'Chống dịch như chống giặc, nhưng xử lý lại theo quy định bình thường'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/10/2022 19:08 GMT+7

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, ủy ban này đề xuất có quy định riêng để xử lý những trường hợp làm chưa đúng quy định pháp luật trong các tình huống cấp bách trong chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Chiều 17.10, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai thông tin tại họp báo

gia hân

Tại họp báo, Báo Thanh Niên nêu câu hỏi về kiến nghị của Ủy ban Xã hội khi thẩm tra Báo cáo tổng kết Nghị quyết 30 các biện pháp đặc thù, đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19, cho rằng cần có các quy định để xử lý biện pháp đặc thù, trong tình thế cấp bách mà có thể chưa đúng quy định của pháp luật.

Trả lời câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho hay, vừa qua, Ủy ban Xã hội đã kiến nghị có cơ chế riêng xem xét việc xử lý vi phạm trong giai đoạn cấp bách chống dịch.

Theo ông Mai, việc này xuất phát từ "thực tiễn giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 tại các địa phương và tâm tư, nguyện vọng của người trực tiếp chống dịch".

Ông Mai phân tích, trong hoàn cảnh "chống dịch như chống giặc", tình huống rất cấp bách thì những việc phải xử lý tình thế, không cho phép chờ đợi về thời gian nên một số việc sẽ không theo đúng các quy định của pháp luật, như việc mua sắm các trang thiết bị, thuốc men rồi mượn thiết bị, vật tư... "miễn có ngay để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chống dịch".

Cũng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, công tác phòng,chống dịch Covid-19 là "chưa có tiền lệ". Do đó, các cơ quan chức năng nhận thức được vấn đề cần có quy định riêng để xử lý các trường hợp trong tình huống cấp bách như vừa qua.

Theo ông Mai, Ủy ban Xã hội kiến nghị khi xem xét trong việc xử lý vi phạm phải đánh giá được đúng bản chất, đúng hoàn cảnh của người thực thi nhiệm vụ; trong đó quan trọng nhất là xác định được có vì mục đích cá nhân không.

"Xác định như vậy để có các xử lý những việc không đúng quy định của pháp luật. Tôi không nói đây là những người vi phạm. Việc này động viên được những người trực tiếp tham gia chống dịch, đồng thời có giải pháp để sau này có đợt dịch tiếp theo thì những người đó sẽ mạnh dạn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ", ông Mai nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, báo cáo của Chính phủ đã có tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 30, tuy nhiên, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần đánh giá sâu sắc hơn nữa, bổ sung thông tin, số liệu liên quan và các kiến nghị phải có giải trình rất cặn kẽ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết để trình ra kỳ họp tiếp theo, có thể là kỳ họp bất thường cuối năm, lúc đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến chính thức về đề xuất cân nhắc hoàn cảnh vi phạm pháp luật để xử lý cho phù hợp.

Trước đó, báo cáo thẩm tra về thực hiện Nghị quyết 30 của Ủy ban Xã hội nhận định: "Chúng ta đang xử lý các biện pháp trong tình huống cấp bách, đặc thù bằng những quy định bình thường gây hoang mang cho cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, nhân viên y tế".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.