Chủ động đa dạng hóa thị trường

12/06/2014 03:00 GMT+7

oanh nghiệp VN cần nhanh chóng đa dạng hóa sản phẩm, thị trường để tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó quá lớn. Đó là chủ đề của Hội thảo “Doanh nhân và chủ quyền kinh tế” do Báo Doanh nhân Sài Gòn và các hiệp hội ngành nghề tại TP.HCM tổ chức hôm qua (11.6).

Chủ động đa dạng hóa thị trường

Ngành dệt may da giày VN cần nâng chất lượng sản phẩm, tăng tỷ lệ nội địa hóa - Ảnh: D.Đ.M

 

Đây là cơ hội để cấu trúc lại nền kinh tế, cân bằng giữa các thị trường, kể cả nội địa. Đặc biệt, cần thiết phải thúc đẩy phát triển thành công ngành công nghiệp hỗ trợ của VN

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Da giày VN

Ngành dệt may và da giày được xem là hai ngành mũi nhọn trong hoạt động xuất khẩu của VN. Tuy nhiên, đây cũng là hai ngành có tỷ lệ nhập khẩu (NK) nguyên phụ liệu cao nhất. Theo Hiệp hội Dệt may VN và Hiệp hội Da giày VN, năm 2013 NK của hai ngành này đạt kim ngạch 17,69 tỉ USD. Trong đó, NK từ Trung Quốc (TQ) 6,38 tỉ USD. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Da giày VN, cho biết NK vật tư, thiết bị của dệt may và da giày từ TQ chiếm hơn 36% kim ngạch NK của hai ngành này hằng năm. Thậm chí, có những vật tư phải nhập khẩu 100% từ TQ như hóa chất nhuộm, vật tư trang trí đơn giản… Tuy vậy, việc tìm thị trường NK khác thay thế là không dễ khi có nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước chỉ sản xuất hàng giá rẻ, nguồn nguyên phụ liệu từ các nước khác không đáp ứng được tiêu chí rẻ này. “Nếu các DN chọn sản xuất sản phẩm trung bình thì sẽ chỉ mua nguyên vật liệu trung bình, và như thế sẽ khó thoát khỏi sự phụ thuộc thị trường TQ. Do đó, các DN cần phải nâng cao phẩm cấp sản phẩm của mình và từ đó sẽ đa dạng hóa được thị trường, đa dạng hóa sản phẩm”.

Một lý do khác dẫn tới tình trạng phụ thuộc, theo ông Kiệt, là do các khách hàng lớn chỉ định DN trong nước phải mua nguyên vật liệu ở đâu. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm dệt may và da giày chưa tăng mạnh. Hiện hai hiệp hội đã làm việc với một số thương hiệu lớn và họ chấp thuận gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của VN thông qua việc chấp thuận cho các DN mua nguyên vật liệu trong nước. “Đây là cơ hội để cấu trúc lại nền kinh tế, cân bằng giữa các thị trường, kể cả nội địa. Đặc biệt, cần thiết phải thúc đẩy phát triển thành công ngành công nghiệp hỗ trợ của VN”, ông Diệp Thành Kiệt nói.

Tạo sản phẩm khác biệt

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: Chúng ta đã hội nhập kinh tế nhưng sự hội nhập còn thụ động như sử dụng chính sách giảm thuế, nguồn tài nguyên… để thu hút đầu tư nước ngoài. “Việc hội nhập chủ động là phải xây dựng thương hiệu DN mạnh, sử dụng công nghệ với sáng tạo cao để trở thành những biểu tượng của đất nước. VN đang đứng bên cạnh nước láng giềng TQ vẫn được xem là công xưởng sản xuất của thế giới, nên cần phải sản xuất những mặt hàng khác với nước này. Bởi nếu chỉ chạy theo sau sản xuất ra những sản phẩm tương tự thì không thể nào cạnh tranh được về giá”, ông Doanh nói và khẳng định “chỉ cần có quyết tâm, có tích cực làm là được”. Trước đây, khi Liên Xô tan rã, VN bị cắt đứt hẳn nguồn cung cấp phân bón và ngay lập tức, Chính phủ đã đi vay phân bón từ Indonesia, từ Ấn Độ… sau đó dần dần tổ chức được sản xuất.

“Trong tình huống cấp bách, chúng ta luôn luôn có giải pháp thực hiện để khắc phục khó khăn. Việc đa dạng hóa thị trường không nên tính thời gian mà quan trọng là mọi thành phần kinh tế có muốn làm hay không? Hiện nay là thời điểm DN phải có chiến lược dài hạn, biết đứng trên vai những người khổng lồ, thu hút nhân tài, tạo nên sự khác biệt với đối thủ. Chính phủ cũng phải tích cực cải cách nền kinh tế, cải cách các thủ tục hành chính…”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận định.

Mai Phương 

>> Cần đa dạng hóa thành phần sở hữu tập đoàn
>> Ngành dệt may VN chưa tạo được thương hiệu mạnh
>> Ngành dệt may cần 1 tỉ USD để đổi mới công nghệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.