Chọn con đường để đi đầu

01/12/2015 05:00 GMT+7

Hiện đại có tới đâu nhưng nếu không bắt đầu bằng cách thay đổi tầm nhìn, tìm hướng đi chiến lược, tạo thế mạnh từ con đường riêng thì không bao giờ đạt kết quả như mong muốn.

Hiện đại có tới đâu nhưng nếu không bắt đầu bằng cách thay đổi tầm nhìn, tìm hướng đi chiến lược, tạo thế mạnh từ con đường riêng thì không bao giờ đạt kết quả như mong muốn.

Tòa nhà của Trường Kinh doanh, một biểu tượng mới của UTS - Ảnh: UTSTòa nhà của Trường Kinh doanh, một biểu tượng mới của UTS - Ảnh: UTS
Những gì mà Trường ĐH Công nghệ Sydney (UTS, Úc) đang trải qua sẽ là kinh nghiệm, bài học cho những trường ĐH non trẻ khác muốn khẳng định mình.
Thay đổi để tạo sự khác biệt
Tuy được thành lập chưa tới 30 năm nhưng UTS được xếp hạng nhất ở Úc và thứ 14 toàn cầu theo bảng xếp hạng của tổ chức QS cho các trường ĐH “tuổi đời” dưới 50. Trước đó, theo bảng xếp hạng của Times Higher Education, trường này cũng đứng đầu ở Úc và thứ 21 trên toàn thế giới trong số 100 trường thành lập trong vòng 50 năm.
Có mặt ở nơi này vào những ngày tháng 11, tiếp xúc với những người có trách nhiệm phải luôn đổi mới, gặp gỡ sinh viên, thấy những chuyển động của trường..., tôi hiểu rằng không phải số tiền đầu tư 1,2 tỉ đô la Úc để tái thiết kế diện mạo không gian học tập hết sức hiện đại, cũng không phải là một trong 2 hệ thống lưu trữ thư viện quy mô nhất ở Úc đã khiến UTS đạt được những vị trí này.
Muốn có một cái nhìn toàn diện hơn nữa, tôi nhờ một người bạn thân nay đã định cư ở Úc, dẫn một vòng qua những trường ĐH có tên tuổi ở nước này như ĐH Sydney, New South Wales. Nhìn cơ ngơi của các trường này, nghe thông tin từ bạn bè, tìm hiểu thêm qua các kênh thông tin khác..., tôi nghĩ nếu UTS đi theo con đường của những trường lớn, có bề dày truyền thống đã đi thì khó lòng đuổi kịp.
Thế là không quá nghiêng về hàn lâm, UTS chọn theo mục tiêu ứng dụng thực tiễn.
Giáo sư Shirley Alexander, Phó hiệu trưởng UTS, cho biết hoạt động học tập và những trải nghiệm của sinh viên ở trường này hiện nay tập trung vào giải quyết vấn đề theo nhóm, mô phỏng, các trường hợp thực tế từ cuộc sống. Và những điều này sẽ được thực hiện trong một không gian học tập thiết kế để có sự tương tác cao giữa người dạy và người học. Ngoài những góc học tập tiện nghi có ở khắp nơi, UTS còn xây dựng những phòng học hình oval mà ở đó đứng bất kỳ đâu, người dạy và người học luôn đối diện nhau để thảo luận, trao đổi...
Điều mà lãnh đạo của UTS lặp đi lặp lại là việc đào tạo trong trường ĐH làm sao phải đáp ứng được nhu cầu của thực tế người sử dụng lao động, của xã hội.
Tòa nhà mới của Trường Kinh doanh (thuộc UTS) có thể được xem là một trong những biểu tượng của triết lý đào tạo trường này: luôn đổi mới. UTS tự hào về lối kiến trúc được xem là độc nhất cũng như sự hiện đại của tòa nhà. Nhiều sinh viên cho rằng tòa nhà giống như một cái túi giấy (paper bag). Một kiến trúc sư thì bảo đẹp hay không chưa biết nhưng rõ ràng rất lạ. Bao nhiêu năm nay người ta cứ tuần tự xây gạch thẳng như thế, giờ chỉ cần xê dịch đi một chút là tạo ra sự khác biệt.
Vấn đề là ở chỗ đó. Phải thay đổi để tạo sự khác biệt.
Đào tạo theo nhu cầu thực tiễn
Người bạn thân mà tôi đề cập ở trên tốt nghiệp UTS 8 năm qua. Minh chứng cho việc UTS chọn đi theo hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội, bạn tôi kể lý do để cô, một du học sinh, tìm được việc làm trong lĩnh vực kiến trúc ngay sau khi tốt nghiệp là ngay từ trước, đây là một trong những trường đầu tiên ở Úc dạy sinh viên kiến trúc phần mềm rất mới trong lĩnh vực này. Khi những sinh viên này ra trường, nhu cầu kiến trúc sư biết sử dụng phần mềm này tăng cao và thế là những ai đã được học sẽ có lợi thế trên thị trường lao động.
Một góc học tập của sinh viên UTS - Ảnh: N.A
Một góc học tập của sinh viên UTS - Ảnh: N.A
Trường còn có nhiều cách giúp sinh viên làm quen với môi trường bên ngoài giảng đường. Chẳng hạn, sinh viên có dự án sẽ nộp đơn đến trung tâm hỗ trợ sinh viên lập nghiệp. Nếu được thông qua, trung tâm sẽ tổ chức khóa tập huấn cho sinh viên với sự tham gia tư vấn, thảo luận, định hướng của các công ty lớn. Khi đủ tự tin, sinh viên sẽ đi xin vốn để khởi nghiệp. Ngoài ra, trong chương trình học, trường thiết kế một khoảng thời gian để sinh viên tiếp cận với các công ty ở ngoài nước Úc. Giới lãnh đạo của trường này cho rằng sự học hỏi, kinh nghiệm ở các môi trường khác nhau sẽ giúp sinh viên trưởng thành và có nhiều vốn sống để khỏi bỡ ngỡ khi ra trường làm việc.
Vì thế, hơn 76% sinh viên UTS có việc làm sau khi tốt nghiệp, trong đó 10% có mức lương cao hơn mặt bằng chung là kết quả của cả một quá trình chọn con đường ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động mà UTS đeo đuổi.
Giáo dục đại học VN đang chuẩn bị cho việc phân tầng, xếp hạng. Tuy nhiên, tâm lý hiện nay ai cũng thích được xem là trường theo hướng nghiên cứu, hàn lâm. Cứ như thể trường nào theo hướng ứng dụng là thuộc hạng hai, thứ cấp. Tư duy này cần phải xem lại. Nếu đầu tư cho tốt, chọn hướng đi đúng, đào tạo có chất lượng, không vì lợi ích kinh doanh thì cho dù ở tầng nào miễn tạo nên niềm tin, uy tín cho xã hội, người sử dụng lao động, đó là thành công. Chứ còn như hiện nay, ở tầng nào, giáo dục ĐH của VN vẫn không có vị thế ngay cả trong khu vực.
Con đường đi của những trường ĐH non trẻ trên thế giới, rõ ràng là một kinh nghiệm cho giáo dục ĐH ở VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.