Nhàn đàm

Chõng tre thuở ấy

21/07/2024 08:30 GMT+7

Ông ngoại tôi hay lam hay làm lại khéo tay. Mỗi lần xuống nhà tôi chơi ông lại đóng, làm cho bao đồ dùng, vật dụng. Từ bàn thờ, giường, tủ, bàn ghế đến chạn bát…

Tuy là thợ không chuyên, vì nghề chính của ông là dạy học nhưng vì làm gì cũng chỉn chu nên đồ ông đóng rất nuột nà, chắc chắn. Mỗi dịp xuống, ở ngày nào là ông luôn chân, luôn tay ngày đó. Làm xong đồ to, ông lại tranh thủ làm đồ nhỏ. Có khi là cái bàn ăn cơm, mấy cái ghế con, ít cán chổi để dành. Trong một dịp xuống đúng đợt mưa dầm, sẵn tre, pheo, ông làm cho nhà tôi một cái chõng tre. Cái chõng tre nay đã bóng lên màu thời gian, trở thành một vật dụng mà mỗi lần nhìn thấy khiến tôi nhớ ông nhiều nhất.

Bình thường, bố tôi hay dựng chõng tre trong góc nhà ngang. Vào những buổi chiều hè đứng bóng, người mang nó ra sân giếng dội nước cho mát rồi bày giữa sân. Cơm tối xong, cả nhà quây quần hóng mát. Gió từ vườn thổi vào rười rượi, tiếng lá mía xạc xào, hương hoa thơm quấn quýt. Hương thiên lý trên cái giàn cạnh giếng phảng phất, hương hoa móng rồng ngọt ngào, mê dụ… và những câu chuyện của mẹ lẫn trong tiếng lá, quyện hương hoa. Thi thoảng, câu chuyện bị ngắt quãng vì màn phân xử tranh nhau chỗ nằm trên chõng. Mẹ đành bảo, bao giờ ông xuống và có tre, nhờ ông làm cho cái nữa. Nhưng không hiểu sao bao năm nhà tôi cũng chỉ có duy nhất chiếc chõng tre ấy. Tôi cũng chưa thấy nhà ai có hai cái chõng tre cả.

Có những buổi trưa nắng như đổ lửa, cả xóm tụ tập dưới rặng tre phía cuối ngõ. Bóng tre xanh và hơi nước từ bờ ao tỏa lên như một chiếc điều hòa khổng lồ. Có người mang mảnh chiếu nhỏ để ngồi, có người treo chiếc võng kẽo kẹt giữa hai cái cây, lại có bác ngồi xuống những chiếc mo nang đã lau sạch sẽ. Đám trẻ con thì ngồi bệt luôn xuống nền đất mặc cho cuối buổi, những cái mông quần bạc phếch, trắng phau. Hôm nào bố tôi vác cái chõng xuống dưới rặng tre thì nơi đó không khác gì một thiên đường. Hay nói như bây giờ thì quả là chỗ nghỉ dưỡng cực "chill". Thật tuyệt biết bao khi được nằm dang tay, dang chân trên tấm dát mát mẻ, phẳng phiu, đón những làn gió mơn man trên tóc, nhìn bầu trời trong veo lọt qua những tầng lá xanh ngăn ngắt, lọc thứ ánh sáng mơ hồ, thanh thoát; nghe tiếng những con tôm, con gọng vó búng nước tí tách. Và đâu đó, thoảng tiếng chim chuyền cành lích chích giữa những cành rong. Thời gian như ngừng trôi, tưởng lạc vào một bến bờ cổ tích. Lũ bạn hàng xóm đã hết sức ghen tị với cái "view" tuyệt vời đó. Các ông, các bà thì ngắm nghía và không ngớt xuýt xoa vì cái tài của người làm chõng. Bốn chân chõng vững chãi, đều đặn, những mối bắt đâu ra đấy, tấm dát nhẵn mượt, tăm tắp không một mắt lỗi, bề mặt sờ nhẵn thín, trơn tru.

Chiếc chõng đồng hành cùng gia đình tôi suốt bao năm tháng. Mùa hè người nằm, mùa đông đồ đạc gối lên. Đến mãi sau này, đận làm nhà mới, bị bỏ ra ngoài mưa nắng chiếc chõng mục đôi phần rồi ải dần ra. Khi phải bỏ đi, mẹ tôi cứ ngơ ngẩn mãi.

Sau này mỗi khi nhìn thấy một cái chõng tre đâu đó, tôi lại nhớ dáng ông ngoại tất tả, nhớ mùi hương thiên lý đêm hè và những tia sáng mặt trời lấp lánh phía rặng tre.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.