Bất ngờ với nam sinh thích mặc cổ phục Việt khi đến trường

Tấn Đạt
Tấn Đạt
26/10/2022 15:30 GMT+7

Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng chàng trai này hay mặc cổ phục Việt khi đến trường vào mỗi thứ hai hàng tuần.

Hơn 2 năm nay (trừ thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), Phùng Thế Gia Lộc, sinh viên (SV) năm thứ 4, Trường ĐH Ngoại thương, Hà Nội, tạo ấn tượng với thầy cô và bạn bè khi thường xuyên mặc các trang phục cổ của Việt Nam (cổ phục Việt) như áo tấc nam, áo ngũ thân tay chẽn hay giao lĩnh… đến trường vào thứ hai mỗi tuần.

Lộc không ngại ngùng khi khoác lên mình cổ phục Việt

NVCC

“Mong muốn trở thành trang phục phổ thông của nam giới”

Lộc chia sẻ bản thân bắt đầu tìm hiểu về cổ phục Việt từ khi bản thân học THPT và hiện tại anh chàng còn đang làm cộng tác viên cho một nhà may cổ phục.

“Tôi mong muốn cổ phục Việt sẽ trở thành trang phục phổ thông của nam giới như vai trò áo dài khăn đóng hiện tại. Đồng thời, tôi luôn suy nghĩ tại sao nữ sinh phải mặc áo dài đến trường vào mỗi thứ hai vì lấy lý do là gìn giữ truyền thống, trong khi đề xuất tương tự với nam sinh lại bị phản đối? Để trả lời cho câu hỏi đó, tôi đã trực tiếp mặc cổ phục Việt vào mỗi thứ hai khi đến trường”, Lộc nói.

Lộc mặc Việt phục vào mỗi thứ hai hàng tuần

NVCC

Lộc bắt đầu mặc Việt phục vào tháng 9.2020, khi ấy mạng xã hội xảy ra tranh cãi gay gắt về câu chuyện “đề xuất nam sinh mặc áo dài như nữ sinh vào đầu tuần”.

“Tôi cũng không có quan niệm "nam sinh mặc áo dài sẽ bất tiện". Và tại sao lại để trách nhiệm gìn giữ trang phục truyền thống chỉ dừng lại ở một giới? Vậy nên tôi cứ thế khoác cổ phục Việt lên người thôi, không đắn đo gì nhiều cả”, Lộc cho hay.

Theo chàng trai 24 tuổi, chứng kiến những lần bản thân mặc những bộ Việt phục đến trường như vậy, thầy cô, bạn bè không khỏi thấy "lạ mắt". Nhưng lâu dần, mọi người cũng đã quen với phong cách của Lộc.

"Tại sao mình phải ngại khi bản thân đang làm điều đúng. Sinh viên hay thầy cô trong trường tôi lúc đầu cũng ngỡ ngàng nhưng sau một thời gian mọi người đều thấy bình thường và không ai có ý dèm pha hay chê bai mình cả (sao có thể chê được trang phục của tổ tiên chứ!)", Lộc nói.

Rồi Lộc còn kể: "Tôi hay thấy những lời chê từ mạng xã hội. Tuy nhiên, bản thân sẽ không tức giận hay buồn, mặc khác tôi cảm thấy xấu hổ thay cho những cá nhân đó vì sự thiếu hiểu biết khi mà trang phục dân tộc lại bị họ bêu riếu là giống trang phục nước ngoài mà không biết rằng những thứ ấy cũng tinh tế và cầu kỳ không kém các nước khác".

Với Lộc, cổ phục Việt mang một nét đẹp tinh tế, không kém cầu kỳ

NVCC

"Nên được gìn giữ thay vì nằm trong tranh ảnh sách báo hay viện bảo tàng"

Hiện tại, Lộc đang sỡ hữu 4 bộ cổ phục Việt với giá khoảng vài triệu đồng/bộ. Trong số đó, có 3 bộ do chính tay Lộc may. Ngoài ra, chàng trai 22 tuổi này còn hay mặc những trang phục dân tộc ở cuộc sống thường nhật thay vì một dịp lễ đặc biệt nào đó để đưa Việt phục đến gần hơn với mọi người.

"Trong 2 năm gần đây, mình muốn mặc các trang phục này nhiều hơn tại các nơi công cộng để mọi người biết rằng bên cạnh áo dài hiện đại thì Việt Nam mình còn rất nhiều những bộ trang phục khác rất đẹp và đáng để tự hào", Lộc khẳng định.

Lộc bắt đầu mặc cổ phục Việt hai năm gần đây

NVCC

Lộc mong muốn giới trẻ biết hơn về cổ phục Việt

NVCC

Lộc muốn mọi người đặc biệt là nam giới biết hơn về cổ phục Việt

nvcc

Lộc chia sẻ thêm cổ phục đơn giản nhất là trang phục được sử dụng phổ biến trong quá khứ và mang ý nghĩa, vai trò cho tùy mục đích nhất định (thường phục hay lễ phục, triều phục).

"Tôi luôn mong muốn bạn trẻ cũng như xã hội biết thêm về các trang phục cổ của Việt Nam. Thú thật, tôi thấy tự hào vì cổ phục Việt, bởi nó đẹp, cầu kỳ, tinh tế không kém gì các trang phục truyền thống của các nước Đông Á như Kimono (Nhật Bản), Hanbok (Hàn Quốc) hay Hán phục. Những vẻ đẹp này nên được gìn giữ, nhưng thay vì nằm trong tranh ảnh sách báo hay viện bảo tàng, thì tôi muốn đem cổ phục Việt trở lại cuộc sống hiện đại. Trong tương lai, tôi mong muốn Việt phục có thể được nhận biết phổ biến hơn và được sử dụng rộng rãi trong các dịp trọng đại", Lộc tâm sự.

Hiện tại, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội không quy định về đồng phục vào thứ hai, mà theo đó sinh viên khi làm việc, học tập trong khu vực trường phải đi giày dép, mặc quần áo và để tóc gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự.

Chia sẻ về hành động mặc cổ phục Việt đến trường của Lộc, ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) cho hay bản thân cảm thấy bất ngờ khi chứng kiến một nam sinh hay mặc cổ phục đến trường như Lộc. "Tôi đã theo dõi và biết Lộc qua mạng xã hội. Những bộ Việt phục của bạn này mặc rất đẹp và kín đáo, gọn gàng. Hiện tại, vào thứ bảy, học sinh trường tôi sẽ mặc đồ tự do, nếu bạn nào khoác lên mình bộ cổ phục như thế thì hãy sẵn sàng và thoải mái".

Còn Võ Phi Thành Đạt (23 tuổi, đang theo học chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Luật TP.HCM) có nói: "Tôi cảm thấy rất trân trọng và cảm ơn các bạn trẻ hiện nay đã quan tâm và gìn giữ, đem cổ phục vào sinh hoạt đời thường. Việc hay mặc cổ phục để đến trường vào mỗi thứ hai hàng tuần cũng phần nào chứng tỏ bạn rất yêu văn hoá trong đó có trang phục Việt cổ, từ đó họ góp phần quảng bá thêm, mang chúng đến với gần sinh viên và môi trường hiện đại".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.