Vì sao đề thi môn ngữ văn tại TP.HCM luôn gây 'xôn xao'?

Thạc sĩ Phan Thế Hoài
(Giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa, TP.HCM)
09/03/2023 06:05 GMT+7

Đề thi môn ngữ văn của TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hay kỳ thi học sinh giỏi cấp TP, luôn được dư luận đánh giá cao vì đề luôn gắn với thực tiễn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, khơi gợi nhiều cảm xúc cho các em khi làm bài.

Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp TP năm học 2022 - 2023. Riêng đề thi môn ngữ văn nhận được nhiều lời khen của giáo viên (GV) và học sinh (HS) bởi cách ra đề mới mẻ, độc đáo, khơi gợi sự hứng thú cho các em trong quá trình làm bài.

Thực tế cho thấy, 7 năm qua, ngành giáo dục TP.HCM luôn nỗ lực trong việc đổi mới ra đề thi môn ngữ văn, từ đề thi tuyển sinh lớp 10 cho đến đề thi Olympic lớp 10, 11 và đề thi HS giỏi... Đề thi môn ngữ văn ở TP.HCM không chỉ được GV của TP quan tâm mà ở các địa phương khác cũng bày tỏ sự thích thú.

Vì sao đề thi môn ngữ văn tại TP.HCM luôn gây 'xôn xao' ?  - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm 2023

THÀNH NAM

NGHỊ LUẬN XÃ HỘI GẦN GŨI, THIẾT THỰC, KHÔNG KHUÔN SÁO

Về nghị luận xã hội, vấn đề đặt ra nhiều năm qua luôn mang tính thời sự, phù hợp với tâm lý HS. Vấn đề thời sự được đưa vào môn ngữ văn phù hợp với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ. Cùng với đó, đề thi gần gũi, thiết thực, không khuôn ép vào một nội dung nào đã kích thích, phát huy được khả năng sáng tạo của từng HS.

Ví dụ, đề thi HS giỏi lớp 12 năm 2021 cho ngữ liệu là lời tâm sự của một bạn trẻ. Ngữ liệu có đoạn: "Tôi lớn lên trong một thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi mọi thứ, công nghệ hiện đại dần thay thế con người trong mọi lĩnh vực. Thực trạng ấy khiến con người mất niềm tin vào bản thân, nơm nớp nỗi lo "bị thay thế".

Tôi lớn lên trong một thời đại mà các giá trị sống, các quy chuẩn đạo đức, các quan niệm xã hội thay đổi, va chạm nhau đến nảy lửa. Những thay đổi và xung đột ấy khiến con người hoang mang, mất phương hướng".

Câu lệnh yêu cầu: Anh/chị có đồng ý với suy nghĩ của bạn trẻ trên? Hãy viết bài văn để đối thoại với bạn trẻ ấy.

Với đề thi này, miễn sao HS bàn luận hợp lý, có chính kiến, có góc nhìn riêng, không được vi phạm những chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, pháp luật là đạt yêu cầu.

Vì sao đề thi môn ngữ văn tại TP.HCM luôn gây 'xôn xao' ?  - Ảnh 2.

NGHỊ LUẬN VĂN HỌC: GIÀU NHÂN VĂN, KHÔNG HÀN LÂM

Còn câu nghị luận văn học luôn hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và cách đặt vấn đề giàu nhân văn. Điều đáng ghi nhận là, đề thi của TP.HCM không đề cập đến những phạm vi kiến thức mang tính hàn lâm của chuyên ngành lý luận văn học.

Ví dụ, đề thi năm 2021: "Theo anh/chị, trong thời đại nhiều thay đổi như hiện nay, tác phẩm văn chương có ý nghĩa nâng đỡ tâm hồn con người như thế nào? Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, anh/chị hãy viết bài văn trả lời cho câu hỏi trên".

Có thể nhận thấy, đề này không yêu cầu HS phải làm rõ nhận định qua một số tác phẩm bắt buộc, nghĩa là bằng trải nghiệm đọc của mình, các em được tự do lấy dẫn chứng yêu thích. Không cần nhiều kiến thức lý luận văn học cao siêu, HS vẫn có thể trả lời được, văn học như suối nguồn mát lành chảy vào tâm hồn, thanh lọc lòng người, xua tan những mệt mỏi, u uất, khổ đau và thù hận, tiếp thêm niềm tin để con người mạnh mẽ đối mặt với bão giông.

Và thêm vào đó, nếu có một số vấn đề của lý luận văn học như: nhà văn, tác phẩm, bạn đọc… thì luôn được làm mới khiến HS không bị nhàm chán. Chẳng hạn, câu nghị luận văn học của đề thi năm 2023 mà mấy ngày qua dư luận đang ngợi khen.

"Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng.

Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh "bông hồng vàng" của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ…". (Pautovsky)

Câu lệnh đặt vấn đề: Chủ đề Gọi đời vào trong chữ và ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa đời và chữ?

Nhìn chung, đề thi môn ngữ văn của TP.HCM không có kiểu so sánh với những hiện tượng gượng ép, phản cảm. Đề cũng không chạy theo trào lưu như sử dụng lời bài hát hay câu nói gây sốc của một nhân vật nổi tiếng nào đó gây tranh cãi trái chiều.

Cách ra đề như thế này buộc GV phải thay đổi cách dạy và HS phải thay đổi cách học, không thể học tủ học vẹt. Những đề thi như đã dẫn phù hợp với cách đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS, giúp chọn được những HS giỏi văn, có năng khiếu văn chương thực sự.

*Tác giả là giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa, TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.