọn một quán cà phê nhỏ nằm ở góc đường Hoàng Sa - Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM) như “đại bản doanh” để gặp gỡ. Xe “cào cào” chính là loại mô tô địa hình có các đặc điểm như bánh lớn, gầm cao và hệ thống phuộc nhún chuyên biệt cho những cung đường gập ghềnh, đồi dốc.

Tại quán cà phê trên, anh Nguyễn Thành Huy (35 tuổi) say mê với những bức ảnh treo kín tường và giới thiệu hình ảnh những chiếc xe “cào cào” lạ mắt ẩn cùng những pha nhào lộn, cua dốc, bay trên không trung cao gần chục mét của các “xế cào”. 

Cú nhảy đầu đời

Là một trong những người đầu tiên tiếp cận với môn chạy xe mô tô địa hình ở VN, không có thầy dạy, không có đàn anh chỉ dẫn, chỉ dựa theo những buổi xem trực tiếp mấy vận động viên đua xe người Nhật qua VN biểu diễn và những chương trình đua xe trên truyền hình, anh Huy bắt đầu nhen nhóm niềm đam mê đua xe “cào cào”. Ao ước có được một con “cào cào” để khám phá, anh dồn tiền tiết kiệm để mua xe. Đi khắp TP.HCM mà không thấy chỗ nào bán loại xe “cào cào”. Sau thời gian tìm hiểu, anh gửi mua được một con “cào cào” từ nước ngoài về và bắt đầu chơi.

Trên sân tập mịt mù khói bụi tại Đồng Nai, chiếc “cào cào” mạnh mẽ cuốn hút bên những người tập say mê. Ban đầu chỉ là những vòng cua nhỏ, chủ yếu là để hiểu về động cơ xe. “Tôi thường chỉ chạy tới, chạy lui, bay qua các mô đất nhỏ. Sau bốn tháng học theo các vận động viên đua xe cào cào trên truyền hình tôi quyết định thực hiện cú nhảy đầu đời. Kê một vài tấm xốp cao khoảng 2 - 3 m, rồ ga hết tốc độ và bay. Khi lơ lửng trên không thay vì giữ tốc độ, giữ ga, tôi giảm ga, theo quán tính, tốc độ bị ngắt, chiếc xe cắm đầu lao xuống... cả người và xe bị lộn cổ, chiếc xe hàng trăm ki lô gam rơi xuống người tôi như trời giáng rồi văng ra xa...”, anh Huy nhớ lại.

 Chơi “cào cào” bay 2
Các tay đua trong một giải đua xe mô tô địa hình năm 2013

Những chuyến đi... xuyên rừng

Với những ưu thế riêng về thiết kế, xe “cào cào” dường như chỉ phát huy hết thế mạnh trên những chặng đường đua, những chuyến xuyên rừng và... những nơi không có đường. Khoảng 2 - 3 tháng một lần, lúc từ Nam Cát Tiên lên Bảo Lộc, lúc từ TP.HCM ra Bình Thuận, Nha Trang... Những chặng đường rừng đi qua các tỉnh này hầu hết có địa hình xấu và khó đi. Nhưng đó cũng chính là điểm hấp dẫn các “xế cào”.

 

Khi lơ lửng trên không thay vì giữ tốc độ, giữ ga, tôi giảm ga, theo quán tính, tốc độ bị ngắt, chiếc xe cắm đầu lao xuống... cả người và xe bị lộn cổ, chiếc xe hàng trăm ki lô gam rơi xuống người tôi như trời giáng rồi văng ra xa

Anh Nguyễn Thành Huy

Năm 2004 lần đầu tiên nhóm đua mô tô TP.HCM thực hiện một chuyến đi rừng lạ lẫm từ TP.HCM xuyên qua các cánh rừng ra đồi cát (Bình Thuận). Chuyến đi trong rừng lạ, nên khá nguy hiểm: “Thấy đường mòn là chạy, qua nhiều đoạn suối dài anh em dồn hết can đảm để thực hiện những cú bay. Một vài người “trận mạc” chưa nhiều nên bị mắc kẹt. Không thể bỏ lại anh em thế là cả đoàn buộc lòng phải ở lại rừng. Dựng lều ngủ tạm, không màn, không mền, đêm đó cả đoàn thức trắng vì muỗi và thấp thỏm sợ mưa...”, anh Vương Cao Hải Lâm (31 tuổi, 8 năm gắn bó với xe “cào cào”) kể.

Mỗi lần thực hiện những chuyến xuyên rừng cùng bạn bè nhóm đua đều nghiên cứu địa hình rất kỹ rồi mới đi. Tuy vậy, vẫn không tránh được những tai nạn bất ngờ do chướng ngại vật trên đường gây ra. “Nhiều khi đang chạy ngon lành nghĩ mình đã tìm được đường mới cho xe thì gặp những cây cổ thụ đổ ngang, đổ dọc bít đường không cách nào đưa xe qua được đành bỏ cuộc tìm một hướng đi khác”, một “xế cào” tâm sự.

Thông qua những chuyến xuyên rừng các “xế cào” không chỉ nâng cao kỹ xảo điều khiển xe, rèn luyện độ nhạy trong xử lý tình huống mà còn có được nhiều trải nghiệm: “Năm 2012 tôi cùng đội đua mô tô cào cào thực hiện chuyến xuyên rừng Nam Cát Tiên, mới đi được khoảng hơn 1 km thì xe bị sa lầy. Cả người và xe đều rơi xuống sình, càng cố thoát ra thì lại càng bị nhấn sâu hơn... ba bốn anh em dồn hết sức sau một hồi ì ạch mới đưa được xe lên nhưng lúc đó cả người và xe như hai con trâu đất, toàn thân phủ đầy bùn...”, anh Lâm nhớ lại.

“Ngã ngựa”

Một “xế cào” nhận định: “Đua xe mô tô địa hình là môn thể thao chỉ dành cho những ai thật sự đam mê. Nếu không đam mê, không có máu liều, không có độ lì và ngại chấn thương thì họ sẽ sớm bỏ cuộc”. Đặc biệt, người chơi cần trang bị kỹ năng điều khiển và xử lý thật tốt. Những chặng đường ở các sân tập thường được sắp xếp như những mô hình phù hợp với đặc thù của xe, đòi hỏi các tay lái phải có sức khỏe, tập trung để kịp thời xử lý các tình huống. Đặc biệt những khúc cua, dốc được sắp xếp gần nhau tạo ra những pha dồn dập.

“Hồi mới chạy tôi thường lên những dốc chỉ cao ngang thềm nhà. Có khi bay lên mà trong đầu thì chưa có một khái niệm gì về nguyên tắc đáp. Lúc đó, tốc độ lên rất nhanh một giây lơ là cũng có thể để lại chấn thương nghiêm trọng, thậm chí là hỏng người”, anh Huy chia sẻ.

Không riêng anh Huy mà hầu hết người chơi xe đều gặp phải những tai nạn trên sân tập. Nguyên nhân chủ yếu là do không biết nhiều về kỹ thuật bay, kỹ thuật kẹp chân. “Khi bay tôi chỉ dùng 2 tay để lái thôi, khi chiếc xe hạ xuống hai chân chổng lên trời, người tôi cũng bay luôn. Lúc đó mọi người nhìn tôi như một diễn viên đang biểu diễn nhưng thực ra tôi bị mất kiểm soát. Kết thúc vở diễn đó cơ thể tôi xây xát khắp người. Xương bả vai bị gãy phải cố định bằng đinh mất gần nửa năm sau mới lành lại”, một tay lái kể.

Ngoài những trường hợp thường gặp như gãy tay, chân, u đầu thì còn nhiều tai nạn khác luôn chực chờ những người chơi xe “cào cào”. Nặng nhất là trường hợp tử vong của một người nước ngoài sống, làm việc và chơi xe tại VN vào năm 2013. Trong một chuyến khám phá địa hình rừng Nam Cát Tiên, anh này đang chạy tốc độ cao thì bị va quệt với cây trong rừng. Bị mất lái, cả người và xe bị lộn nhào sau đó anh tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.

Thực tế, chơi môn này, đam mê là chưa đủ. Để điều khiển, làm chủ được một con “ngựa chiến” như “cào cào” là một nghệ thuật rất khó. Đòi hỏi một quá trình khổ luyện, sự gan dạ và kết hợp tố chất bẩm sinh. Nếu chỉ coi nó là một cuộc chơi đơn thuần để tiêu khiển và không có đam mê thật sự thì rất khó để chinh phục.

Điều kiện không thể thiếu

Trang phục bảo hộ cho những “xế cào” gồm bó gối, mũ bảo hộ, áo giáp ngực, xốp cố định cổ... chủ yếu được mua từ Mỹ. Điều cấm kỵ có thể dẫn đến mất mạng với những “xế cào” đó là lái xe khi không có đồ bảo hộ, hoặc đồ bảo hộ không vừa size. Nhiều khi do kinh tế eo hẹp, hoặc không kịp mua từ nước ngoài về anh em trong đội đua thường mượn đồ bảo hộ của nhau nên rất dễ bị chấn thương: “Mới đây trong đội có một trường hợp đội mũ bảo hộ không đúng kích cỡ. Đang trên đường đua thì gặp phải tai nạn. Cái mũ lỏng lẻo, không bám khít đầu nên bị lật ngược khiến một mảng da từ gáy lên đầu bị giật bung ra, máu chảy nhiều và mức độ nghiêm trọng phải đưa đi nước ngoài chữa trị. Tương tự, một người bạn cùng đội có cỡ chân 41 nhưng mượn được đôi giày cỡ 42 đành đi tạm, kết quả là khi tập ngã, xương ống chân bị gãy đôi”, anh Huy nói.

Lam Ngọc

>> Chơi xe đạp kiểu đại gia
>> Dân chơi xe máy cổ
>> Chơi xe ba bánh
>> Trò chơi xe tăng đầy bạo lực
>> Chơi xe gỗ
>> Chơi xe máy “hi-tech”
>> Chơi xe hào quang  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.