HỌC MỌI LÚC, MỌI NƠI
Khi chúng tôi vào lớp lúc đang diễn ra tiết tiếng Việt tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM, cô giáo Lê Xuân Cao Phi, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/5, đang cho các em học sinh (HS) cùng nhập vai, diễn một tình huống trong gia đình để các em biết cách sử dụng, hiểu về ý nghĩa lời chào hỏi. Bài giảng cũng được thiết kế sinh động khi các em được xem các video, tham gia trả lời những câu hỏi trên màn hình, có đôi lúc lại được thư giãn bằng phần nhảy vui nhộn…
Cô Lê Xuân Cao Phi cho biết Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đổi mới theo hướng hình thành, bồi dưỡng, phát triển năng lực, phẩm chất cho trẻ, mỗi giáo viên (GV) ngoài việc tham gia các buổi tập huấn về sách giáo khoa chương trình mới, các hoạt động sinh hoạt chuyên môn thì vừa cần phải tự trau dồi, học thêm các kỹ năng mới để có thể mang tới cho HS những tiết học hiệu quả nhất. Việc tự học ở mọi lúc, mọi nơi hiện nay đã có sự hỗ trợ lớn từ internet, các phần mềm miễn phí, những kho học liệu phong phú trên mạng.
Thạc sĩ Lê Đình Lực, CEO hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English, cựu HS chuyên toán Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết giáo dục thông minh là một xu thế mới, đã và đang được thực hiện. Điển hình trong mô hình này là thầy giáo, HS đều có sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ, các thiết bị, phần mềm trong thời gian học và có thể học mọi lúc, mọi nơi, cập nhật kiến thức công nghệ để bộ kỹ năng của bản thân không bị lạc hậu. Kế đến là người thầy sẵn sàng thiết kế những chương trình giảng dạy phù hợp hơn với đối tượng người học. Nhà trường và GV đã không ngừng quan sát, học hỏi để thật sự cung cấp cái người học cần hơn là cái mình có.
BÍ KÍP NẰM Ở KHẢ NĂNG TỰ HỌC
Nhiều người lo ngại HS, sinh viên sẽ lạm dụng ChatGPT và từ đó hạn chế người học sử dụng. Song với nhiều người làm giáo dục, điều này chưa hẳn đã đúng.
"Tôi cho rằng hãy cứ cho người học được dùng các công cụ, như ChatGPT, nhưng phải chỉ rõ cho họ thấy cả ưu lẫn khuyết nếu người học lạm dụng điều này. Chẳng hạn nếu người học cố tình gian lận, "qua mắt" thầy cô bằng nhiều cách khi dùng ChatGPT thì cái lợi trước mắt là điểm cao, nhưng cái hại lâu dài là họ sẽ không có đủ kiến thức, kỹ năng để "sống sót" trong một thị trường lao động vốn ngày càng khắc nghiệt, còn AI có thể làm được nhiều thứ vượt trội con người", thạc sĩ Lê Đình Lực nói.
Thạc sĩ Lực, ở cương vị một GV tiếng Anh, cũng cho rằng HS, sinh viên có thể nhờ ChatGPT để có thêm góc nhìn tham khảo, nhưng phải biết "gạn đục khơi trong" để giúp bản thân trở thành phiên bản tốt hơn. Để làm tốt việc này thì việc tăng cường dạy tư duy phản biện, kỹ năng mềm là điều cần thiết. "Và dù là ai, người dạy hay người học thì việc không ngừng học hỏi sẽ không bao giờ thừa. 12 năm kiến thức phổ thông và 4 năm đại học không bao giờ đủ dùng cho công việc cả đời. Khả năng tự học và học liên tục là "bí kíp" để sống sót để dạy, học, làm việc trong thế giới không ngừng biến động", thạc sĩ Lực nhấn mạnh.
ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO GV
Anh Lê Đình Hiếu, tốt nghiệp thủ khoa khối kinh tế ĐH danh tiếng UCLA (Mỹ), hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Johns Hopkins, Mỹ, 1 trong 10 Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2018, nhận định vai trò của GV trong hệ thống giáo dục đến nay vẫn cực kỳ quan trọng và rất khó bị thay thế bởi AI. Anh Hiếu nói: "GV không chỉ truyền đạt kiến thức - phần mà AI và công nghệ có thể đáp ứng - mà còn dạy cho HS về đạo đức, giá trị và cách ứng xử trong xã hội. Những kỹ năng và tố chất "mềm" khác của một HS như kỹ năng xã hội và cảm xúc, sự linh hoạt và sáng tạo, giao tiếp và kết nối cá nhân… là những điều mà thầy cô giáo với tấm lòng và tình thương yêu của mình mới có thể giúp HS bồi đắp".
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, ủy viên Ban chấp hành T.Ư Hội tâm lý học VN, cũng cho rằng: "Cách ứng xử, tương tác của thầy cô đối với mỗi HS sẽ truyền tải những thông điệp, bài học về kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội; truyền cảm hứng để học trò trở thành những thế hệ có phẩm chất, có năng lực, có tư duy tích cực… Vai trò đặc biệt này của người thầy thì không thiết bị nào thay thế được".
Tuy nhiên, cũng sẽ có những người dạy sẽ bị thay thế một phần hoặc hoàn toàn. Anh Lê Đình Hiếu cho rằng đó là những người dạy học mà chỉ tập trung vào việc đọc chép, lấy học thuộc lòng là một phương pháp học, sử dụng văn mẫu là một tiêu chí đánh giá. Và vì thế, cần phải nâng cao năng lực cho GV rất sớm.
Theo anh Hiếu, việc sử dụng AI trong dạy và học ở các quốc gia đang phát triển như VN đòi hỏi một bộ tiêu chuẩn cụ thể để đảm bảo sự phát triển bền vững, công bằng và hiệu quả của công nghệ này trong giáo dục. Tại Mỹ, Nhật và các nước châu Âu đã đưa ra những tiêu chuẩn và khuyến nghị cho việc sử dụng AI trong quản lý giáo dục. Thứ nhất đó là phải đảm bảo công bằng và tiếp cận. Thứ hai, cần bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư. Thứ ba, cần chất lượng và tiêu chuẩn nội dung và thứ tư, phải đào tạo và phát triển năng lực cho GV.
Thời đại AI, điều gì là quan trọng nhất với giáo dục ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, tác giả sách, nhà giáo dục Giản Tư Trung cho rằng chắc chắn AI làm thay đổi mọi thứ. "Có 2 vấn đề quan trọng nhất của giáo dục ngày nay, không chỉ ở VN mà còn trên toàn thế giới, đó là nhân tính và khai phóng. Nhân tính là thứ mà không có máy móc nào có thể thay thế được. Bởi lẽ AI có thể rất giống người, nhưng rốt cuộc thì vẫn không phải người. Còn khai phóng giúp ta khai mở nhân tính và giải phóng tiềm năng để có thể trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm và luôn theo đuổi sự ưu tú trong bất cứ việc gì mà mình chọn làm. Và ngày nay, "kẻ thù" của khai phóng không chỉ là sự vô minh của con người, mà còn là sự thao túng tràn ngập xung quanh chúng ta, nhất là trong thời đại bội thực thông tin".
Bình luận (0)