>> USAID hỗ trợ VN trên 40 triệu USD ứng phó biến đổi khí hậu
>> Thời tiết ngày càng diễn biến dị thường do biến đổi khí hậu
>> ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu
>> Nghiên cứu biến đổi khí hậu qua tài liệu cổ
>> Lùn đi vì biến đổi khí hậu
Theo TS Thục, lâu nay chúng ta luôn hướng sự quan tâm đặc biệt đối với việc triển khai các biện pháp ứng phó và thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà chưa chú ý thỏa đáng tới những hệ lụy từ các rào cản thương mại liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
|
Trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là sau Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 17 tại Durban (Nam Phi), trên thế giới đang dần hình thành các chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có thể tạo ra các rào cản mới trong thương mại.
Trong đó, cộng đồng châu u và Mỹ dự kiến đưa loại rào cản "điều chỉnh biên giới cácbon" nhằm tạo ra sự cân bằng về sân chơi cho các nhà sản xuất của các nước phát triển đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển không có những quy định nghiêm ngặt về phát thải khí nhà kính.
Úc đã công bố kế hoạch đánh thuế các-bon với mức 23 USD Úc cho mỗi tấn khí thải cácbon, trong khi Pháp dự kiến đánh thuế 17 Euro/tấn khí thải cácbon.
EU dự kiến áp dụng thuế các-bon trong lĩnh vực hàng không, quy định mọi hãng hàng không có chuyến bay đến các nước thuộc khu vực này phải “mua lại” 15% lượng khí thải cácbon của mình...
“Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nếu không có lựa chọn phù hợp, hài hòa giữa chính sách quốc gia với chính sách quốc tế thì khó vượt được qua các rào cản này do chưa đủ tiềm lực tài chính và công nghệ để sản xuất hàng hóa đủ điều kiện tham gia thị trường hàng hóa cácbon thấp”, TS Thục cảnh báo.
Theo TS Thục, giảm phát thải cácbon trên một đơn vị GDP nên là hướng tiếp cận của Việt Nam. Trên thế giới đã có những nước đặt ra mục tiêu này, chẳng hạn Trung Quốc đặt mục tiêu giảm phát thải 40 - 45% cho mỗi đơn vị GDP trong kế hoạch năm năm lần thứ 12, với các mục tiêu năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, chính sách thuế khuyến khích năng lượng tái tạo, ưu đãi năng lượng sạch, thuế cácbon, tiêu chuẩn năng lượng, và mở rộng diện tích rừng.
Ấn Độ đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải GDP 20 - 25% vào năm 2020 so với mốc 2005, nhờ năng lượng gió và mặt trời, sinh khối và thủy điện nhỏ, chính sách thuế khuyến khích năng lượng tái tạo, trợ cấp, tiêu chuẩn hiệu suất nhiên liệu, và các ưu đãi để tăng độ che phủ rừng.
“Việt Nam nên theo mô hình tăng trưởng xanh - cácbon thấp. Cần đặt mục tiêu giảm nhẹ phát thải để đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Chiến lược phát triển cácbon thấp cần được xây dựng, đưa ra được những ưu tiên rõ ràng và một hệ thống giám sát và báo cáo để theo dõi tiến độ thực hiện. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nên được coi là cơ hội kinh tế, xã hội và môi trường. Cần giảm mức độ phụ thuộc vào than, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng, và tăng cường rừng”, TS Thục nói.
Trong khi đó, vẫn theo TS Thục, các hành động giảm nhẹ phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) có thể sẽ đóng vai trò quan trọng để nhận sự hỗ trợ tài chính và công nghệ quốc tế, ví dụ như năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo và quản lý chất thải.
Việt Nam đã đi đầu trong quá trình chuẩn bị cho việc triển khai cơ chế giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Cơ chế này có thể mang lại thu nhập cho người nghèo, giúp giảm nghèo, bảo vệ nguồn nước, và ngăn chặn suy thoái đất.
Chương trình REDD+ có thể giúp quản lý rừng bền vững, tăng trưởng ngành công nghiệp sản phẩm từ rừng và phát triển kinh tế. Nếu thành công trên quy mô lớn, có thể trở thành một mô hình được nhân rộng ở nhiều quốc gia khác.
Quang Duẩn
Bình luận (0)