Chọn chất thay vì lượng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
24/04/2024 04:12 GMT+7

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.

Bộ GD-ĐT nói cuộc thi khoa học kỹ thuật là hoạt động giáo dục nhằm vận dụng các kiến thức đã học và phát huy tinh thần sáng tạo của học sinh (HS) vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Song, hầu như năm nào cũng có lùm xùm, nghi ngờ, khiếu nại về sản phẩm nghiên cứu dù đứng tên HS. Vì thực tế, các sản phẩm này đều dưới danh nghĩa là "người hướng dẫn", "người bảo trợ". Những lời "bàn ra tán vào" về cuộc thi này từ cấp trường tới cấp bộ nhiều đến mức khiến dư luận gần như mất niềm tin về giá trị đích thực của cuộc thi. Liệu HS từ lớp 8 đến lớp 12 có thể nghiên cứu ra những sản phẩm mà các nền khoa học và nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới cũng đang "loay hoay" như: thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, các loại robot hỗ trợ người khuyết tật…?

Điều đáng nói, sau bao nhiêu năm, ban tổ chức cuộc thi các cấp, kể cả Bộ GD-ĐT cũng chưa hề có bất kỳ đánh giá, tổng kết nào về việc có bao nhiêu trong số các dự án đoạt giải cấp quốc gia ấy được tiếp tục nghiên cứu, phát triển trở thành những đề tài nghiên cứu khoa học ở tầm cao hơn và trở thành sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn…

Theo quy định, HS đạt giải khoa học kỹ thuật quốc gia có quyền lợi tương đương giải học sinh giỏi quốc gia. Các em được cộng điểm xét tốt nghiệp; được ưu tiên xét tuyển thẳng vào lớp 10 (với HS cấp THCS) và tuyển thẳng vào đại học (với HS ở cấp THPT). Nhiều ý kiến cho rằng đây chính là "vấn đề" khiến cho một sân chơi nhằm khuyến khích đam mê và ươm mầm tài năng nghiên cứu khoa học từ lứa tuổi học trò trở thành một cuộc thi mà người tham dự tìm mọi cách có giải thưởng để được tuyển thẳng vào lớp 10, vào ĐH các trường tốp đầu.

Do vậy, khi Bộ GD-ĐT sửa quy chế cuộc thi này ở cấp quốc gia, dư luận kỳ vọng những quy định mới sẽ góp phần quan trọng trả cuộc thi về với mục tiêu ban đầu và dành cho những HS thực sự đam mê và có năng lực nghiên cứu khoa học.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay để đảm bảo những dự án, sản phẩm nghiên cứu đăng ký dự thi thực sự là của HS, quy chế mới bổ sung quy định nhằm khẳng định trách nhiệm và vai trò giám sát của mỗi cơ sở giáo dục nơi thí sinh có dự án dự thi. Tuy nhiên, "sức nặng" của quy định mới để tăng tính trung thực cho kỳ thi này là khá mơ hồ. Từ trước tới nay dự án nghiên cứu khoa học của HS đều xuất phát từ các nhà trường với đủ các thành phần, ban bệ đánh giá và quyết định gửi đi dự thi ở các cấp cao hơn.

Thay đổi rõ nhất ở quy chế mới là tăng khá nhiều dự án dự thi ở cấp quốc gia so với hiện nay, số lượng giải thưởng cũng được điều chỉnh theo hướng tăng mạnh. Nghiên cứu khoa học, bản thân tên gọi của nó chắc chắn đã không phải dành cho số đông, đặc biệt với HS từ lứa tuổi đang còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Do vậy, việc tăng về lượng mà chưa hóa giải được sự hồ nghi về "chất" là thay đổi rất khó thuyết phục và khó hiểu trong quy chế mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.