Con số này gần gấp đôi TP.Huế và hơn hẳn dân số của nhiều tỉnh tại Việt Nam như Quảng Trị, Đắk Nông... Do những hệ lụy dai dẳng của dịch Covid-19, nhất là khi Q.Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều cư dân địa phương là công nhân, người lao động đang phải “gồng mình” bước qua chặng đường khó khăn vì bị ngưng trệ công việc.
Thực hiện bài viết Công nhân, người lao động Q.Gò Vấp đối mặt cảnh “thắt lưng buộc bụng” lần hai (đăng trên Thanh Niên ngày 2.6), chúng tôi có dịp xuống khu trọ đường Phạm Văn Chiêu, gần khu vực hẻm 91 Phạm Văn Chiêu đang bị phong tỏa. Nép mình trong những gác trọ chật hẹp và ảm đạm vì giãn cách xã hội là những hoàn cảnh gia đình công nhân, người lao động tự do nghèo khó.
Đó là câu chuyện của một nữ công nhân ngành may bảo mình thôi “mơ tưởng” chuyện ăn sáng vì cả gia đình 4 người đã mất thu nhập của ngày hôm đó. Là câu chuyện người phụ nữ tuổi ngoài 60 phải ngưng công việc dọn dẹp ở một quán ăn và bà không dám mua thực phẩm tích trữ vì… không có tiền. Hay đó là câu chuyện người thân ở quê qua đời nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, một gia đình công nhân đã không thể về chịu tang… Câu chuyện của lao động nghèo xóm trọ còn là câu chuyện của nỗi đau đáu về quê hương khi họ “oằn mình” tiết kiệm gửi về quê cho gia đình.
Nhưng cũng tại xóm trọ, chúng tôi chứng kiến nhiều nghĩa cử cao đẹp. Đó là cảnh 12 giờ trưa, những chủ nhà trọ và các cơ quan, mặt trận đoàn thể của phường chạy đôn chạy đáo khắp nơi để mua thực phẩm như gạo, mì gói “tiếp tế” cho người trong khu phong tỏa hay cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khu trọ. Mọi người động viên nhau, khó khăn nào rồi cũng qua, quan trọng nhất vẫn là tinh thần lạc quan, tương thân tương ái và sự đồng cam cộng khổ để dìu nhau qua những ngày gian khó…
Bình luận (0)