Chọn nghề ở vùng ven

08/08/2013 03:15 GMT+7

Xu hướng chọn nghề của thanh niên vùng ven nhiều khi phải thay đổi theo nhu cầu cuộc sống. Có những nghề trước đây nhiều sức hút, nay đã nguội lạnh và ngược lại.

Xuống ngôi

Cách đây vài năm, nghề sửa chữa điện thoại di động trở nên thời thượng. Những lớp đào tạo nghề này lúc nào cũng đông học viên. Thế nhưng, cùng với sự ra đời ồ ạt của các loại điện thoại di động và sự rớt giá đáng kể của chúng, nghề này đã không còn hấp dẫn như trước.

Cô Nguyễn Thị Minh Châu, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Q.12, TP.HCM, cho biết: Bên cạnh nghề sửa chữa điện thoại di động, một số nghề khác cũng giảm sút học viên như: điện - điện tử, may, kế toán, thư ký văn phòng, tin học. Cô Châu nói thêm: “Chúng tôi nhận thấy có những ngành nghề nông nghiệp bị mai một hẳn đi. Chẳng hạn, trước đây nhà trường có liên kết đào tạo ngành thú y, nhưng hai năm nay đã phải bỏ ngành này do không có học viên”.

 Chọn nghề ở vùng ven
Một bộ phận thanh niên TP.HCM lập nghiệp bằng nghề sửa xe gắn máy - Ảnh: Thanh Lịch

Cán bộ Trung tâm dạy nghề H.Bình Chánh nhìn nhận: Hiện có những nghề không còn sức hút như trước, chẳng hạn nghề may công nghiệp, sửa máy vi tính...

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề Q.6, bộc bạch: “Những nghề tương đối bão hòa ở đây là tin học, sửa chữa điện thoại di động. Chúng tôi định mở thêm ngành sửa chữa máy may công nghiệp nhưng không chiêu sinh được học viên. Nói chung, tình hình bây giờ rất khó khăn, không biết mấy đơn vị khác có như tụi tôi không!”.

Từ trước đến nay, Trung tâm dạy nghề H.Bình Chánh thường xuyên đào tạo nhiều ngành nghề phi nông nghiệp. Hiện những ngành được trung tâm tiếp tục xác định là thời thượng đối với thanh niên trên địa bàn là: điện công nghiệp (bình quân từ 200 - 300 học viên/năm), điện lạnh, sửa chữa xe gắn máy (khoảng 100 học viên/năm). Đối với cánh phụ nữ, nhiều chị em ưa chuộng những nghề nấu ăn, kết cườm và nhất là trang điểm - làm móng (300 - 400 học viên/năm). Bên cạnh đó, trung tâm này chuẩn bị đào tạo một số kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi cho lao động nông thôn. Tại Trung tâm dạy nghề Q.6, những nghề sửa mô tô, cắt tóc - trang điểm, tiện, cơ khí... là những lớp thường có đông học viên theo học.

Ông Tạ Quang Sinh, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề Thủ Đức, chia sẻ: “Hằng năm, chúng tôi có rất nhiều nghề nhưng nghề điện công nghiệp luôn dẫn đầu về số lượng tuyển sinh, chứng tỏ người ta có nhu cầu về nghề này. Và khi tốt nghiệp, nghề này cũng dễ tìm việc làm”.  

Những bất cập

Mặc dù đã “lên đời” từ một trung tâm dạy nghề, song Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Q.12 vẫn phải đảm bảo chỉ tiêu mỗi năm đào tạo nghề ngắn hạn cho 5.000 lao động nông thôn trong địa phương. Đại diện nhà trường cho biết, việc chiêu sinh cũng như giới thiệu việc làm năm nay gặp nhiều khó khăn. Ngoài lý do kinh tế suy thoái, nguyên nhân chính còn ở sự nhận thức nghề nghiệp, sự ỷ lại, lười biếng... của nhiều thanh niên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang thiết bị ở nhiều cơ sở dạy nghề còn rất hạn chế. Một nghịch lý dễ nhận rõ, đó là ngành cơ khí đang có sức hút lớn, dễ kiếm việc làm nhưng cả khu vực Q.12 và một số quận, huyện lân cận hầu như không mở ngành hàn và tiện, do thiếu thốn về trang thiết bị. Mới đây, Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Q.12 dự định bắt tay liên kết với một doanh nghiệp để có điều kiện mở những ngành nói trên.

Trang thiết bị của Trung tâm dạy nghề Q.6 cũng đã xuống cấp rất nhiều, khiến việc thực hành ở một số bộ môn gặp trở ngại (như may công nghiệp, vi tính...). Máy tiện nơi đây vẫn còn sử dụng loại máy thủ công lạc hậu.

Đại diện Trường trung cấp Nghề Thủ Đức bày tỏ trăn trở: “Chúng ta phải thành thật nói với nhau rằng công nghệ thay đổi liên tục. Đối với trường chúng tôi, công nghệ và trang thiết bị tương đối hiện đại nhưng cũng không thể so được với các doanh nghiệp bên ngoài. Ở nhiều nước, nhà trường chỉ dạy lý thuyết và những gì cơ bản, còn toàn bộ phần thực tập của học viên là do doanh nghiệp đảm nhiệm. Ở ta thì ngược lại. Vì vậy, nếu có sự gắn kết tốt giữa các cơ sở dạy nghề và những doanh nghiệp thì sẽ không có sự lãng phí lớn trong đào tạo và đào tạo lại như bấy lâu nay”.

Ý kiến

Nên chọn ngành, nghề mang tính thực tế

Có một nghịch lý tồn tại trên thị trường tuyển dụng lao động hiện nay, đó chính là những ngành thiên về kỹ thuật, nhu cầu tuyển dụng rất cao nhưng người theo học lại rất ít. Theo tôi, nếu muốn có việc làm ngay sau khi ra trường, những bạn trẻ nên chọn những ngành, nghề mang tính thực tế như cơ khí, điện dân dụng, điện công nghiệp... Bởi lẽ, bây giờ và trong tương lai 5 - 10 năm nữa, nhu cầu xã hội vẫn rất cần nguồn nhân lực về những ngành nghề này.

Nguyễn Thúy Hằng
(Chuyên viên tuyển dụng của Trung tâm đào tạo cung ứng lao động Votec - Liên đoàn Lao động TP.HCM)

Đầu tư những nghề chất lượng cao

Nhiều thanh niên ngoại thành, vùng ven chưa có suy nghĩ thấu đáo lắm về học nghề, mà thường chỉ kiếm việc làm ngay để có tiền. Mặt khác, quá trình đầu tư cho các cơ sở dạy nghề nông thôn chưa được đồng bộ, vì vậy chất lượng đầu ra vẫn còn hạn chế. Cần lưu ý, nông thôn TP.HCM đang trong quá trình đô thị hóa, nhu cầu việc làm rất đa dạng nên chính sách đầu tư phải mở rộng đối tượng và phải tạo điều kiện cho thanh niên học cả những nghề chất lượng cao.

Trần Anh Tuấn
 (Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)

Như Lịch - Lê Thanh

>> Chọn nghề nhiều... tiền
>> Chọn nghề theo sở thích hay nhu cầu?
>> “Chọn nghề y phải biết hi sinh!”
>> Chọn nghề vừa sức, hợp sở trường
>> Chọn nghề y phải không ngừng trau dồi y đức
>> Chọn nghề theo năng lực và sở thích

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.