Sau ngày đất nước thống nhất ít lâu, tôi quan sát và nhận ra rằng, người miền Nam thường hướng cho con một cái nghề còn người miền Bắc lại thường hướng cho con một… biên chế.
Vì thế, mãi sau này, năm 1989, khi tỉnh Bình Trị Thiên được tách làm ba để trở về lại địa giới hành chính cũ, ở Quảng Bình nói chung và thị xã Đồng Hới nói riêng những người làm dịch vụ hầu hết là người từ các tỉnh phía nam ra. Rõ nhất là các tiệm lớn, các điểm nhỏ sửa chữa xe máy, các công ty, các đoàn thầu xây dựng… toàn người Đà Nẵng.
Sau này, theo thời gian, người Quảng Bình làm dịch vụ nhiều thêm nhưng người nuôi mộng vào biên chế cũng nhiều thêm.
Tôi cứ nghĩ mãi, người làm chủ một điểm sửa chữa xe máy kiêm bán phụ tùng thay thế dưới họ chỉ có vài ba thợ (cả chính lẫn phụ), ai cũng có thu nhập khá, chưa giàu nhưng cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản trong lúc người khác lại chạy đôn chạy đáo, thậm chí có người còn lo lót mất mấy trăm triệu bạc để con em vào công chức mà mỗi tháng chỉ nhận hơn 2 triệu đồng (dù học đại học ra).
Một sinh viên từng học với tôi về một tỉnh phía bắc, sau 3 năm làm cộng tác viên cho một tờ báo, cậu ấy điện thoại hỏi tôi, rằng, “nếu muốn vào chính thức thì phải thi công chức, muốn thi phải được cử mới đi thi, muốn thi trúng thì trọn gói 300 triệu, theo thầy em có “chạy” không?”. Tôi nói không vì hai lý do, thứ nhất, nhà em nghèo phải vay ngân hàng mới có 300 triệu, tính đi, mỗi tháng bố mẹ em phải trả lãi bao nhiêu? Thứ hai, đã cơ quan báo chí mà nhận tiền chạy chọt thì đó là cơ quan không ra gì, không nên làm chỗ không ra gì.
Lúc đó cậu ấy gật, nhưng vài tháng sau cậu ấy nhắn cái tin: “Bố mẹ em cầm sổ đỏ nhà lấy 300 triệu đồng cho em chạy việc được rồi thầy”. Tôi giận quá mới nhắn lại: “Thầy đã mất một đứa học trò, làng báo có thêm một nhà báo dổm”.
Còn đây, chàng cử nhân ĐH Ngoại thương TP.HCM nguyễn Đức Thuận cũng tìm cơ hội cho mình bằng chăn nuôi, hiện thuận đã là chủ một trang trại hơn 6.000 con gà và dự định nâng tổng đàn lên 30.000 con - Ảnh: Hiền Cừ
|
Nói thế nhưng vẫn thương cậu ấy lắm, đời thật đáng trách!
Vì sao nhiều người mơ vào công chức?
Thoạt đầu tôi nghĩ, có người có tư duy kinh tế, có người có tư duy chính trị, nhưng càng ngẫm càng không phải, tất cả đều từ kinh tế mà ra.
Vậy vào công chức làm sao làm kinh tế?
Đó mới là mấu chốt vấn đề.
Nếu bỏ ra 300 triệu chạy việc để lấy mỗi tháng 3 triệu đồng đi thì phải mất 100 tháng (tức 8 năm 4 tháng) nhịn ăn, nhịn mặc mới bù lại số tiền gốc (chưa tính lãi, còn nếu tính cả lãi chắc chẳng bao giờ trả cho xong).
Vậy thì phải làm sao?
Mọi sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó cho công dân và doanh nghiệp từ đóng cái dấu đỏ xác nhận cho đến phần trăm dự án đều chỉ vì một chữ: tiền.
Người quản lý mà nhận tiền lót tay mới cho người vào cơ quan thì sau này làm sao nói được người nhân viên đó nếu họ “làm tiền” theo cách của họ như đã nói ở trên?
Tôi không nói toàn bộ người vào biên chế đều xấu, nhưng biên chế không phải là thứ… vô tận để tiếp nhận tất cả mọi người, vậy thì phải tính làm sao?
Con đường thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này không phải là việc khó khăn chưa ai nghĩ ra, vì như đã đề cập ở đầu bài viết, phải thay đổi cách nghĩ giống… nhiều người phía nam. Bố mẹ nên hướng cho con một cái nghề. Nếu bố mẹ còn bảo thủ hoặc suy nghĩ kiểu “thấy ai vào biên chế rồi cũng giàu” thì người trẻ phải làm thay đổi ý nghĩ đó bằng việc làm của mình: khởi nghiệp để lập nghiệp.
Nếu ai còn lý lẽ nói rằng, tham nhũng vẫn còn đất sống thì tôi nghĩ, tuổi trẻ bây giờ có điều kiện học hành, có điều kiện tiếp xúc nhiều với xã hội (qua nhiều kênh) thì liêm sỉ không phải là thứ dễ mất đi.
Con người chỉ thật sự hạnh phúc khi thấy mình thanh thản. Tiêu đồng tiền không chính đáng thì không thể nào thanh thản nổi và vì thế khó lòng nói mình hạnh phúc.
Ấy là chưa kể, rồi một ngày nào đó, con cái sẽ biết đồng tiền đó từ đâu ra, và trong mắt nó, bố mẹ sẽ khác và con cái cũng sẽ khác.
Lúc đó muốn làm người thanh thản cũng khó hơn rồi.
Bình luận (0)