(TNO) Lãng phí, thất thoát trong đầu tư công có khi lên đến 100% giá trị công trình. Lãng phí trong định hướng xây dựng, trong thực hiện xây dựng làm hoang phí đầu tư công, làm bội chi ngân sách, tăng nợ công, tăng lạm phát và chỉ số tiêu dùng.
|
Đó là nhận định của lãnh đạo Bộ Xây dựng, các chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và Bộ Xây dựng tổ chức ngày 31.3 tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tính toán chỉ tính riêng hoang phí nền móng lên đến 70 - 80%, chưa kể thời gian thi công bị kéo dài thêm từ 3 - 9 tháng. Tất cả mọi thành phần tham gia dự án đều xem dự án như con “bò tùng xẻo” mà mọi người đều mong được hưởng lợi, nên lãng phí càng ngày càng nhiều về số lượng, lớn về tỷ lệ.
Nguyên nhân theo ông Đực, hiện nay luật quy định chi phí cho thiết kế, tư vấn, giám sát, quản lý “ăn” phần trăm trên tổng vốn đầu tư công trình. Như vậy, công trình được duyệt có vốn đầu tư càng lớn, các đơn vị này được hưởng chi phí càng nhiều. Do đó, đơn vị thiết kế chăm chăm “vẽ” dự án càng kiên cố, càng hoàng tráng càng tốt. Họ tính toán làm sao cho công trình chi phí cao chót vót.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thất thoát có hai loại. Thất thoát hữu hình, hay còn gọi là lãng phí, có khi rất lớn. Bởi có những công trình làm xong không sử dụng được, thất thoát đến 100% giá trị công trình. Còn những công trình bi bớt xén tiền đầu tư, mất cắp vật liệu hay bớt xén tiền đầu tư có khi chỉ từ 10-30%.
“Hoặc công trình làm không đúng theo quy hoạch khi làm công trình rồi mới có quy hoạch 'vẽ' khu vực làm công trình không thuộc vị trí đặt dự án thì phải bỏ đi. Như vậy thất thoát do chủ trương đầu tư sai rất lớn”, Bộ trưởng Dũng thẳng thắn cho biết.
Ngoài ra, theo ông Dũng, quá trình phân cấp quản lý chưa phù hợp với năng lực của chủ đầu tư, chưa đề cao vai trò của cơ quan quản lý, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát là nguyên nhân dẫn đến thất thoát, sai phạm, lãng phí. Chủ đầu tư được nhà nước giao vốn, nhưng chủ đầu tư không chuyên nghiệp, ban quản lý cũng vậy. Khi công trình hoàn thành, ban quản lý dự án giải thể, vừa thiếu tính chuyên nghiệp, vừa không trách nhiệm đến cùng khi công trình xảy ra vấn đề.
“Luật có quy định về các hình thức tổ chức thực hiện dự án nhưng thiếu quy định cụ thể về quy mô, tính chất dự án. Nguồn vốn nhà nước chủ yếu giao về các địa phương làm chủ đầu tư. Địa phương lập Ban quản lý dự án, nên mỗi địa phương có hàng trăm ban quản lý dự án. Trong khi đó, nguồn nhân lực nghiệp vụ rất mỏng, phân tán, chất lượng, khả năng, kiểm soát vốn rất hạn chế. Nhiều công trình phó mặc cho nhà thầu, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Việc cấp phép xây dựng chưa quy định rõ ràng, dẫn đến một số công trình chưa đủ điều kiện đã được xây dựng, xây dựng kéo dài, không đi theo mục tiêu, không đủ vốn, không đủ mặt bằng, dẫn tới lãng phí, dở dang, không đưa vào sử dụng, không theo thiết kế. Các luật hiện nay còn chồng chéo. Chính vì vậy cần phải khắc phục, sửa đổi, tạo ra sự đồng bộ”, ông Dũng cho hay.
Đình Sơn
>> Lo ngại lãng phí trong đầu tư công
>> Lãng phí đầu tư công
>> Người dân ít biết về dự án đầu tư công
Bình luận (0)