Vào những năm 1990, các huyện vùng cao ở Quảng Nam như: Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My…, được biết đến là "thánh địa" của những người đào vàng trái phép. Bao nhiêu người đến rồi đi; có người trúng vàng trở nên giàu có; có người gửi lại thân xác dưới các lớp đất đá sau những vụ sập hầm...
Những năm gần đây, hoạt động khai thác vàng đi vào quy củ hơn khi nhà nước giao cho các doanh nghiệp quản lý, khai thác, nhưng vẫn chưa thể chặn triệt để nạn khai thác vàng trái phép.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã lên phương án, kế hoạch chi tiết để đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong Vườn quốc gia Sông Thanh. Lực lượng chức năng dự kiến sẽ sử dụng khoảng 6 tấn thuốc nổ để phá hủy, đánh sập 75 hầm khai thác vàng trái phép tại đây, căn cứ vào chiều sâu, quy mô của các hầm. Vườn quốc gia Sông Thanh nằm trên địa bàn 12 xã thuộc 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, có tổng diện tích tự nhiên gần 77.000 ha. Việc đánh sập các hầm vàng này sẽ triển khai từ ngày 19 - 26.6 với quyết tâm “vĩnh viễn không cho làm hầm vàng trái phép ở đây”.
Hy vọng quyết tâm này sẽ được thực hiện đến cùng bởi sau khi doanh nghiệp khai thác mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh) tuyên bố phá sản, tỉnh Quảng Nam cũng bố trí ngân sách hàng tỉ đồng để đóng cửa mỏ vàng này, nhưng gần 4 năm qua đề án này vẫn chưa hoàn tất. Và rồi, từng ấy năm “vàng tặc” lại lén lút vào khai thác gây thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường...
Thực trạng nạn khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam tồn tại nhiều năm nay và đã có nhiều vụ tai nạn sập hầm dẫn đến tử vong, nhưng một số người vẫn liều mình để mong được đổi đời. Với một địa bàn rộng như Quảng Nam, “vàng tặc” lộng hành, hàng chục hầm vàng vẫn ngang nhiên tồn tại cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, quản lý địa bàn chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, bên cạnh việc tranh thủ nguồn tin từ người dân địa phương để cấp báo cho cơ quan chức năng khi có sự xuất hiện của “vàng tặc”, còn cần các biện pháp cứng rắn hơn mới ngăn được lòng tham, sự bất chấp của những người này.
Bình luận (0)