Bên cạnh công việc tuyển thủ eSports, Hữu Tài từng là game streamer được yêu thích trong giới |
NGỌC LONG |
Từ nghiện “bắn súng”…
Nghỉ học văn hóa từ lớp 6 vì “nghe không vô” dù luôn đạt thành tích khá, giỏi, Hà Hữu Tài (18 tuổi, tên game Taikonn) là “ca hiếm” so với bạn đồng trang lứa khi không chọn tiếp tục học nghề hay đi làm, mà dành toàn thời gian chơi game FPS (bắn súng góc nhìn thứ nhất).
“Những lúc mệt mỏi, tôi chưa từng nghĩ sẽ quay lại đi học mà luôn động viên mình phải cố gắng cho tương lai”, anh nói.
Thời điểm đó, Tài có cuộc sống ổn định nhờ kiếm tiền từ game khi tham gia đánh các giải do nhà sản xuất tổ chức và được một cá nhân tài trợ khoảng 400.000 đồng/tháng. Trải qua quãng thời gian lăn lộn trong quán net, đến nay anh cùng đồng đội đã có thể mang về hàng trăm triệu đồng, thậm chí hơn tỉ đồng sau mỗi mùa giải từ sự nghiệp tuyển thủ thể thao điện tử (eSports).
Phá bỏ định kiến “chơi game là xấu”, Hữu Tài đã chứng minh vẫn có thể ổn định tài chính và đạt được danh tiếng nhờ trở thành tuyển thủ eSports |
NGỌC LONG |
“Từ lúc bắt đầu, gia đình đã luôn ủng hộ tôi tham gia thi đấu, chỉ cần tôi sống tốt với công việc mình chọn. Thu nhập hiện tại giúp tôi đủ nuôi sống mẹ và em, cũng như trang trải cho những sở thích cá nhân”, Tài bộc bạch.
Tài cũng từng là game streamer sở hữu kênh YouTube thu hút hơn 100.000 lượt theo dõi, chuyên chia sẻ kinh nghiệm chơi game với người xem.
Dù đang có cả tài chính lẫn danh tiếng nhưng theo Tài, hành trình game thủ chuyên nghiệp là một canh bạc may rủi cần suy nghĩ thật kỹ trước khi đặt chân bước vào. “Nếu đã chơi thì phải là số 1 mới được chú ý. Nếu thiếu tự tin để làm điều này, bạn nên tiếp tục con đường học vấn vì sự đánh đổi là rất lớn”, Tài bộc bạch.
Đến chung kết thế giới
Tháng 5.2019 là cột mốc quan trọng với Tài trên hành trình game thủ khi chính thức đầu quân cho đội tuyển Cerberus Esports, “gia đình thứ hai” giúp anh nên người. “Từ một thằng nhóc 15 tuổi chỉ biết mỗi chơi game, anh chị đã dạy tôi nhiều bài học khác như sống có trách nhiệm, học cách tự lập và làm việc cùng nhau”, Tài nhớ lại.
Từ hoạt động tự do không người dẫn dắt, Tài tham gia đội tuyển trẻ và được huấn luyện bởi đàn anh trong nghề suốt 3 năm liền trước khi tham gia những giải đấu chính thức. Quãng thời gian đó, anh liên tục lặp lại lịch trình chơi game hơn 8 tiếng mỗi ngày. “Thức dậy và ăn xong lúc 13 giờ 30, luyện tập đến 22 giờ và được sinh hoạt cá nhân hoặc chơi game khác đến 1 giờ 30 sáng”, anh kể.
Nhờ quá trình rèn luyện bền bỉ cũng như tích cực cọ xát tại các giải đấu nhỏ, Tài đã nếm “quả ngọt” khi vừa cùng đồng đội đăng quang á quân ở giải khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời đoạt nhiều giải thưởng cá nhân vì có thành tích xuất sắc với tổng giá trị 7.500 USD (180 triệu đồng). Đây cũng là cơ hội giúp cả đội có tấm vé tham dự giải thế giới vào tháng 11 tới.
Đến Dubai tham gia Giải vô địch PUBG thế giới diễn ra trong 20 ngày, Tài cho hay sẽ cùng đồng đội thi đấu với 32 đội tuyển hàng đầu khác đến từ 4 châu lục để cạnh tranh quỹ giải thưởng hơn 2 triệu USD (47 tỉ đồng). “Tôi muốn nâng cao chiếc cúp vô địch và quốc kỳ Việt Nam trước ánh nhìn của hàng trăm nghìn khán giả quốc tế”, chàng trai 18 tuổi ước mong.
Chiêu mộ Hữu Tài ngay trước khi có luật quy định tuyển thủ trên 18 tuổi mới được tham gia thi đấu, ông Michael Minsoo Chung, giám đốc điều hành Cerberus Esports, cho biết từng đối diện với “bài toán” có nên tiếp tục bồi dưỡng nam thiếu niên tại đội tuyển hay mời tham gia lại lúc đủ tuổi.
“Cuối cùng, chúng tôi lựa chọn phương án 1 và Tài cũng chính là kinh nghiệm đầu tiên của chúng tôi, để xem liệu tổ chức có thể giúp chàng trai này lớn lên thành một công dân tử tế, chuyên nghiệp hay không. Cho đến hiện tại, chúng tôi tin mình đã làm tốt điều đó. Tài còn là một cậu nhóc tài năng và đầy tính cạnh tranh”, ông Michael chia sẻ.
eSports có gì đặc biệt?
Khi được hỏi về sự tương đồng giữa thể thao bình thường với bộ môn eSports, Hữu Tài cho hay chơi game chuyên nghiệp cũng yêu cầu tư duy về nhiều khía cạnh như chiến thuật, phân công vị trí giữa các thành viên, cũng như luôn phải luyện tập tư thế ngồi, thao tác tay và tập trung quan sát.
“Với eSports, quan trọng nhất là tốc độ xoay cổ tay khi di chuyển chuột và bấm bàn phím. Điều này được rèn luyện thông qua những bài tập trong game như nhắm bắn sao cho chuẩn xác, khả năng phản xạ khi giao tranh và đặc biệt là cách di chuyển để bắt bài đối thủ hoặc tạo đột biến, từ đó quyết định thắng thua của ván đấu”, anh nhìn nhận.
Bình luận (0)