Cô em gái con ông chú họ tôi lấy chồng được 8 năm. Tôi vẫn hay nói với cô em rằng, cô tính tình đáo để, sắc sảo quá, cũng may mà lấy được người chồng hiền lành, ít nói nên vợ chồng bù trừ cho nhau “cơm sôi bớt lửa đời nào mới khê”! Chứ gặp phải người chồng cũng tính Trương Phi “trời chẳng chịu đất, đất chẳng chịu trời” thì chắc nhà cửa tanh bành ra mất.
Cô em gái tôi cong môi lên: “Chị ơi, chị nhìn từ ngoài vào thì chị thấy hiền, chứ chị mà “ăn đời ở kiếp” với hắn thì sẽ phát cáu lên vì cái tính khờ đấy cho mà xem!”. Rồi như được “xả lũ”, cô tuôn ào ào một loạt những “giai thoại” về cái tính “hiền” của chồng.
|
Tính lười… nói
Nào là, vợ chồng em cũng có “lúc đói, lúc no”, nhưng được cái chưa bao giờ hai đứa xích mích, cãi lộn vì tiền nong cả. Có lẽ trong 10 trận xung đột thì có đến 9 nguyên nhân chỉ vì cái tính “lười nói” của chồng. Không hiểu sao hắn lúc nào cũng như “ngậm hột thị”, vợ hỏi đến dăm bảy lần thì hắn mới mở miệng ra trả lời một câu. Em hỏi: “Anh đã giặt cho con mấy bộ quần áo chưa?”, hắn ngồi im lìm chẳng nói chẳng rằng, em hỏi đến câu thứ tư và phải gắt lên thì hắn mới ừ hử “rồi”. Tính em thì ngược lại hắn, rất thích nói nên mỗi lần như vậy, em lại “ca” cho một bài, hắn ngồi nghe một lúc rồi nổi khùng lên. Thế là “chiến tranh nổ ra”.
Nhớ hồi làm đám cưới, đứa bạn học cùng học cấp ba với em cất công đi hàng trăm cây số ra chúc mừng ngày vui của em và của cả hắn nữa. Đang mệt lử vì say xe, đến nơi nó phải cố gắng làm mặt tươi vồn vã chào chú rể. Vậy mà hắn ta im như thóc, cứ như không nghe thấy gì, chẳng nói năng đáp lễ khách khứa gì cả. Cô bạn cụt hứng và cứ “thù dai” mãi cái thái độ mất lịch sự đấy của hắn, mặc dù sau này đã quen với cái tính dở dở ương ương ấy và còn hay trêu chọc hắn.
Mỗi khi có khách hay kể cả họ hàng hai bên đến chơi nhà, thủ tục đầu tiên bao giờ em cũng phải rào trước rằng, đúng lệ ra thì “tiền chủ hậu khách”, nhưng với nhà em thì khách khứa cứ thoải mái, chủ động mà xử sự, vì chồng em có cái tính lạ, cứ khách mà ứng xử tự nhiên, thoải mái như nhà mình thì hắn cũng rất vui vẻ “a dua” theo, cũng thoải mái, tự nhiên với khách. Nhưng nếu mà khách đến cứ giữ ý giữ tứ thì hắn tự dưng cũng nắn nót, giữ ý giữ tứ. Khách nói ít thì hắn nói ít, khách sôi nổi nói nhiều thì hắn cũng tươi tỉnh hùa vào. Cứ như hắn mới là khách đến chơi nhà. Nhiều khi bạn bè mới đến chơi lần đầu rất e ngại, không hiểu chồng em thế nào, tưởng hắn không hiếu khách, nhưng sau khi nghe em mách nước, chúng nó cười ồ lên và bắt đầu khuấy động không khí lên thì chủ nhà cũng phấn chấn lên theo và dễ tính đến ngạc nhiên.
Một tay vợ quyết
Năm hết tết đến, em mở “cuộc họp bàn tròn” với hắn, bàn về chuyện thăm hỏi, quà cáp đối nội, đối ngoại. Bàn chuyện đối ngoại, hắn ngồi im, nên em đành phải quyết, thôi được cũng không sao, mình hiểu tính chồng mình rồi. Bàn chuyện đối nội, trước tiên là chuyện thăm hỏi nhà ông bà nội bọn trẻ, em cũng xử sự rất chu đáo, nào biếu ông nội món này, nào biếu bà nội quà kia… Thấy hắn vẫn ngồi im, em nghĩ chắc ông xã giữ ý “im lặng là đồng ý”, nên chốt xong quà biếu nhà nội. Đến phần nhà ngoại, em “rào trước, đón sau” mấy lần, hắn vẫn cứ ngồi im re như bồ thóc. Đến nước này thì không phải là hắn “hiền” nữa, mà là hắn “khờ”. Nhẽ ra, đến phần tế nhị này hắn phải chủ động chứ, chẳng lẽ lại để em “tự quyết” khỏi cần ý kiến cũng như tấm lòng của hắn!
Nghe tỏ tường “chuyện trong nhà” của cô em, tôi cũng “ngậm kẹo”, rồi thẽ thọt an ủi: “Thôi em ạ, thế gian được vợ hỏng chồng là chuyện thường, đằng này chồng em nó không phải kẻ hư hỏng gì, chỉ phải cái tội hiền quá cơ! Thế cũng là yên ổn nhà cửa rồi. Biết tính chồng thế thì mình càng được chủ động quyết định việc nhà, đỡ được chuyện ông nói đông, bà nói tây, vợ chồng ý kiến bất đồng”. Cô em cũng chép miệng: “Thì thế em mới ở được với hắn ngần ấy năm. Thôi ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, mình cũng lừa lựa mà cân bằng cuộc sống gia đình”.
Bùi Thúy Hạnh
>> Lấy chồng hậu đậu
>> Vợ săm soi lương, chồng khổ
Bình luận (0)