'Chốt đơn' ô tô, bất động sản trên sóng livestream

20/05/2024 04:14 GMT+7

Câu chuyện hàng chục ngàn đơn hàng mua xe điện VF3 đến từ phương thức đặt hàng trực tuyến, kết hợp cùng 9 phiên livestream với 15 người có ảnh hưởng (KOL) phối hợp thực hiện đã khiến cho lĩnh vực thương mại điện tử nâng lên tầm cao mới.

Hàng vạn ô tô bán qua mạng

Ăn vội chén cơm buổi trưa, Thiên An, giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM, lên xe lao thẳng đến căn biệt thự trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho kịp giờ hẹn quay phim.

Các KOL livestream bán ô tô và chốt đơn “khủng”

Các KOL livestream bán ô tô và chốt đơn “khủng”

Chụp màn hình

Đến nơi, ê kíp quay phim đã chờ sẵn, chủ nhà ở xa cũng đã cử người đến mở cửa, Thiên An bước vào vị trí chính giữa màn hình, bắt đầu hướng dẫn và giới thiệu chi tiết căn biệt thự trị giá trên 100 tỉ đồng. Vốn xuất thân từ nhân viên ngân hàng, sau đó chuyển sang mua bán bất động sản, Thiên An cho biết xu hướng quảng cáo, giới thiệu trên mạng xã hội hiện nay đang có sự thay đổi.

"Khách hàng hiện nay chia thành nhiều phân khúc. Khách mua đầu tư có những nhóm cộng đồng kết nối với nhau từ chính nhân viên ngân hàng; khách săn hàng ngộp giá rẻ thì chủ yếu tìm kiếm thông tin cơ bản trên các website, Facebook, còn khách có lựa chọn cao hơn thì phải xem các kênh chia sẻ hình ảnh, video clip cụ thể, chi tiết qua các nền tảng YouTube, TikTok để đánh giá và đỡ mất thời gian tìm hiểu. Chính vì vậy, các công ty kinh doanh bất động sản hiện nay mỗi ngày đều sáng tạo, thay đổi nội dung phù hợp để quảng bá "hàng" của mình lan tỏa một cách hiệu quả nhất", Thiên An chia sẻ.

Nhưng phải đến khi tỉ phú Phạm Nhật Vượng đưa chiếc xe điện đang gây sốt khắp nơi VF3 "lên sóng" thì bán hàng trực tuyến, bán hàng qua mạng xã hội chính thức bước lên một tầm cao mới. Cụ thể, ngày 16.5 vừa qua, VinFast công bố đã có 27.649 đơn đăng ký mua xe VF3 chỉ sau 66 giờ mở nhận đặt cọc sớm. Với gần 28.000 đơn hàng được bán ra, ước tính VinFast có thể thu về 414,735 tỉ đồng tiền cọc. Đặc biệt, doanh số kỷ lục của VinFast VF3 đến từ sự đột phá trong phương thức bán hàng. Hơn 50% trong số 27.649 đơn đăng ký mua VF3 đến từ phương thức đặt hàng trực tuyến. Lần đầu tiên tại VN, ô tô VinFast được giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, VinID và 9 phiên livestream do 15 KOL phối hợp thực hiện.

Gây sốc với cú chốt đơn gần 100 chiếc xe điện VF3 trong buổi livestream đầu tiên, ViruSs, một KOL nổi tiếng trong lĩnh vực livestream, đã thốt lên đây là thành tích khủng trong lần đầu tiên bán xe qua sóng livestream.

Khởi đầu sự nghiệp với tư cách là streamer trong các trò chơi điện tử, ViruSs, tên thật là Đặng Tiến Hoàng, là một nam YouTuber, streamer, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, nhanh chóng lấn sân sang lĩnh vực khác và hiện được coi là chuyên gia về thương mại mạng xã hội và livestreaming. Tuy nhiên, chưa bao giờ ViruSs livestream để bán ô tô nên trong "lần đầu tiên làm chuyện ấy", ViruSs cho biết chỉ "bán vì đam mê" để trợ giá cho những người mua xe VF3 của mình với mong muốn "lấy vía". Ước tính, với 98 chiếc VinFast VF3 mà ViruSs đã bán ra thì số cọc thu về trong lần livestream này lên đến 1,47 tỉ đồng. Còn về doanh thu của lần livestream này ít nhất là 31,85 tỉ đồng khi tất cả khách mua hàng chọn phiên bản VinFast VF3 thấp nhất trên thị trường là 235 triệu đồng/xe (chưa bao gồm pin). Còn nếu có nhiều khách mua hàng chọn phiên bản mua pin 315 triệu đồng/xe thì con số có thể cao hơn rất nhiều.

Trước khi VinFast gây sốc với chiến dịch bán hàng trực tuyến rầm rộ, hình thức bán hàng qua mạng xã hội đã được nhiều cá nhân, doanh nghiệp triển khai thực hiện. Tuy nhiên, họ mới chỉ dừng ở việc đăng tải video review, clip giới thiệu chứ chưa ai dám táo bạo như vậy.

Trả lời Thanh Niên, đại diện truyền thông của sàn giao dịch xe ChoTot cũng thừa nhận: "Hình thức livestream bán hàng ngày càng phổ biến. Trước đây người dân thường mua hàng online với các mặt hàng thực phẩm, quần áo, nhưng dần dần các mặt hàng có giá trị cao như nhà đất, ô tô cũng được bán trực tiếp, nên sắp tới ChoTot cũng sẽ triển khai hình thức livestream để review xe trực tiếp nhằm tiếp cận khách hàng nhanh nhất".

Theo ghi nhận của Thanh Niên, hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook, hình thức livestream bán hàng chiếm sóng ở tất cả các lĩnh vực từ kinh doanh mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chế biến, hải sản tươi sống, đến cây kiểng, cây giống, thậm chí là bất động sản.

Chính quyền cũng livestream

Mùa vải năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã tiên phong mời gọi hàng chục TikToker, những nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội tập trung về vùng trồng vải để hỗ trợ nông dân livestream bán hàng tại chỗ. Năm nay, đến lượt tỉnh Quảng Ninh cũng lên kế hoạch để livestream bán hàng vụ vải thu hoạch sớm. Cụ thể, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh cho biết sẽ tổ chức phiên phát trực tiếp bán vải chín sớm tại Fanpage Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh từ ngày 23 - 26.5. Đây là lần đầu tiên đơn vị này tổ chức livestream bán hàng, địa điểm livestream là tại các vườn vải chín sớm tại TP.Uông Bí. Ước tính khoảng 1.800 tấn vải chín sớm sẽ được bán qua hình thức livestream, kéo dài từ trung tuần tháng 5 cho đến đầu tháng 6, trước khi vải thiều bắt đầu vào vụ.

Tại TP.HCM, trước thực tế hình thức bán hàng qua mạng ngày càng lấn lướt chợ truyền thống, đại diện Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP.HCM) cho biết Sở đang phối hợp với Sở TT-TT ban hành kế hoạch liên tịch tổ chức tập huấn và thí điểm mô hình bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống trên địa bàn. Cụ thể, chương trình sẽ cung cấp giải pháp cụ thể để hỗ trợ thương nhân tiếp cận, thích nghi với phương thức tiếp thị, bán hàng, phục vụ khách hàng… qua các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội...

Còn tại Đà Nẵng, Hiệp hội Thương mại điện tử VN cũng đã phối hợp với Công ty Quản lý và Phát triển chợ Đà Nẵng cùng các trường đại học trên địa bàn tổ chức tập huấn kinh doanh trên môi trường số và kiến thức livestream cho các tiểu thương chợ truyền thống, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ…

Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng, khẳng định: "Việc mua bán hàng hóa thông qua livestream đang phát triển nhanh chóng, trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và bán hàng hóa mà không phải tốn nhiều chi phí, nhân lực. Để giúp tiểu thương thích ứng với bối cảnh mới, chúng tôi đang hỗ trợ để cung cấp các kiến thức, kinh nghiệm về quy định, cơ chế và chính sách bán hàng, các kỹ năng liên quan thương mại điện tử nhằm chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng hàng hóa và hoạt động logistics ở chợ truyền thống. Các mô hình ứng dụng thương mại điện tử tại các chợ truyền thống trên thế giới cũng được giới thiệu, góp phần đối chiếu và khắc phục thực trạng sức mua suy giảm của chợ truyền thống tại TP.Đà Nẵng cũng như toàn quốc thời gian qua".

Dự kiến, tháng 6.2024 tới đây, các đơn vị sẽ phối hợp tổ chức lễ phát động và thực hiện trình diễn livestream (tiếp nhận đơn hàng, đóng gói tại chỗ và giao hàng); tổ chức quầy giải pháp dịch vụ logistics, trong đó có phân khu đóng gói và khu chờ phát hàng tại chợ Cồn, TP.Đà Nẵng. 

Để làm livestream bán hàng, các doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả các thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý. Trong khi đó khả năng tiếp cận khách hàng của livestream bán hàng vượt trội so với tất cả các phương thức bán hàng truyền thống. Các báo cáo cho thấy trang livestream TikTok thấp nhất cũng tiếp cận được đến hơn 250 người. Cũng không cần phải thuê người nổi tiếng, quá đắt đỏ mà không hiệu quả. Chính nhân viên công ty đứng bán hàng mới hiệu quả. Đó là cách marketing 0 đồng, nhưng hiệu quả nhất hiện nay.

ViruSs - Đặng Tiến Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.