Chủ biên môn ngữ văn 'không ngủ được' khi đọc một đề văn lớp 7

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/05/2023 18:30 GMT+7

Mới đây, mạng xã hội xôn xao về đề thi môn ngữ văn lớp 7 năm học 2022 - 2023 của Phòng GD-ĐT H.Cẩm Khê (Phú Thọ). PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chia sẻ đọc đề thi này ông "không ngủ được...".

Đề thi môn ngữ văn lớp 7 năm học 2022 - 2023 của Phòng GD-ĐT H.Cẩm Khê (Phú Thọ) khiến dư luận xôn xao có 2 câu hỏi. Cụ thể, câu 1 (8 điểm): Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: "Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có". Trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ trên.

Câu 2 (12 điểm): Bàn về thơ, Đuy-blây viết: "Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim". Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Chủ biên môn ngữ văn 'không ngủ được' khi đọc một đề văn lớp 7   - Ảnh 1.

Đề thi môn ngữ văn lớp 7 năm học 2022 - 2023 của Phòng GD-ĐT H.Cẩm Khê (Phú Thọ) khiến dư luận xôn xao

CHỤP MÀN HÌNH

Giải thích với báo chí, ông Bùi Ngọc Luận, Trưởng phòng GD-ĐT H.Cẩm Khê, cho biết đề thi ngữ văn lớp 7 đang lan truyền trên mạng do phòng GD-ĐT xây dựng và áp dụng trong kỳ thi học sinh năng khiếu cấp huyện năm học 2022 - 2023.

Sau khi có phản ánh, Phòng GD-ĐT H.Cẩm Khê đã đề nghị thầy cô trong tổ ra đề kiểm tra, thẩm định lại nội dung và các ý kiến đều đánh giá đề thi nói trên không sai, phù hợp để đánh giá học sinh trong kỳ thi này.

Kết quả, trong gần 100 em dự thi học sinh năng khiếu thì 7 em đạt từ 14/20 điểm trở lên, cao nhất là 14,5 điểm và thấp nhất là 6,5 điểm. Hơn 50% học sinh tham gia làm bài đều đạt điểm trung bình trở lên.

Tuy nhiên, ông Luận cho biết, Phòng GD-ĐT Cẩm Khê sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của dư luận, họp nghiên cứu để có phương án điều chỉnh những vấn đề còn chưa tốt.

PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chia sẻ sau khi đọc đề thi trên, ông "không ngủ được cả đêm, không hiểu được vì sao họ lại ra đề ngữ văn cho học sinh lớp 7 như thế, dù là để chọn học sinh giỏi".

Ông Thống nêu ý kiến: "Nếu cháu tôi dự thi, phải làm đề thi ấy, rồi chẳng may lại được công nhận là học sinh giỏi có năng khiếu cấp huyện... thì tôi sẽ rất buồn. Bởi vì, nếu thế thì cháu tôi chỉ có thể là đứa tâm thần hoặc chỉ học gạo, thuộc lòng những gì cô giáo dạy và chép lại mà thôi.

Đề thi nêu trên về cấu trúc và mô hình, nội dung và yêu cầu đều giống như đề thi học sinh giỏi quốc gia, môn ngữ văn dành cho lớp 12 hàng chục năm qua. Tôi chưa bàn đến những câu chữ lặp lại, chỉ riêng yêu cầu của đề đã không đúng. Cụ thể, để làm sáng tỏ câu: "Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim" thì lấy một tác phẩm thơ làm sao làm sáng tỏ được? Vì "những trái tim" là chỉ rất nhiều nhà thơ; và như thế phải lấy rất nhiều bài thơ của nhiều tác giả khác nhau thì mới chứng minh được".

"Ngay cả nếu đề ấy ra cho lớp 12 thì cũng chỉ chọn được những học sinh có thể uyên bác về kiến thức, nhớ nhiều, thuộc nhiều, nặng về bình câu tán chữ... chứ không chọn được học sinh có năng lực đọc hiểu, cảm thụ văn học, kể cả năng lực viết...", ông Thống cho biết thêm.

"Không phải cứ thi học sinh giỏi thì ra đề thế nào cũng được"

Về ý kiến của đơn vị ra đề giải thích đây là đề thi dành cho học sinh năng khiếu, PGS Đỗ Ngọc Thống nêu quan điểm: "Cứ cho là học sinh giỏi phải giỏi hơn học sinh bình thường, thì với học sinh lớp 7, học theo chương trình và sách giáo khoa mới hay cũ cũng đều không thể làm được đề văn như thế. Cần khẳng định học sinh giỏi dù khác với học sinh bình thường thì vẫn là học sinh phổ thông, các em vẫn phải có những kỹ năng cơ bản mà môn học trang bị.

Chủ biên môn ngữ văn 'không ngủ được' khi đọc một đề văn lớp 7   - Ảnh 2.

PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018

FBNV

Với tư cách là chủ biên môn ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, PGS Đỗ Ngọc Thống phân tích sâu hơn: Chương trình 2018 chỉ yêu cầu các em đọc hiểu, viết và nói, nghe những mức độ rất vừa phải.

Ví dụ, về đọc, học sinh đọc hiểu các văn bản: tục ngữ, truyện ngụ ngôn, truyện khoa học viễn tưởng, truyện nói chung, thơ trữ tình, tùy bút, tản văn. Về viết, yêu cầu gồm: "biết viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ bốn, năm chữ; bước đầu biết viết bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống và bài phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học; bước đầu biết viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong trò chơi hay hoạt động; viết được văn bản tường trình rõ ràng, đầy đủ, đúng quy cách".

Từ phân tích đó, ông Thống cho rằng: "Đề văn nêu trên vượt ra toàn bộ các yêu cầu của Chương trình 2018. Dù có ra đề cho học sinh giỏi thì vẫn phải căn cứ vào các yêu cầu nêu trên của chương trình để đề xuất cho phù hợp.

Học sinh giỏi trước hết phải có năng lực như một học sinh bình thường; đương nhiên phải hơn học sinh bình thường. Nhưng thế nào là hơn, là khác học sinh bình thường?".

Theo ông Thống, đó là: "Hơn ở trình độ, năng lực đọc hiểu: đọc nhanh, hiểu nhanh và hiểu đúng, hiểu chính xác một văn bản ngữ liệu mới nhưng tương tự các văn bản đã học trong chương trình và sách giáo khoa lớp 7 (đề tài, thể loại và kiểu văn bản...). Hơn ở kỹ năng viết: nội dung viết đúng yêu cầu của đề, ý đầy đủ, chính xác và có ý sáng tạo; viết rõ ràng, mạch lạc, câu văn có hình ảnh, lời văn sinh động; trình bày đẹp, không sai chính tả, ngữ pháp...

Như thế vẫn là đề thi chung, bình thường cho tất cả mọi học sinh, chúng ta vẫn có thể chọn ra những học sinh giỏi của môn học ngữ văn; không nhất thiết phải ra một dạng đề với yêu cầu khác hẳn với đề thi bình thường, nếu có khác chăng vẫn là những yêu cầu cơ bản nhưng có độ khó cao hơn.

PGS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh: "Học sinh giỏi vẫn là một học sinh phổ thông, nhất là các lớp cấp thấp, các em cần được trang bị đầy đủ và toàn diện các kỹ năng cơ bản của môn học như mọi học sinh bình thường. Các yêu cầu cơ bản ấy như mức xà ngang để đánh giá năng lực của học sinh. Những em nào vượt lên trên mức xà ấy là học sinh giỏi… Học sinh giỏi không phải là những siêu nhân, có nhiều ý kiến kỳ lạ, khác người... trong khi những kỹ năng cơ bản của môn học thì vẫn mắc lỗi...".

Nhân cách ra đề môn ngữ văn của một đơn vị, Chủ biên môn ngữ văn bày tỏ mong muốn các thầy cô, các cơ sở giáo dục cần hiểu đúng yêu cầu kiểm tra, đánh giá học sinh, nhất là đề thi học sinh giỏi các lớp, các cấp. 

"Không phải cứ thi học sinh giỏi thì ra đề thế nào cũng được, không phải đề càng khó càng tốt; càng lạ càng hay...", PGS Đỗ Ngọc Thống lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.