Dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Quản lý thuế đưa ra từ năm 2018 đề cập đến việc bổ sung Ngân hàng (NH) Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý thuế. Theo đó NH Nhà nước thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.
tin liên quan
Thất thu thuế từ 'gã khổng lồ' Facebook, GoogleLuật sư Nguyễn Duy Hùng, thành viên sáng lập Công ty luật IPIC, cho hay việc này có thể vi phạm quyền bí mật, riêng tư cá nhân được bộ luật Dân sự quy định. Trong trường hợp cá nhân có những vi phạm pháp luật thì việc cung cấp thông tin tài khoản NH của cá nhân cho cơ quan thuế cần được thực hiện theo quy định, chứ không thể định kỳ NH cứ gửi thông tin khách hàng cho cơ quan thuế. Riêng với các đơn vị nước ngoài như Google, YouTube... trả tiền cho cá nhân người Việt, NH có thể yêu cầu cá nhân đó chứng minh nguồn tiền hợp pháp. Trong trường hợp không chứng minh được nguồn gốc tiền, NH không cho khách rút và phối hợp với cơ quan nhà nước liên quan (kể cả công an) để làm rõ nguồn tiền, lúc này mới thu được thuế.
Theo ông Hùng, để chống thất thu thuế, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về các quy định pháp luật để họ có thể tự giác. Thực tế, việc kêu gọi tính tự giác của nộp thuế là khó, nhân sự cơ quan thuế thì mỏng nên không tránh khỏi việc thất thu. “Cơ quan thuế cần làm việc với đơn vị chi trả thu nhập, ở đây là YouTube hoặc Google để nắm được danh sách những người trong nước nhận thu nhập khủng. Theo luật An ninh mạng VN, những đơn vị Google, Facebook, YouTube... cần có văn phòng tại VN, như vậy mới có thể kiểm soát được những nguồn thu. Thế nhưng dù có văn phòng hay không ở VN, các đơn vị nước ngoài cũng nên thông báo cho cơ quan thuế danh sách cá nhân đã nhận thu nhập từ họ”, luật sư Hùng nói.
TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích việc nhiều cá nhân có thu nhập thông qua mạng xã hội gọi là kinh tế dựa trên kết quả. Theo sự bùng nổ của cách mạng công nghệ 4.0, số lượng này sẽ gia tăng nhanh chóng. Vì vậy việc kiểm tra thu thuế theo từng cá nhân sẽ rất khó thực hiện. Đó là chưa kể các cá nhân thường không kê khai thông tin thật. Vì vậy cách quản lý thuế phù hợp nhất là thuế gián thu, thông qua các đơn vị là chủ các mạng xã hội phải khấu trừ trước khi trả cho người sở hữu các kênh YouTube. Trong khi đó các đơn vị như YouTube, Facebook lại không đặt văn phòng nhưng hằng tháng vẫn có doanh thu từ tiền quảng cáo của các doanh nghiệp và cá nhân tại VN. Vì vậy, cơ quan thuế phải tính đến giải pháp thu được thuế từ các đơn vị này.
“Tôi cho rằng trong vấn đề quản lý thuế các đơn vị là chủ các mạng xã hội như Facebook, YouTube, một mình cơ quan thuế sẽ không thực hiện được. Cần phải có sự phối hợp đồng bộ với các đơn vị khác, đặc biệt là hệ thống NH. Ví dụ dòng tiền trả cho các đơn vị này từ VN và ngược lại các tài khoản nhận được tiền chi trả của YouTube thì NH sẽ biết dễ hơn. Bên cạnh đó phải kiểm soát chặt việc thanh toán cho các đối tác nước ngoài thông qua thẻ tín dụng. Vì vậy phải có sự liên thông giữa NH và cơ quan thuế để đưa ra giải pháp, tránh thất thu thuế từ các đơn vị trên”, TS Chí chia sẻ thêm.
Bình luận (0)