Tháng 6.2016, trong lúc khai thác vàng trái phép ở khu vực hang Nước (địa phận bản Kịt, xã Lũng Cao, H.Bá Thước), thuộc rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, 3 phu vàng đã bị ngạt khí dẫn đến tử vong dưới hầm. Thời điểm đó, khu vực hang Nước có nhiều lán trại, bể nước, máy móc, dụng cụ được những người khai thác vàng trái phép đưa vào để moi móc tài nguyên quốc gia, làm ảnh hưởng đến rừng đặc dụng.
Sau sự cố trên, nạn khai thác vàng im ắng được một thời gian, nhưng từ năm 2020 trở lại đây, "vàng tặc" tiếp tục xuất hiện, dựng lán, đào hầm khai thác ở khu vực rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thuộc địa bàn H.Bá Thước.
Mới đây nhất, ngày 5.6, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm phát hiện điểm khai thác vàng trái phép mới hình thành, ở khu vực rừng Mường Mu (thuộc khoảnh 3, tiểu khu 53 (địa giới hành chính thôn Tân Phúc, xã Phú Lệ, H.Quan Hóa). Khu vực này cũng là rừng đặc dụng thuộc quản lý của Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Bước đầu các cơ quan chức năng nhận định điểm khai thác này hình thành từ tháng 5, "vàng tặc" đã đào hầm sâu khoảng 5 m, và 1 đường hầm ngang dài đến 26 m.
Dù UBND H.Bá Thước cùng các đơn vị liên quan nhiều lần tổ chức kiểm tra, phá dỡ các lán trại, bể nước của "vàng tặc", nhưng cách làm này chỉ như "muối bỏ bể", sau đó nạn khai thác vàng trái phép vẫn tiếp tục.
Rừng đặc dụng và khoáng sản quý của quốc gia vẫn đang bị xâm hại, bị đánh cắp dù có nhiều "lớp bảo vệ" từ chính quyền địa phương cho đến lực lượng kiểm lâm, ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên… Điều quan trọng để rừng đặc dụng, để tài nguyên không tiếp tục bị đánh cắp là ngăn chặn từ bước chân đầu tiên của những người có mục đích đào vàng bước vào đất rừng đặc dụng và tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở cũng như "tai mắt nhân dân".
Bình luận (0)