Phần lớn những gia chủ trẻ tuổi thường băn khoăn làm sao để đồ đạc và các "phụ kiện" nội thất không lạc điệu với phong cách họ chọn. Đối với các gia chủ trung niên và cao tuổi vốn có sẵn một bộ ghế salon cổ điển hay muốn giữ lại những vật dụng hoài niệm một thời, việc dung hòa với phong cách sống hiện đại và các yêu cầu phong thủy là điều đáng quan tâm.
Theo các chuyên gia, khái niệm hài hòa phong thủy trong nội thất phải dựa trên nhiều yếu tố như hình khối, đường nét, màu sắc, ánh sáng, chất liệu… chứ không đơn thuần là nhà kiểu hiện đại thì không dùng được đồ xưa hay nội thất cổ điển thì mọi thứ đều phải cổ điển hay giả cổ theo. Nói cách khác, cần căn cứ kích thước và phong cách kiến trúc cụ thể, trong đó những yếu tố mang tính chất "phụ kiện" sẽ khó gây ảnh hưởng về cách thức trang trí cũng như nội khí của không gian. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồ đạc đồng bộ dĩ nhiên sẽ tạo sự hài hòa nhưng không nhất thiết phải là tuyệt đối. Một số lưu ý có thể giúp các gia chủ dễ dàng chọn lựa phụ kiện nội thất hợp phong thủy.
|
Về sự gắn kết, kết nối khí. Nếu là nhà cũ, nhà sửa chữa thì nên tận dụng đồ đạc sẵn có (nhất là những đồ đạc cùng “niên đại” với các phụ kiện mà mình chọn lựa) để chúng có sự kết nối với nhau. Sự đồng bộ cần hiểu về thời gian, thời đại chứ không nhất thiết phải cùng vật liệu hay kiểu dáng, cho dù đồ đạc có thể làm bằng sắt hay gỗ, bình gốm sứ hoặc tranh ảnh, sách vở...
Những đồ vật của những "tháng năm rực rỡ" ấy còn mang tính dấu ấn thời gian, là kỷ niệm gắn bó với gia đình mà không đồ vật mới mua sắm nào có thể thay thế được.
Về sự hài hòa theo nhóm chủ đạo. Để tránh tình trạng trăm hoa đua nở trong trang trí gây nhiễu loạn trường khí, nên lưu ý đến kiểu hoàn thiện bề mặt hoặc màu sắc (ví dụ tủ kệ, bàn ghế). Nếu có thể thì nên chọn các nhóm chất liệu có kiểu hoàn thiện bề mặt tương đồng (như đồ gỗ công nghiệp hay gỗ tự nhiên, gỗ đánh vecni, phủ sơn hay thổi PU) để có chung một "màu chủ đạo" cho đồ gỗ.
Về hoa văn họa tiết cũng vậy, phong cách đồng quê sẽ kéo theo các kiểu trang trí hoa lá, bề mặt mộc mạc, mềm mại hoặc lãng mạn... Tùy theo nhóm ngũ hành mà gia chủ thấy thích hợp. Chẳng hạn, gia chủ mệnh Mộc sẽ lấy bộ ba Thủy - Mộc - Hỏa làm chủ đạo về hoa văn họa tiết hoặc màu sắc. Trong đó, hành Mộc ở giữa để trung hòa 2 hành xung khắc kia.
|
Về mệnh theo tuổi tác. Cần dùng hành trung hòa để hóa giải mệnh gia đình có sự xung khắc, hoặc dùng hành tương khắc để giảm bớt tính vượng quá mức của mệnh gia chủ. Chẳng hạn, tuổi chồng mệnh Kim, tuổi vợ mệnh Hỏa thì nên tìm vật dụng, phụ kiện trang trí mang tính Thổ để trung hòa. Chẳng hạn, một số bình gốm, tranh ảnh khổ vuông kiểu mộc mạc, đồ dùng thủ công như gối nệm, bình gốm mang họa tiết chân phương, vuông vức, màu vàng và nâu... là tượng trưng cho hành Thổ để tạo sự hòa hợp.
Trường hợp gia đình có đa số thành viên có mệnh Kim, việc dùng phụ kiện màu đỏ, dạng ngọn lửa, tam giác... làm điểm nhấn thuộc hành Hỏa lại giúp giảm đi tính Kim vượng, cũng là một cách để hướng đến sự trung hòa về ngũ hành trong trang trí nội thất.
Nên dùng kết hợp cả 5 hành cho mỗi người theo một tỷ lệ nhất định, ưu tiên mệnh chủ tương hợp, tương sinh chiếm đa số và có điểm xuyết tương khắc làm điểm nhấn. Chẳng hạn, người mệnh Mộc ngoài tỷ lệ chính là hành Mộc và Thủy (sinh Mộc), có thể dùng thêm cả Hỏa (Mộc sinh), hạn chế Kim (khắc Mộc) và có một chút Thổ (Mộc khắc) vẫn được.
|
Bình luận (0)