Chồng trộm tiền của vợ, con trộm tiền của cha mẹ có bị xử lý hình sự?

05/02/2023 16:08 GMT+7

Nhiều ý kiến thắc mắc trường hợp chồng trộm tiền của vợ, con trộm tiền của cha mẹ thì có bị xử lý hình sự?

Chiều 1.2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đang tạm giữ ông Đinh Văn T. (người địa phương) để xác minh nghi vấn trong vụ việc chồng trộm tiền của vợ.

Thông tin ban đầu, ông T. và vợ ly thân từ nhiều năm nay, sống chung nhà nhưng không ở chung phòng. Thu nhập có được từ việc buôn bán hải sản, vợ ông T. cất trong két sắt để ở phòng ngủ của mình. Do mâu thuẫn về tiền bạc, nhân lúc vợ đi làm, ông T. vào phòng ngủ của vợ, cạy két sắt và lấy toàn bộ tài sản bên trong trị giá hơn 2 tỉ đồng.

Chồng trộm tiền của vợ, con trộm tiền của cha mẹ có bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Số tiền hơn 2 tỉ đồng cùng trang sức mà ông Đinh Văn T. lấy của vợ

C.X

Trước đó, tháng 7.2021, Công an thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, tiếp nhận đơn trình báo của bà Hoàng Thị L. (người địa phương) về việc bị kẻ gian đột nhập vào nhà, mở két sắt rồi trộm tài sản giá trị gần 500 triệu đồng. Vào cuộc xác minh, công an xác định con gái bà L. là nghi phạm. Do cần tiền tiêu xài, lợi dụng thời điểm không ai ở nhà, cô gái rút dây nguồn camera, lấy chìa khóa mở két, lấy tiền và vàng mang đi cất giấu.

Trong các vụ mất trộm tài sản có giá trị lớn, thủ phạm thường được xác định là người lạ, tình huống như 2 vụ việc vừa nêu là khá ít gặp. Vậy trường hợp chồng trộm tiền của vợ, con trộm tiền của cha mẹ liệu có bị xử lý?

Tạm giữ hình sự người chồng trộm hơn 2,3 tỉ đồng của vợ ở Quảng Nam

Phải làm rõ tài sản chung hay riêng

Theo luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, để xác định hành vi chồng trộm tiền của vợ có vi phạm pháp luật hay không, mấu chốt phải làm rõ nguồn gốc số tài sản này.

Điều 33 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng gồm: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh… và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Điều 213 bộ luật Dân sự năm 2015 quy định vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

Như vậy, nếu xác định số tiền ông T. lấy của vợ thuộc tài sản chung thì chưa đủ căn cứ để xử lý. Nếu 2 bên có tranh chấp thì phải được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa, để quyết định phần của mỗi người là bao nhiêu.

Chồng trộm tiền của vợ, con trộm tiền của cha mẹ có bị xử lý hình sự? - Ảnh 2.

Công an làm việc với con gái bà L. trong vụ mất tài sản gần 500 triệu đồng

TTXVN

Nhưng cũng cần lưu ý rằng, không phải bất cứ tài sản nào trong thời kỳ hôn nhân cũng là tài sản chung. Điều 43 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ chồng vẫn có thể có tài sản riêng, gồm: tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, được thừa kế riêng, được cho tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản mà 2 bên thỏa thuận là tài sản riêng…

Về nguyên tắc, tài sản riêng của ai thì sẽ do người đó quản lý, sử dụng, định đoạt. Mọi hành vi xâm phạm đến tài sản riêng là vi phạm pháp luật.

Như vậy, nếu xác định số tiền là tài sản riêng của vợ ông T., ông này biết rõ nhưng vẫn lén lút lấy đi, thì có dấu hiệu của hành vi trộm cắp tài sản. Tội phạm được quy định tại điều 173 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù, tùy theo giá trị tài sản bị chiếm đoạt.

Xem nhanh 20h ngày 5.2: Anh em sinh ba tự nguyện nhập ngũ | Chìm thuyền chở khách đi chùa

Không loại trừ trách nhiệm với người thân thích

Tương tự với việc con trộm tiền của cha mẹ, luật sư Lực cho biết bộ luật Hình sự không có quy định nào về việc loại trừ trách nhiệm khi người phạm tội và bị hại có quan hệ thân thích với nhau.

Dù cha mẹ và con có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, nhưng không đồng nghĩa tài sản của cha mẹ đương nhiên là tài sản của con. Sở hữu tài sản của cha mẹ hoàn toàn tách biệt với quyền sở hữu, sử dụng của con.

Đối chiếu vụ việc của bà L., cô con gái lấy trộm tài sản của cha mẹ là xâm phạm quan hệ sở hữu tài sản - khách thể được pháp luật bảo vệ. Hành vi này có dấu hiệu trộm cắp tài sản, có thể bị xử lý theo quy định tại điều 173 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như đã đề cập.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, nếu có cơ sở xác định tài sản mà người con lấy đi hình thành từ việc bán tài sản chung của hộ gia đình mà người con là thành viên, hoặc số tiền đó đã được cha mẹ tặng cho nhưng chưa chuyển giao, do nóng lòng nên người con đã xâm phạm, thì có thể xác định không có việc chiếm đoạt tài sản.

Tình huống nữa, nếu tài sản bị lấy đi có một phần thuộc về người con do người con có công sức đóng góp tạo thành, thì có thể giảm giá trị tài sản mà người này bị cáo buộc chiếm đoạt.

RÚT ĐƠN TRÌNH BÁO CÓ THOÁT TỘI?

Một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm. Khi trình báo, vợ hoặc cha mẹ không biết người lấy trộm tài sản là chồng hoặc con của mình. Sau khi công an điều tra và khởi tố, nếu vợ hoặc cha mẹ không yêu cầu xử lý nữa thì chồng hoặc con của họ có được "thoát tội" hay không?

Luật sư Lực dẫn chứng điều 155 bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Theo đó, với tội phạm thực hiện được quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của bộ luật Hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại khi bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.

Đối chiếu với quy định trên, tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 173, không thuộc nhóm tội phải khởi tố theo yêu cầu của bị hại, cũng không thể đình chỉ nếu bị hại rút yêu cầu khởi tố.

"Trường hợp phía bị hại có đơn xin bãi nại, đây có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử", luật sư Lực nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.