Nghị lực mùa thi:

Chông chênh trước giảng đường đại học vì gia cảnh cơ cực

17/06/2023 06:00 GMT+7

Nguyễn Trung Kiên đứng đầu cuộc thi học sinh giỏi môn hóa của Quảng Bình. Thông minh, mạnh mẽ nhưng em vẫn đang chông chênh trước giảng đường vì cảnh nhà cơ cực.

BẮT HẾN NUÔI CON ĂN HỌC

Nguyễn Trung Kiên là học sinh lớp 12A2, Trường THPT Ninh Châu (H.Quảng Ninh, Quảng Bình). Bố em là ông Nguyễn Xuân Tỵ, bị di chứng của chất độc da cam nên vóc người nhỏ thó, yếu ớt, quanh năm "làm bạn" với thuốc men. Mẹ em là bà Võ Thị Dung không lanh lợi. Ông Tỵ và bà Dung đến với nhau trong lần tình cờ gặp gỡ khi cùng đi… mò hến bên sông. Thế rồi, Kiên và hai người em mình lần lượt ra đời.

Nghị lực mùa thi: Chông chênh trước giảng đường đại học vì gia cảnh cơ cực  - Ảnh 1.

Dù gia cảnh rất khó khăn nhưng Kiên luôn là học sinh giỏi nhiều năm liền

THANH LỘC

Cảnh nhà của Kiên ở thôn Quảng Xá rất khó khăn. Gia đình 5 người ở trong căn nhà tạm chừng 40 m2, tuềnh toàng và chật chội, trong con ngõ sâu hun hút. Đồ đạc đáng giá chỉ là mấy chiếc bàn ghế nhựa.

Để nuôi sống gia đình, hằng ngày, từ sáng sớm, bất kể nắng mưa, bố mẹ Kiên phải đằm mình trên sông để mò hến. Ông Tỵ bảo mò hến vất vả, ngâm mình trong nước nhiều giờ liền dưới cái nắng mùa hè, cái rét mùa đông.

"Nghề cũng nguy hiểm và được chăng hay chớ. Nhưng như vợ chồng tôi không mò hến thì biết làm gì đây. Mò hến, ít nhất cũng kiếm ngày được vài chục hoặc kẹt quá thì dùng chính con hến làm thức ăn qua ngày", ông Tỵ nói.

Bà Đỗ Thị Tới, mẹ của ông Tỵ, nghẹn ngào kể dù bà tuổi đã cao nhưng vẫn phải nhịn ăn, nhịn mặc phụ giúp nuôi con, cháu. "Mùa hè, ba mẹ bắt được hến thì có bữa cơm tạm tạm, còn mùa lũ thì chỉ ăn cơm trắng với rau ráng trong vườn. Việc học hành nhờ cả vào sự hỗ trợ của nhà trường và anh em họ hàng, bà con lối xóm. Từ quần áo, sách vở đến đồ dùng học tập đều là đồ cũ được cho", bà Tới cho hay.

PHẬN NGHÈO KHÔNG DÁM ƯỚC MƠ

Cảnh nhà khó khăn, là con cả, Kiên rất hiểu và luôn là người đứng ra giúp ba mẹ nhiều việc nặng nhẹ trong gia đình. Tưởng như em không có thời gian để học, nhưng kỳ lạ thay, Kiên học rất giỏi, nhất là môn hóa. Từ năm lớp 8, Kiên đã đoạt giải ba học sinh giỏi cấp huyện, lớp 9 đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp huyện và giải khuyến khích cấp tỉnh, lớp 11 đoạt giải ba cấp tỉnh, và năm học này em xuất sắc đoạt giải nhất cấp tỉnh môn hóa học.

Cô giáo Lê Thị Lương, chủ nhiệm lớp của Kiên, cho biết em là tấm gương học sinh nghèo vượt khó của trường mà nhiều khi chỉ cần nhắc đến tên, nhiều thầy cô, bạn bè cũng rớt nước mắt vì thương, xen lẫn sự cảm phục.

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Nguyễn Trung Kiên, học sinh Trường THPT Ninh Châu (H.Quảng Ninh, Quảng Bình), quý độc giả vui lòng gửi về chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: giúp đỡ em Nguyễn Trung Kiên; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển số tiền của bạn đọc đóng góp đến em Nguyễn Trung Kiên trong thời gian sớm nhất.

Trước đây, phần vì là hộ nghèo nên được nhà trường miễn học phí, phần được anh em họ hàng hỗ trợ nên bố mẹ Kiên vẫn gắng gượng nuôi các con ăn học. Nhưng nay, để nuôi Kiên học ĐH thì vượt quá khả năng của gia đình. "Tôi biết con rất muốn đi học, nhưng hoàn cảnh gia đình hiện tại quá khó khăn thì biết lấy gì để lo cho cháu. Vay mượn thì không ai cho vì sợ không có khả năng để trả…", ông Tỵ cho biết đã "tính hết nước".

Với Kiên, em lặng im khi được hỏi về ước mơ của mình. Cái ước mơ mà thầy cô, bè bạn đều biết rằng Kiên muốn theo đuổi ngành công nghệ thông tin, muốn đi học để ra trường có việc làm, lo cho gia đình. "Em là người thực tế, cảnh nhà em thế này, sao em dám ước mơ xa xôi. Trước mắt, có lẽ em sẽ kiếm một công việc chân tay gì đó, như phụ hồ chẳng hạn. Khi nào đủ điều kiện em lại tiếp tục việc học", câu nói Kiên chất chứa sự bất lực trước ngưỡng cửa của cuộc đời.

Chông chênh trước giảng đường đại học vì gia cảnh cơ cực
 - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.