Chống người thi hành công vụ là gì?

24/07/2021 13:50 GMT+7

Thời gian gần đây, có những vụ việc chống đối, đạp bàn, chửi bới tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 . Theo chuyên gia, những trường hợp này có dấu hiệu tội chống người thi hành công vụ.

Mới đây nhất, ngày 23.7, Công an H.Nhà Bè đã xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng đối với ông N.T.Q 3 triệu đồng về hành vi cản trở người thi hành công vụ. Ông Q. là người xuất hiện trong đoạn video clip được đăng tải lên mạng xã hội ghi lại cảnh ông dùng chân đạp tung bàn của tổ y tế đang lấy mẫu xét nghiệm.
Cùng ngày, Công an TP.Long Khánh (Đồng Nai) cho biết đang tạm giữ hình sự Vũ Nhật Tân (38 tuổi, ngụ P.Xuân Tân, TP.Long Khánh) để điều tra về hành vi "chống người thi hành công vụ". Tân đã có hành vi không nêu được lý do chính đáng, chưa hoàn thành khai báo y tế và có thái độ thách thức, chửi bới và đạp vào vùng đùi của một cán bộ ở chốt kiểm soát cầu Bình Lộc, TP.Long Khánh. 

Tạm giữ người hung hăng chửi bới, đạp cán bộ trực chốt kiểm soát Covid-19

Người thi hành công vụ

Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), theo khoản 1, Điều 3 của Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, thì người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Căn cứ theo khoản 2, Điều 3 của Nghị định này, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao; ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao là hành vi chống người thi hành công vụ. 
Trong đó, ở khoản 3 Điều 5 Nghị định này cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân đối với người thi hành công vụ, bao gồm: không chấp hành các quy định của pháp luật; không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người thi hành công vụ; chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người thi hành công vụ; xâm hại tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của lực lượng thi hành công vụ.

Đạp đổ bàn nhân viên y tế, người đàn ông ở Nhà Bè bị phạt 3 triệu đồng

Phạt tù lên đến 7 năm

Theo LS Tuấn, trong bối cảnh TP. HCM đang tiếp tục siết chặt các biện pháp để ứng phó với đại dịch Covid-19, đa số người dân trên cả nước đều chấp hành tốt các Chỉ thị về phòng chống dịch thì vẫn có nhiều cá nhân cố tình cản trở các lực lượng chức năng đang thực thi công vụ. Căn cứ vào các quy định trên, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính, những cá nhân có hành vi dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ trong chống dịch Covid-19 sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, 3 của Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, LS Tuấn cho biết, đối với cá nhân có hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Trong trường hợp có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền lên đến 5 triệu đồng. 

Ông Q. bị phạt 3 triệu về hành vi cản trở người thi hành công vụ sau khi đạp bàn làm việc của tổ lấy mẫu.

ẢNH CẮT TỪ CLIP

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội “chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). "Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp phạm tội từ 2 lần trở lên; có tổ chức; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tù lên đến 7 năm", LS Tuấn thông tin. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.