5 giờ chiều, tại khu nhà trọ số 12 đường 20 (KP.8, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) không khí vô cùng yên bình. Trẻ con chơi đùa trước sân, người lớn tất bật chuẩn bị cơm tối. Nhiều người thuê trọ ở đây đã gắn bó với nơi này hơn chục năm.
Ấm áp như gia đình
Chủ trọ là bà Đặng Thị Xuân (63 tuổi). Chồng mất sớm, bà một mình gồng gánh nuôi 3 con. Khi lớn tuổi, bà giao khu trọ lại cho con gái lớn là chị Nguyễn Thị Hồng Nương (39 tuổi) quản lý. Khu trọ có hơn 30 phòng với gần 180 người thuê. Hầu hết là các gia đình có con nhỏ, vợ chồng trẻ từ quê lên TP.HCM làm công nhân, phụ hồ, tài xế công nghệ...
Quy tắc kỳ lạ của chủ trọ ở TP.HCM: 'Không cho con đi học thì đừng đến đây ở!'
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nương cho biết bản thân không quan niệm đây là ở trọ, ai đến thuê cũng được xem như người trong nhà. "Tôi không thu tiền cọc, đến tháng nhà nào chưa có tiền đóng tôi sẽ cho thiếu, khi nào có trả sau. Tôi tin tưởng mọi người nên cũng không sợ ai quỵt tiền. Nhiều người đến thuê trọ từ hồi còn trẻ giờ đã lập gia đình vẫn ở đây. Cách đây không lâu, có người sinh con nhưng chồng vắng nhà, tôi và mẹ đưa đi sinh để họ đỡ tủi thân. Mùa dịch, khu trọ càng thấm được tình thân gia đình vì cùng nhau san sẻ ký gạo, bó rau vượt qua giai đoạn khó khăn", chị kể.
Hằng tuần, mẹ chị Nương vẫn dành thời gian hỏi han chuyện học hành của trẻ con trong khu. Bà còn trích tiền túi và nhận thêm tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để mua tặng dụng cụ học tập, sách vở cho các em. Đối với những người nội trợ, chưa có việc làm, bà hỗ trợ mua máy may hoặc kết nối nguồn hàng để họ nhận về làm thêm tại nhà.
Những quy định "lạ"
Chị Nguyễn Thị Minh Hậu, Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Hưng Hòa A, cho biết một trong những quy tắc đặc biệt của khu trọ này là: tất cả gia đình có con nhỏ đều phải cho con đi học. "Nếu không, gia đình đó phải trả phòng, đến nơi khác thuê. Chủ trọ đưa ra quy định này vì muốn trẻ em được học hành đến nơi đến chốn. Chuyện học hành của trẻ em luôn là việc được đề cao ở khu trọ này", chị Hậu nói.
Chia sẻ thêm, chị Nương cho hay việc học của trẻ em vô cùng quan trọng. Giáo dục là nền tảng cốt lõi để tạo nên một con người tử tế. Chị cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người nếu khó khăn phải thông báo để giúp đỡ.
Không chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần, chị "chủ trọ khó tính" còn chú trọng vấn đề an ninh, PCCC. Mỗi tháng, chị Nương cử khoảng 5 người tham gia tập huấn PCCC và truyền đạt lại cho cả khu. Các kiến thức về hôn nhân, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực cũng thường xuyên được chị nhắc nhở. Vợ chồng có mâu thuẫn phải đóng cửa bảo nhau, tuyệt đối không để con cái chứng kiến ba mẹ cãi nhau.
Xem nhanh 20h ngày 26.10: Lý do nữ nhân viên bỏ độc vào đồ ăn học sinh | Nhà trọ với quy tắc có 1-0-2
Cũng theo chị Hậu, bà Xuân và con gái nắm vững hoàn cảnh gia đình, kinh tế của từng phòng một.
Chị Kim Phượng (27 tuổi, quê Bạc Liêu), thuê trọ của chị Nương từ nhiều năm nay, cho biết nhà trọ rất an toàn, không xảy ra trộm cắp, đánh nhau. Hiện, chị làm xếp giấy với tiền công khoảng 200.000 đồng/ngày. Đây cũng là công việc được người quản lý khu trọ giới thiệu giúp chị ở nhà chăm con nhỏ.
"Tôi ở đây từ khi chưa lấy chồng, chủ trọ nhiệt tình trong việc giới thiệu công ăn việc làm cho những gia đình thất nghiệp. Họ thường xuyên hỏi thăm, quan tâm đến cuộc sống của mọi người", chị bày tỏ.
Chị Trương Thị Mỹ Hòa (30 tuổi, quê Bình Định) chia sẻ: "Những dịp lễ tết, chủ trọ có tổ chức phát quà, tạo sân chơi cho trẻ em. Vì được ở trong mô hình nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em nên tôi cũng rất yên tâm". Được biết, từ tháng 6.2023, khu nhà trọ của bà Xuân là một trong những địa điểm áp dụng mô hình nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em do Hội LHPN Q.Bình Tân triển khai.
Bình luận (0)