Chợt ngang qua bầu trời - Truyện ngắn của Tuệ An

30/11/2014 03:15 GMT+7

Bây giờ thì thằng bé nhà tôi đã mười một tuổi, khỏe mạnh và ngoan.

 
Minh họa: Văn Nguyễn

Tôi ghi lại câu chuyện này, trước hết là cho con tôi, để nó biết về cuộc đời của cha mẹ và cuộc đời của chính nó bây giờ là từ đâu ra.

Còn nếu bạn đọc và thông cảm cho nhân vật tôi nhắc đến, thì tôi sẽ còn thấy nhẹ lòng hơn. Vì, dù tôi vô học, nhưng tôi luôn mong mình và vợ con, và những người từng được hưởng phước của anh ấy, sẽ không trở thành những kẻ vô ơn.

Tôi không cha, không mẹ, từ bé cứ bụi bờ vỉa hè. Nhưng tôi cũng không thấy có vấn đề gì lắm. Vì trời cho tôi khỏe mạnh và nhanh nhẹn, thiếu cái gì thì tôi ăn xin hoặc ăn cắp. Đồng bọn tôi đứa nào chẳng vậy. Trẻ đường phố mấy khi than vãn, và chừng nào cũng có thể là đủ. Một hay hai nắm cơm hay bao nhiêu nắm cơm thì cũng là bữa ăn trong ngày. Làm sao để dành được đến mai?

Không phải vì dạ dày của mỗi chúng tôi không có đáy, mà vì nếu không ăn kịp thì sẽ bị cướp mất. Đâu chỉ cơm, tiền cũng thế. Vậy nên chỉ nghĩ chuyện của một ngày. 

Nhưng rồi cả cái lũ vui vẻ tự do ấy một ngày kia bỗng được hốt vào nhà tình thương. Chúng tôi bắt đầu tập lối sống sạch sẽ quy củ hơn.

Chúng tôi được ăn đúng bữa, được học chữ, và được dạy để từ bỏ lối sống trộm cắp. Đứa nào cũng dạ rân. Nhưng dạ chỉ để mà dạ, chứ nhà tình thương cũng rất thiếu thốn, nên phải tìm cách làm cho đủ.

Vào những dịp có khách đến thăm, chúng tôi canh những người sơ hở để móc túi. Cả lũ thế là được một bữa no và vui. Không đứa nào giấu tiền riêng, vì sẽ bị cả băng đánh sống dở chết dở để trừng phạt.

Lang thang bán báo, bán vé số vài năm, rồi tôi được thuê đứng bán cà phê nơi hẻm gần trường học. Lúc đó tôi đã chín tuổi. Bà chủ quán cà phê vỉa hè thấy mặt tôi động lòng thương sao đó, bèn xin thầy quản lý nhà tình thương cho nhận tôi về làm con nuôi. Được có mẹ tôi thấy cũng hay, cho dù bà sai tôi chạy chân không bén đất suốt từ sáng đến tối.

Việc đầu tiên mà mẹ nuôi làm cho tôi là bà không gọi tôi là bằng cái tên Luồn nữa (tên mà bọn đường phố gọi, bởi khả năng chui luồn cực đỉnh của tôi) mà đổi lại là Nhường. Mẹ nuôi bảo, khiêm nhường là thành phần của đức hạnh, còn luồn cúi thì có gì hay. Tôi thì thấy chẳng khác nhau mấy, vì tên gì thì cũng không thể trèo lên đầu thiên hạ mà ngồi. 

Việc cuối cùng mẹ nuôi dành cho tôi, là sau khi bà chết, tôi được thừa hưởng cái quầy cà phê vỉa hè. Từ đó tôi có nghề và được làm chủ. Tôi trở thành chủ cái cà phê vỉa hè ấy từ lúc mẹ nuôi chết, đến nay, khi con tôi mười một tuổi, là đã hai chục năm.

Quán cà phê gần trường học cấp 2, trong lòng hẻm cụt, phía ngoài hẻm là đường lớn, được gọi là đường tranh. Tất tần tật các thể loại tranh từ sang đến sến, từ xịn đến dỏm, từ đắt đến rẻ… đều có thể tìm thấy ở đây.

Vì thế, khách hàng cà phê của tôi chủ yếu là bọn vẽ vời, còn lại là thầy cô giáo sai học trò đi mua.

Khi tôi đang tuổi mười tám, một hôm, lúc đang lúi húi cho bột cà phê vào cái phin lớn thì hắn bước vào:

- Cho một đen đá, thím.

Tôi lầm lũi pha rồi bưng ra cho khách. Hắn ngồi uống và hí hoáy ký họa trên cái tập giấy lem nhem mang theo. Chừng tàn chiều thì hắn đứng dậy trả tiền. Tôi cầm tiền, hắn bước đi, như bao khách hàng khác.

Nhưng đến lần thứ năm, khi hắn tới quán và vẫn gọi tôi bằng cái kiểu gọi ngứa tai ấy:

- Cho một đen đá, thím.

Thì tôi cực kỳ khó chịu. Tôi đường đường là một thằng đàn ông, sao hắn dám gọi tôi xách mé như thế. Tôi bước đến khi hắn đang cắm cúi vẽ, hắt cả ly cà phê vào mặt hắn.

- Tao không phải thím à nha! - Tôi hét lớn, chuẩn bị đả nhau với hắn một trận sống chết. 

Nào ngờ hắn chỉ nhẹ nhàng xếp mớ giấy vẽ, mấy cây chì và đủ thứ tùm lum vừa bày ra bàn vào cái xắc cói, đứng lên, nhún vai, cười cười, mặt hiền khô:

- Đùa chút mà.

Rồi hắn bỏ đi, nhẹ bẫng. Tôi chẳng có lý do gì để đòi tiền ly cà phê, càng chẳng có lý do để đánh nhau với hắn. Sau này tôi mới hiểu tại sao hắn cư xử như thế, dù với tôi hay với tất cả những kẻ cố tình gây sự cùng hắn.

Tôi cứ nghĩ hắn sẽ không bao giờ trở lại quán cà phê vỉa hè này nữa. Nào ngờ sáng hôm sau hắn lại mò đến. Hắn ngồi im re, nhìn lên đưa tay ngoắc ngoắc để thay việc gọi tôi là “thím” như hôm trước. Hắn hỏi:

- Tên gì?

- Nhường - Tôi đáp.

- Bao tuổi?

- Mười tám.

- Ờ, vậy thua tuổi tao.

Mày thích gọi tao bằng anh hay mày tao?

- Thua nhiêu? - Tôi hỏi.

- Hai - Hắn đáp.

- Vậy mày tao mẹ nó rồi - Tôi cười. Tự dưng thấy vui nên cười, chứ chẳng phải để lấy lòng khách.

- Cái quán mày đẹp thật đó - Hắn khen.

- Vỉa hè có gì mà đẹp -

Tôi ngượng.

- Không, cái chỗ tao ngồi rất thích - Hắn soạn mọi thứ lên bàn. Mắt hắn có tí lơ mơ nhìn lên tầng cao, tán cây, và một khoảng trời mờ mờ buổi sáng.

Đến đoạn đó thì có khách gọi, tôi lại chạy đi.

Ngày nào cũng như ngày nào, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, hắn luôn đến đây vào buổi sáng và gọi:

- Cho một đen đá, Nhường.

Riết rồi quen, hắn không cần gọi, tôi tự bưng đen đá ra. Hắn ngồi cà phê và hí hoáy gì không rõ, từ sáu giờ sáng đến tám rưỡi sáng mỗi ngày. Hắn lầm lũi và khó bắt chuyện. Vậy nhưng hắn quan sát nét mặt tất thảy bọn người vào ra cà phê, có khi kỹ càng trơ trẽn, có khi chỉ bằng cái liếc mắt nửa vời.

Có bữa hắn hỏi tôi:

- Sao mặt mày buồn thiu?

Tôi ngạc nhiên, hỏi lại:

- Ủa, biết hả?

- Biết gì?

- Biết tao buồn!  

- Ờ - Hắn gục gặc, rồi đi đến chỗ ngồi quen cũ, lôi tập giấy ra hí hoáy.

Hôm đó hắn ở lại lâu hơn. Nắng cao cao tí, khách vắng hết. Còn mỗi hắn. Tôi đang ngao ngán việc dọn hàng. Tôi buồn, và chỉ mỗi hắn nhận ra. Tôi lại ngồi nói chuyện với hắn. Tôi tự kể lể dù hắn không tra hỏi.

- Tao thích con Tân đầu phố.

- Con nào? - Hắn ngước lên, nét môi khe khẽ cười.

- Con Tân, bán thịt heo ấy.

- Ừ. Thì sao? 

- Không sao cả - Tôi tần ngần, rồi dọn dẹp hàng quán.

Bữa khác, lại như thế, tôi lại chạy tới chỗ hắn ngồi mà kể lể. Chỉ vì hắn là người duy nhất nhận ra tôi buồn, và hắn là người cuối cùng ngồi đó khi tôi dọn hàng.

- Tao thích con Tân đầu phố - Tôi hít thở sâu, liếm môi, căng thẳng.

- Ờ - Hắn kiểu như không quan tâm.

- Bà Ba Béo bán rau cạnh hàng nó bảo tao côn đồ - Tôi thú nhận.

Hắn chẳng nói gì. Tôi tiếp:

- Ông Hùng xích lô thì nói là tao không cha không mẹ.

Hắn cũng chẳng nói gì.

- Mấy người đi mua thịt kể tao thế này thế kia.

Lúc ấy hắn mới hỏi:

- Thế em Tân bảo sao?

- Chả bảo gì - Tôi thở dài.

Hắn cười:

- Mày tin tao đi. Mấy chuyện kia chả quan trọng. Em mà không chịu thì đã chối thẳng rồi. Gái chợ mà.

Tôi ậm ừ. Hắn lầm bầm:

- Ông già tao hay bảo chẳng thể nào tới đích nếu cứ dừng lại ném đá vào mấy con chó trên đường chỉ vì tiếng sủa của chúng.

Ờ há! Tôi thấy chí lý quá. Và tôi hiểu ra cách cư xử ôn hòa dường như chẳng quan tâm điều gì của hắn. Mẹ nuôi thì hay dạy tôi khiêm nhường, chịu nhịn. Còn ông già hắn dạy con kiểu khác. Không luồn, không nhường. Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi.

Tôi nhờ hắn vẽ chân dung con Tân. Hắn bảo hắn không thích vẽ tranh để cua gái. Thế thì chán bỏ mẹ. Nghệ thuật vị nghệ thuật chứ nghệ thuật vì gái thì vứt.

Nhưng một bữa, hắn đem bức tranh con Tân đến cho tôi. Hắn bảo tao vẽ vì khắc ấy đi ngang qua hàng thịt thấy đẹp thật, không quên được.

Chả phải chân dung dịu dàng tươi cười kiểu những bức hình con Tân đi chụp ở ảnh viện. Hắn vẽ con Tân đang bặm môi, chau trán, tay cầm dao lia trên thớ thịt. Bức tranh đẹp thật. Nắng rót trên bầu má hồng hồng, cái trán hơi nhăn dằn dỗi, cái vẻ say sưa với công việc pha thịt ra từng miếng. Tôi thích bức ấy lắm, thấy đẹp, nhưng không dám đem tặng Tân.

Đàn bà chỉ muốn phô diễn cái đẹp khuôn mẫu hàng mã nào đó chứ ít ai muốn phô cái tự nhiên bản chất. Còn đàn ông vì mê cái tự nhiên bản chất đó mà phải cố gật gù tỏ ra thích cái đồ hàng mã kia. 

Không tặng con Tân chân dung, nhưng nhờ lời khuyên không quan tâm đến tiếng sủa trên đường của hắn mà tôi dạn hơn. Đánh nhau với năm sáu thằng một lúc tôi còn cảm giác vững lòng hơn trước đứa con gái mình thích. Hắn bảo thích là phải nhích. Con gái hơ hớ mày không tới thì thằng khác tới, mất ăn ráng chịu.

Tôi chuyện trò nhiều hơn, ghé mua thịt thường xuyên hơn… Bữa cơm của tôi được cải thiện, hắn cũng có bữa được hưởng lây. Đúng như hắn nói, con Tân chẳng chút e ngại chuyện tôi là dân bụi đời. Nó còn có vẻ khoái, bảo em mê các nhơn vật giang hồ hảo hớn từ bé, ước ao mãi, giờ gặp mặt, phải lòng anh đúng rồi.

Tôi kể cho hắn. Hắn phá lên cười. Bảo lần đầu tiên trong đời tao thấy biết ơn tiểu thuyết ba xu. Nhờ thế mày cua được gái.

Cuối năm đó, tôi với con Tân cưới nhau. Về ở cái nhà nho nhỏ của con Tân. Nhà nó nghèo, nhưng dù sao cũng hơn tôi chả có gì. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, đứa bán thịt, đứa bán cà phê.

Hai năm sau thì có thằng cu. Thằng cu lớn từng ngày, tập ngồi, tập đi... Cái tình bạn nhiều năm ròng rã giữa tôi và hắn giờ cộng thêm thằng cu nữa. Hắn có vẻ khoái thằng cu còn hơn khoái tôi. Đối với hắn có lẽ tôi chỉ là thằng bán cà phê vỉa hè, hắn là khách, thế thôi, không hơn. Còn thằng cu hắn mê như điếu đổ. Hắn vẽ mọi hoạt động của thằng cu rồi đem ký họa về xưởng vẽ lại. Hắn bảo đời không có bọn oắt này với mấy lão sắp chết như ông già của hắn, không có cà phê, không được vẽ... thì vô nghĩa lắm.

Tôi thấy hắn thích trẻ con, trọng gia đình vậy, hắn vừa đẹp trai, vừa có tài, vậy mà… Đến tôi còn kiếm được vợ nữa là hắn. Tôi muốn hỏi nhưng ngại. Thôi kệ, nhiều chuyện có khi lại bị hắn ghét không chừng.

Một ngày... hai ngày... nhiều ngày hắn không ghé. Thằng bé con hỏi hoài, tôi không biết trả lời sao.

Rồi hắn cũng trở lại, người xơ rơ như hồn ma. Tôi hỏi bệnh à? Hắn chẳng đáp, ngồi gác chân lên chiếc ghế cạnh bên. Một chốc, một gã đến, cũng nửa người nửa ngợm gầy xơ như hắn. Nhưng gã này mặt đanh cứng, vô cảm. Khi nói, môi dưới gã hơi trề ra run run. Nhìn dáng gã lờ đờ nhưng mắt thì láo liên, rất nhanh. Gã làm nghề buôn tranh.

Tôi nghe gã nài nỉ hắn bán, còn hắn thì chửi thề với gã. Biến đi. Đừng để tao thấy mặt mày. Tao không mua bán gì sất. Hắn đuổi gã đi. Hiếm khi tôi thấy hắn cư xử với ai lỗ mãng thế. Tôi vờ ngu, chả thấy gì. Hắn là khách, tôi là thằng bán cà phê, dù tình bạn cũng đã bao năm trời.

Hắn lại ngày ngày đến cà phê buổi sáng.

Rồi tự dưng mình thằng bé con nhà tôi cứ có những vết bầm thâm như bị ai đấm. Nghĩ chắc bọn trẻ nghịch ngợm, nên tôi cũng không để tâm. Nhưng rồi sức khỏe nó cứ tụt dần, hay sốt, hay đi ngoài, người tiếp tục xuất hiện những vệt bầm trên da... Đến lúc ấy vợ chồng tôi mới đem con đi khám. Ung thư máu. Trời ơi!...

Tôi bật khóc. Tôi không nhớ lần khóc đầu tiên trong đời nên tôi cảm giác đó là tiếng khóc duy nhất tôi đã bật ra trong cõi sống khốn cùng. Ung thư như cái án tử hình treo trên đầu con tôi.

Sáng dọn cà phê, đứng bán kiếm tiền, xác tôi đó, hồn trong bệnh viện. Vợ tôi đóng sạp, bỏ bán. Hắn đến, hỏi. Tôi kể bệnh tình thằng bé. Tôi cũng kể tiền trong nhà không còn, nên chắc phải đưa thằng bé về. Bệnh ấy ngốn tiền lắm, mà chưa chắc sống được. Hắn bảo, chưa đổ tiền sao biết. Nhưng không có tiền sao đổ được? Thì tao cho mượn.

Tôi nhìn hắn, bộ dạng hắn chả vẻ gì có tiền. Hắn gọi điện cho gã mặt rắn đanh buôn tranh hôm trước đến. Bảo tao ô kê, kêu người qua lấy tranh đi.

Tôi bất ngờ vì số tiền bán tranh, nhất là những tranh hắn bảo chép của người khác thì lại càng được giá. Hắn chép như thần, nhìn vào không phân biệt được thật giả.

Đằng đẵng cuộc chiến giành giật mạng sống con tôi với bệnh ung thư hơn nửa năm trong bệnh viện. Cũng may là phát hiện sớm. Tám tháng sau thằng bé xuất viện, mỗi tháng tái khám và tiêm thuốc một lần, theo dõi liên tục ba năm, qua được quãng đó là thoát.

Vợ chồng nhìn nhau mừng chảy nước mắt, nhìn lại số tiền nợ hắn từ ngày đầu mà thấy nóng lạnh. Có làm việc cả đời cũng không sao trả được.

Chưa kịp nghĩ cách để trả nợ thì không thấy hắn đến nữa. Một hôm, hai hôm,… một tháng, hai tháng… Nửa năm sau, vợ chồng tôi ngơ ngác nhìn nhau.

Tôi đi tìm hắn. Đến xưởng tranh, người ta cho địa chỉ nhà hắn. Nhà hắn vẫn còn ông già đang sống, nhưng hắn thì đã chết vì sốc thuốc.

 Hắn là một họa sĩ tài hoa và cũng là một con nghiện. Ông già bảo hắn không chơi ma túy, nhưng do một căn bệnh trong người mà y học bó tay. Những đau đớn phải chịu đựng mỗi ngày của hắn chỉ có thể giảm bớt khi được dùng morphin.

Tôi nhớ ra hắn chưa hề viết bất cứ giấy nợ nào cho vợ chồng tôi.

Tôi hỏi ông già, hắn có dặn dò gì về chuyện cho tôi mượn tiền chữa bệnh cho con không. Ông già bảo, hắn chết rồi, tính hắn tao biết, việc thi ân như đôi dép vứt bỏ. Đừng bận tâm.

Trời ơi, số tiền đó, một đời tôi bán cà phê không trả nổi, đừng bận tâm sao được...

Nhưng hắn chết rồi.

Sau đó, vài bức tranh chép của hắn bị phát hiện, người ta chửi hắn là tên đạo chích nghệ thuật đã thành thần, chép không để lộ ra một sơ suất.

Sự phát hiện ấy chỉ do tình cờ. Nhưng người ta bắt đầu rà soát lại tất cả những bức tranh của hắn, như một vụ án hy hữu.

Người bị lừa cay đắng nguyền rủa mà không thể làm gì được, vì hắn đã chết rồi.

Còn con tôi đang sống. Con tôi đã giữ được mạng sống nhờ tiền từ những bức tranh của hắn.

Tôi viết lại những trang này, trước hết cho con tôi đọc. Và để trả nợ, để thanh minh cho hắn.

Bạn ơi, có lẽ hắn chỉ chép để chơi, không phải để bán. Nhưng khi biết tôi đang cần một món tiền lớn cho con mình...

Thôi thì nhục vinh gì cũng đã xong một cuộc đời. Lúc sống, ai nói gì hắn còn chả quan tâm.

Huống gì khi hắn đã chết rồi...

T.A

>> Tuyết trà - Truyện ngắn của Tuệ An
>> Hủy diệt - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền
>> Tom Hanks xuất bản tuyển tập truyện ngắn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.