Chống trang phục đội lốt 'áo dài cách tân'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/02/2023 07:23 GMT+7

Theo TS Phan Thanh Hải, do hiểu sai về áo dài nam truyền thống, nhiều nhà thiết kế đã may những áo dài "đội lốt áo dài cách tân" xa lạ với áo dài truyền thống Việt.

Những chiếc áo dài ngũ thân, áo nhật bình là nhân vật quan trọng trong bài viết của TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế, gửi tới hội thảo quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển". Hội thảo tổ chức hôm nay 27.2 tại Hà Nội.

Chống trang phục đột lốt "áo dài cách tân"   - Ảnh 1.

Áo dài ngũ thân là một phần của lịch sử

TƯ LIỆU CỦA ÔNG PHAN THANH HẢI

Y quan rực rỡ và hiểu lầm

Theo TS Phan Thanh Hải, có thể nói, các loại trang phục thời Nguyễn mà trọng tâm là áo ngũ thân, áo nhật bình đã góp phần vô cùng quan trọng để nước ta có một chế độ "y quan rực rỡ". Đó là một chế độ trang phục văn minh, phong phú không hề thua kém các nước lớn ở phương Đông, biểu tượng cho sự thống nhất về văn hóa của một dân tộc dòng dõi "con rồng cháu tiên".

Mặc dù vậy, TS Hải cho biết, sau khi thực dân Pháp xâm lược và nô dịch nước ta, nhiều giá trị truyền thống đã bị biến đổi, trong đó có văn hóa trang phục. Các loại âu phục dần dần thịnh hành phổ biến, thậm chí trở thành tiêu chí về trình độ văn minh, thành những chuẩn mực trong xã hội hiện đại và đương đại, nhất là đối với trang phục nam giới. Áo dài cũng bị chi phối sâu sắc bởi điều này.

Ông Hải cũng nói đến những "oan khuất" mà áo dài nam phải chịu. Nếu như áo dài nữ liên tục được cách tân, trở thành một nhận diện về trang phục nữ Việt Nam thì áo dài nam lại bị lãng quên, thậm chí bị coi là nhếch nhác, phong kiến, cổ hủ, đồng bóng…

TS Phan Thanh Hải cho biết, nguyên nhân của việc này xuất phát từ việc áo dài nam trở thành đối tượng bị tấn công, đả kích bởi trào lưu Âu hóa; còn trên sân khấu thì luôn bị gắn với các nhân vật phản diện như lý trưởng, hương lão, thầy cúng, thầy bói, phú ông, quan tham… 

"Áo dài bị mang biểu tượng chính trị hơn là mang biểu tượng văn hóa, đàn ông mặc áo dài đã dần dần được mặc định là hình ảnh đại diện cho tầng lớp phong kiến, quan lại, địa chủ... đại diện cho những thói hư, tật xấu, cho những gì cũ kỹ, cổ hủ...", ông Hải nêu quan điểm.

Chống trang phục đột lốt "áo dài cách tân"   - Ảnh 2.

Áo dài gắn với lịch sử và văn hóa Huế

TƯ LIỆU CỦA ÔNG PHAN THANH HẢI

TS Phan Thanh Hải cho rằng bên cạnh việc đưa áo dài nam về vị trí vốn có của nó trong văn hóa áo dài của Việt Nam, cần phổ biến và khẳng định lại áo dài nam truyền thống và đúng bản chất của áo dài nam: khiêm nhường; kín đáo; phong thái đĩnh đạc; thẩm mỹ tinh tế.

Ông Hải cũng cho rằng nhiều NTK đang hiểu sai áo dài nam khi cho rằng loại áo này khi mặc thường bị nhăn, dúm ở nách, thân áo không phẳng. Do đó, các NTK này đã đưa kỹ thuật may veston và áo sơ mi để may, vạt áo hẹp, liền vải, may bó sát người, ráp nối tay, vai độn… Kết quả các loại áo như vậy thường không còn giữ lại chút nào kiểu dáng áo dài truyền thống Việt, chúng trở thành áo tà dài đội lốt danh hiệu "áo dài cách tân".

Phục hưng truyền thống văn hóa

Mặc dù vậy, theo TS Hải, phong trào phục hưng áo dài truyền thống đã diễn ra mạnh mẽ ở cả 3 miền. Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng khuyến khích cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống trong công sở. Sở cũng đang xây dựng Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam".

Ông Hải đánh giá Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943, chính là tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng. Đó là nền văn hóa được xây dựng từ sức sáng tạo bền bỉ của nhân dân, nền văn hóa thuộc về nhân dân, do nhân dân là chủ thể sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy giá trị. Điều này đặc biệt có giá trị trong bối cảnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế nói chung và di sản áo dài nói riêng vì sự phát triển bền vững.

Chống trang phục đột lốt "áo dài cách tân"   - Ảnh 3.

Huế đang xây dựng đề án và muốn trở thành "kinh đô áo dài"

TƯ LIỆU CỦA ÔNG PHAN THANH HẢI

Cũng theo ông Hải, việc triển khai đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" là rất phù hợp với xu thế thời đại. Đề án này cũng rất phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.

Ông Hải cũng đề xuất một số biện pháp để phát huy giá trị di sản áo dài Huế, trong đó có áo dài nam. Đó là việc thu thập các thông tin, lịch sử, quy trình, giá trị, hiện trạng, các giải pháp để hoàn thiện, hoàn thành hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó cũng là việc xây dựng không gian bảo tàng giới thiệu, trưng bày về ẩm thực, có lịch sử, giá trị gắn liền hoặc liên quan đến áo dài và văn hóa áo dài Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.