“Ai ăn chè đậu xanh, bún tàu, nước dừa hôn”, “Bánh cam đây...”, “Ai ăn chè đậu đen nước dừa đường cát hôn?”..., những tiếng rao mộc mạc, thân thương ấy có lẽ ai ở Sài Gòn cũng đã từng hơn một lần nghe thấy cả.
Tôi cũng vậy, hơn chục năm trọ sống ở Sài Gòn, đã được nghe không biết bao tiếng rao như thế.
Với tôi, những tiếng rao như là thanh âm báo hiệu thời gian vậy. Vì chỉ cần nghe tiếng rao thôi, thì chẳng cần xem đồng hồ thì cũng đủ biết lúc ấy là mấy giờ.
Ngày còn sinh viên, đang ngủ nướng mà chỉ thoáng nghe: “Ai bánh bao nóng nào... Bánh bao nóng đây”, “Bánh mì nóng đây”, “Xôi nóng bánh khúc đê, xôi nóng bánh khúc nào...” là choàng tỉnh giấc vì biết trời đã sáng, chuẩn bị đến giảng đường...
Còn đâu đó vọng tiếng rao: “Tàu hũ đây... Tàu hũ nóng đây...”, “Ai ăn chè đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh nước dừa hôn”... là tôi biết đã 11 giờ, sắp sửa được ăn trưa.
Rồi khi những tiếng rao: “Trứng gà nướng, vịt lộn, cút lộn, bắp xào đây”, “Ai bánh chưng, bánh giò, bánh chưng, bánh giò nóng đây...”, “Bắp luộc, khoai lang luộc nóng đây...” vang lên trong đêm tối tĩnh mịch là đủ biết đồng hồ sắp điểm 10 giờ tối.
Sau hàng trăm lần nghe những tiếng rao văng vẳng làm xiêu lòng người ấy, tôi nhận ra những tiếng rao như một phần hồn cốt làm nên một nét văn hóa rất riêng của Sài Gòn. Đó như là một nét đẹp của người lao động bình dân ở thành phố này.
Những tiếng rao chất chứa cả những phận đời ở tứ xứ, mưu sinh nơi đất khách quê người. Có những tiếng rao gấp gáp, tất bật, vội vã. Có những tiếng rao tròn trịa, thảnh thơi. Lại có những tiếng rao nghèn nghẹn nơi cổ họng... Nhưng dù tiếng rao nào đi chăng nữa, thì cũng đủ làm người nghe mường tượng ra những phận đời đang xa quê. Họ đang mưu sinh ở thành phố sầm uất này, đang cố gắng bán được thật nhiều xôi, nhiều bắp, nhiều tàu hũ... từ những tiếng rao của mình.
Nhưng rồi năm tháng dần trôi qua, những tiếng rao dung dị, thân thương; những tiếng rao có chút mộc mạc, có chút vụng về làm xiêu lòng người một thuở... hình như cứ xa vắng dần.
Vẫn còn đó những tiếng rao, nhưng chẳng còn ngọt ngào và hấp dẫn nữa. Thay vào đó là những âm thanh tự động phát ra từ những chiếc loa máy, chẳng còn hay. Nghe mà cứ “thấy sao sao”, cứ cụt lủn, thô thô, chẳng thích. Lắm lúc những âm thanh ấy còn khiến người nghe có cảm giác chói tai, khó chịu vô cùng.
Ngay cả tiếng rao của chú bán bánh mì mà tôi đã quen, và tôi là “mối”, là “khách hàng thân thiết” của chú từ gần chục năm trước cũng thấy là lạ. “Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon, 2 ngàn 1 ổ” được phát ra tự động từ cái loa gắn phía sau xe chẳng còn hấp dẫn, mê hoặc nữa.
Có những khi sáng sớm, có những buổi trưa nắng, có cả những đêm khuya, tôi chạy xe rảo khắp các nẻo đường. Tôi dáo dác kiếm tìm và cố gắng lắng nghe âm thanh thành phố, với hy vọng đâu đó vang lên những tiếng rao bình dị, có chút vụng về, nhưng không có. Những tiếng rao thân thuộc làm nao lòng người trở thành miền ký ức xa vời.
Trong mớ âm thanh hỗn độn, xô bồ của Sài Gòn hiện tại, tự nhiên tôi luyến nhớ và chợt thèm nghe lại những tiếng rao thân thương...
Bình luận (0)