Đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn của TP.HCM có chủ đề "Gọi đời vào trong chữ": Cuộc sống hôm nay đặt ra nhiều vấn đề khiến con người trăn trở, suy tư. Những con chữ sẽ giúp ta bày tỏ nghĩ suy của mình trước những vấn đề thời đại.
Từ đó, câu 1 của đề thi đưa ra những vấn đề: trí tuệ nhân tạo (ChatGPT, robot…), khủng hoảng bản sắc, khoảng cách thế hệ, thể hiện bản thân, tôi, hội nhập toàn cầu, phải-trái, đúng-sai, lựa chọn nghề nghiệp, áp lực đồng trang lứa.
Và yêu cầu: Anh/chị hãy lựa chọn một số từ ngữ ở trên, kết nối ý tưởng để tạo thành một vấn đề nghị luận mà anh/chị quan tâm. Viết bài văn bàn luận về vấn đề ấy.
Câu 2 đề thi môn ngữ văn trích dẫn nội dung:
"Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh "bông hồng vàng" của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ... (Pautovsky, Bụi quý)
Chủ đề Gọi đời vào trong chữ và ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa đời và chữ?
Học sinh nói gì về đề văn?
Với đề thi này, học sinh trên các diễn đàn đã bình luận khá sôi nổi. Một học sinh của Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú), là thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn ngữ văn, đã chia sẻ: "Đề chill quá. Đề thi của TP.HCM lúc nào cũng kết hợp cái hay với cái khó rất chất thơ luôn".
Còn Thanh Hào là thành viên của diễn đàn học sinh học ngữ văn thì đưa ra nhận xét cá nhân: "Câu 1 hay quá, câu 2 mình nghĩ đến câu "Phải tốn ngàn miligam quặng chữ/ Mới thu về một chữ mà thôi/Những chữ ấy làm cho rung động/Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài". Mối quan hệ giữa cuộc đời và chữ khiến nhớ đến câu "Văn học thực chất là chuyện đời, văn học sẽ chẳng là gì cả nếu như không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi đi tới và cũng là nơi xuất phát của văn học ". Có lẽ câu 2 nói về cái nhìn của nhà văn về cuộc đời, từ đó để làm nên những trang văn cảm động".
Tương tự học sinh Bích Thảo cũng nhận xét : "Đề thi không có mơ hồ, câu nghị luận xã hội có chủ đề cụ thể rồi, từ đó phát triển ý ra. Những vấn đề đưa ra đều là những thứ mà đã và đang diễn ra trong cuộc sống. Câu 2 hay, mở rộng ra vấn đề, "đời" và "chữ" nó giống như mối quan hệ giữa văn chương và hiện thực đời sống vậy".
Giáo viên nói gì về đề thi ngữ văn?
Thạc sĩ Trần Lê Duy, giảng viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, nhận xét rằng: Hai ưu điểm của đề thi là tính sáng tạo và tính vừa sức. Tính sáng tạo thể hiện trong cả cách ra đề lẫn phạm vi đề. Cách ra đề với hình thức mới lạ. Cụ thể, cả đề có một chủ đề xuyên suốt là Gọi đời vào trong chữ, câu nghị luận xã hội (NLXH) và nghị luận văn học (NLVH) đều được kết nối đến chủ đề này một cách nhuần nhị, tự nhiên.
Câu NLXH ra hình thức mở, cho phép học sinh có nhiều khoảng trống để tự do bày tỏ chính kiến, thể hiện sự sáng tạo của bản thân. Đây cũng là một điểm đột phá về cách ra đề NLXH khi học sinh được quyền lựa chọn đề tài của bài viết và thể hiện chính kiến của bản thân, điều này rất phù hợp với tinh thần dạy học phát triển năng lực.
Câu NLVH cũng có độ mở về phạm vi dẫn chứng để học sinh có thể lựa chọn những tác phẩm mình thích, say mê và có "đất diễn" để thể hiện những cảm nhận riêng, những nhận định riêng về văn chương.
Người ra đề nói gì về đề thi?
Một thành viên đại diện cho hội đồng biên soạn đề thi học giỏi môn ngữ văn đã có trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Thanh Niên về lý do chọn chủ đề Gọi đời vào trong chữ và mong đợi học sinh thể hiện năng lực và kỹ năng ra sao với những yêu cầu của đề thi.
Giáo viên trên cho biết: Đề bài có sự nối kết 2 câu theo một chủ đề xuyên suốt đó là Gọi đời vào trong chữ. Ở câu 1, "Đời" ở đây là những vấn đề của thời đại, những vấn đề của tuổi trẻ, của những mối quan hệ mà các em đang đối diện. "Chữ" ở đây chính là bài viết của các em về những suy tư, trăn trở trước cuộc sống. Câu này có độ mở cao để các em được tự do lựa chọn vấn đề. Bài làm thuyết phục người đọc là bài làm thể hiện được sự quan sát, hiểu biết, suy ngẫm của một tâm hồn giàu suy tư trước thời đại, trước những vấn đề cụ thể mà chính các em đang đối diện. Khởi đi từ "Tôi" để tìm hiểu cuộc sống, để thể hiện những suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống để từ đó bài viết có cảm xúc chân thành và đậm hơi thở cuộc sống.
Ở câu 2, các em hiểu được văn chương gắn với cuộc sống. Nhà văn phải "gọi đời vào trong chữ" tức đưa hiện thực vào trang văn. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, ngẫu nhiên của cuộc sống (mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra; mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp; mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa; mỗi rung động thầm lặng của con tim) chính là những "hạt bụi vàng" được tác giả chắt lọc, sáng tạo để biến thành "bông hồng vàng" chính là tác phẩm văn chương. Hiện thực cuộc sống với tất cả biểu hiện đa dạng của nó là đối tượng phản ánh của sáng tạo văn chương; lao động nghệ thuật là lao động dài lâu và khổ nhọc để biến đời thành chữ. Văn chương không còn xa lạ mà gần gũi, văn chương đi từ cuộc sống và tác động trở lại cuộc đời. Từ sự hiểu ấy, hy vọng các em sẽ thêm yêu văn chương, thêm yêu cuộc sống.
Về tính vừa sức, thạc sĩ Duy cho rằng thể hiện ở chỗ: Vấn đề đặt ra của câu NLXH là cái tôi của người trẻ. Khi kết nối từ "tôi" với các từ khóa khác, thí sinh sẽ có cơ hội được nhìn nhận quá trình định hình cái tôi của bản thân cũng như bạn bè đồng trang lứa trong các vấn đề có tính chất toàn cầu, thiết thân với các em (như trí tuệ nhân tạo, thể hiện bản thân, lựa chọn nghề nghiệp, áp lực đồng trang lứa…). Cách đặt vấn đề này là phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 12, khi các em đang ở ngưỡng cửa trưởng thành, đang dần hoàn thiện nhận thức về bản thân và thế giới, chuẩn bị cho ngưỡng cửa cuộc đời. Khi đối diện với đề này, thí sinh có thể viết từ tâm thế người trong cuộc để trải lòng, thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình.
Ở câu NLVH, vấn đề quen thuộc (mối quan hệ giữa đời và chữ) nhưng cách đặt vấn đề mới mẻ, giàu sức gợi. Cả gợi ý từ đoạn trích Bụi quý lẫn chủ đề "Gọi đời vào trong chữ" đều giúp thí sinh định hướng được vấn đề cần giải quyết và thuận lợi khi viết. Với đề này, không khó để học sinh có thể làm, nhưng lại khó để viết cho hay. Muốn viết hay, học sinh cần có những đột phá, có góc nhìn mới, có những cảm thụ riêng, có cái tôi tích cực, rõ ràng chính kiến trong bài viết, đây là những yếu tố rất cần đối với học sinh giỏi Văn.
Và thạc sĩ Trần Lê Duy nhấn mạnh, đề thi đã đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi thành phố đó là chọn lọc được những học sinh có năng khiếu, có kiến thức văn chương đồng thời còn có có tính giáo dục và thẩm mỹ, khơi gợi được hứng thú cho thí sinh.
Hình thức câu hỏi không còn truyền thống
Riêng về hình thức của đề thi, giảng viên của Trường ĐH Sư phạm chỉ ra rằng cách trình bày văn bản ở câu NLXH khác kiểu truyền thống: cho phép thí sinh kết nối các từ khóa để tự tạo chủ đề triển khai bài viết. Điều này tạo ra đất cho thí sinh sáng tạo: Vấn đề các em lựa chọn sẽ có sự gắn kết với trải nghiệm cá nhân, là vấn đề các em quan tâm. Do đó bài văn thực sự trở thành một "bài báo chính luận", mà học sinh có thể bày tỏ cái tôi công dân của mình trước các vấn đề xã hội.
Khi kết nối các từ khoá, học sinh cũng thể hiện góc nhìn, chính kiến riêng về vấn đề. Chọn hai từ khóa giống nhau nhưng học sinh vẫn có thể có cách diễn giải, nhìn nhận, hệ thống luận điểm riêng. Điều này rất đáng khuyến khích, có chỗ cho học sinh thể hiện tư duy độc lập, tư duy phản biện ngay từ đầu bài.
Cách ra đề của môn ngữ văn cũng thoát được lối "tầm chương trích cú" đã đi vào khuôn sáo, giáo điều, tạo sự tươi mới và chất văn, điều rất cần ở một đề thi học sinh giỏi.
Bình luận (0)