Chống dịch bằng những dự án sáng tạo

Vũ Thơ
Vũ Thơ
05/05/2020 07:17 GMT+7

Để hóa giải những khó khăn trong đại dịch Covid-19 , nhiều nhóm bạn trẻ trong và ngoài nước kết nối với nhau làm ra những sản phẩm công nghệ 'siêu' sáng tạo - là người máy và các app sử dụng ở khu cách ly.

Người máy phát hiện vi phạm phòng dịch

Đó là một sản phẩm sáng tạo của nhóm bạn trẻ đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Họ đã cùng nhau nghiên cứu và sản xuất ra robot BeetleBot với rất nhiều tính năng phục vụ mùa dịch. Robot này có thể kiểm soát việc giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tụ tập, giám sát an ninh, cung cấp các dịch vụ vận chuyển (hàng hóa, thuốc men...), hỗ trợ y, bác sĩ chẩn đoán bệnh…
Dương Duy Chiến, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một chàng trai mê sáng chế robot từ thời còn là sinh viên, thành viên nhóm sáng chế, chia sẻ: “Robot có thể chạy tự động trong các môi trường văn phòng, các tòa nhà, đi trên các làn đường cho người đi bộ, băng qua đường… Nếu được sử dụng tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, nó sẽ tự động vận chuyển hàng hóa, thuốc men, hỗ trợ tương tác giữa bệnh nhân và bác sĩ; hỗ trợ các y, bác sĩ khám chữa bệnh…”, Chiến cho hay.
Nói về sự khác biệt của robot này với những robot hiện có ở Việt Nam, Chiến cho biết robot còn có những tính năng phát hiện và cảnh báo. “Trong thời gian qua, việc tự nhận thức của người dân trong quy định cách ly xã hội còn kém, cũng như sự quá tải về nhân lực để quản lý việc thực hiện đó, nên robot được áp dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể tự động phát hiện người vi phạm cách ly xã hội và cảnh báo. Robot sẽ phát hiện con người có đeo khẩu trang hay không; có giữ đúng khoảng cách 2 m với mọi người xung quanh không; có tụ tập đông người bất thường hay không...”, Chiến nói.
Chia sẻ về quá trình chế tạo người máy này, Chiến cho biết robot được Chiến và các cộng sự đều dưới 30 tuổi yêu thích công nghệ chế tạo nhằm chung tay chống dịch. Hiện nhóm nghiên cứu của Chiến đang hoàn thiện sản phẩm và có thể đưa ra phục vụ nhu cầu của xã hội trong thời gian tới.

“Giải cứu” các khu cách ly

Từng là những công dân phải cách ly khi từ nước ngoài về Việt Nam trong đại dịch Covid-19, nhóm du học sinh Việt Nam từ các nước Ireland, Đức và Ý đã kết nối với nhau xây dựng ứng dụng Quaranhome nhằm hỗ trợ ban quản trị và cư dân khu cách ly, giảm tải gánh nặng cho các bác sĩ và nhân viên y tế, đồng thời phục vụ tốt nhất những công dân ở khu cách ly.

Hai du học sinh Nguyễn Hoài Nam (trái) và Nguyễn Tuấn Minh đang tranh thủ những ngày nghỉ tránh dịch ở VN để nghiên cứu triển khai APP Quaranhome quản trị khu cách ly

Ngọc Thắng

Nguyễn Tuấn Minh, du học sinh tại Đức, thành viên của nhóm, cho biết nhóm du học sinh đã kết nối với nhau để tạo ra APP Quaranhome là một ứng dụng trên thiết bị máy tính hay điện thoại thông minh. Ứng dụng này sẽ tạo nên một cổng thông tin thống nhất, hỗ trợ quản trị khu cách ly một cách thông minh. Trên APP sẽ cập nhật thông tin khu cách ly một cách nhanh chóng, tích hợp dịch sang nhiều ngôn ngữ để ai cũng có thể tiếp cận. APP thiết lập nhóm chat là nơi hỏi đáp, trao đổi đồ dùng, nhu yếu phẩm, chia sẻ thông tin để không bị dư thừa, lãng phí. Người trong khu cách ly có thể trao đổi mà không bị công khai các tài khoản riêng tư như các nhóm chat khác trên mạng xã hội.
“Trên APP cũng thiết lập một đường dây nóng để ban quản trị xử lý các tình huống như: cấp cứu khẩn cấp, trực tổng đài, hỗ trợ yêu cầu của cư dân. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra triệu chứng gồm các câu hỏi nhỏ để chẩn đoán khả năng mắc bệnh, từ đó có những phương pháp điều trị kịp thời. Đặc biệt, tại APP, người dân sẽ xem lịch hoạt động trong ngày, bao gồm thời gian và địa điểm; bản đồ khu cách ly với sơ đồ mặt bằng vị trí để chủ động cuộc sống của mình…”, Minh cho hay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.