Chiều 6.11, tiếp tục cuộc tranh luận liên quan vướng mắc khi sử dụng khoản chi thường xuyên để chi đầu tư sửa chữa, mở rộng công trình, cơ sở vật chất, tài sản công từ buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, vướng mắc không nằm ở luật Đầu tư công hay luật Ngân sách nhà nước.
Theo ông Mạnh, luật Đầu tư công ban hành năm 2014, được sửa đổi năm 2019; lần sửa đổi năm 2019 hoàn toàn không có các nội dung liên quan đến vấn đề này. Bên cạnh đó, luật Ngân sách nhà nước ban hành năm 2015.
Hai luật này sau khi được ban hành, Bộ Tài chính cũng đã ban hành rất nhiều các thông tư hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các bộ, ngành và địa phương sử dụng nguồn chi thường xuyên thực hiện việc sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, vấn đề chỉ thực sự phát sinh khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65, có hiệu lực từ ngày 15.9.2021, bãi bỏ việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp tài sản đã được quy định tại Thông tư 92 cùng của bộ này.
Ông Mạnh cho biết, sau Thông tư 65, tất cả các địa phương, bộ, ngành đều vướng mắc, vì không có cơ sở pháp lý, không có căn cứ để lập dự toán, thanh toán cũng như thực hiện các khoản liên quan đến chi từ nguồn thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư như sửa chữa nhỏ, nâng cấp, mở rộng các tài sản công.
Dẫn lại việc tại các phiên giải trình của kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc luôn khẳng định nguyên nhân dẫn tới vướng mắc nghiêm trọng này là do quy định tại khoản 1 điều 6 luật Đầu tư công, ông Mạnh đọc lại nguyên văn khoản này, khẳng định điều 6 luật Đầu tư công chỉ nhằm phân loại dự án chứ không phải điều định nghĩa dự án đầu tư công là gì.
Cạnh đó, theo ông Mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định điều này không cấm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho các khoản có tính chất đầu tư.
"Logic ở đây, chúng ta thấy ví dụ, học sinh nam có hai loại: một loại biết bơi, một loại không biết bơi. Không thể suy ngược lại là tất cả những học sinh nào không biết bơi bắt buộc đều phải là học sinh nam", ông Mạnh ví von.
Để giải quyết vướng mắc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, có thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật. Từ đó, Bộ Tài chính có căn cứ sửa lại như Thông tư 65 của bộ.
Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, luật Ngân sách có giá trị hiệu lực từ năm 2015, cho đến nay không có vướng mắc. Tương tự, luật Đầu tư công cũng ban hành khá lâu và đã một lần sửa đổi, bổ sung.
"Việc phân loại các dự án đầu tư công khác với việc phải làm các danh mục dự án đầu tư", Chủ tịch Quốc hội nói, cho biết mỗi khóa, Quốc hội đã quyết định danh mục đầu tư công của T.Ư và ở địa phương thì quy định danh mục đầu tư công của địa phương.
Chốt lại câu chuyện này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách ký, đóng dấu gửi ngay văn bản này, báo cáo Chính phủ và gửi cho các cơ quan, bộ, ngành có liên quan. Trong trường hợp các cơ quan thấy không đủ rõ mà có yêu cầu giải thích, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải thích pháp luật.
"Tôi nhắc lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ giải thích khi có yêu cầu chứ không giải thích những gì đã rõ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn
Đề nghị sửa 3 luật để giải quyết vướng mắc
Nêu ý kiến sau đó, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nói vấn đề Bộ trưởng Bộ Tài chính đề cập cũng là nội dung ông đề cập suốt từ kỳ họp 3 tới kỳ họp này.
Ông bày tỏ đồng tình vướng mắc hiện nay trong cả nước xuất phát từ Thông tư 65 của Bộ Tài chính. Tuy vậy, theo đại biểu Tây Ninh, "dù nói gì thì nói, chuyện đúng sai thế nào chưa rõ, vướng mắc ở đâu không biết nhưng cho tới lúc này, ở hầu hết địa phương đang vướng chuyện này".
"Trong những ngày chúng ta đang tranh luận ở đây, tại thời điểm lập dự toán phân bổ ngân sách 2024, các kế hoạch sửa chữa, nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng đang phải làm theo thủ tục đầu tư công. Và nếu sử dụng từ nguồn chi thường xuyên thì chắc chắn phải lách từ cái tên cho tới việc giải trình với cơ quan chức năng khi bị hỏi tới", ông Hậu nêu và cho rằng, đây là một ví dụ cụ thể về nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, không dám làm.
"Đây là ý kiến không phải của cá nhân tôi mà của nhiều lãnh đạo địa phương, bộ, ngành. Cho nên, tôi rất đồng tình ý kiến Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách là nên có giải trình cụ thể. Như Chủ tịch Quốc hội đã nói là có văn bản đóng dấu cụ thể để nói chuyện này, để không cơ quan nào có thể bắt bẻ các cơ quan, địa phương làm việc chi thường xuyên như thế", đại biểu Hậu nhấn mạnh.
Đại biểu Tây Ninh cũng cho rằng, nguồn gốc vấn đề nằm ở luật Ngân sách 2014 khi luật này đã bỏ đi nội dung này về các khoản "chi thường xuyên có tính chất đầu tư". Nếu như luật Ngân sách quay trở lại có nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư thì mọi việc không còn vấn đề gì phải bàn.
Từ đó, ông đề nghị ngoài giải thích pháp luật, hay làm văn bản như Chủ tịch Quốc hội nói, nên sửa luật theo hướng có thêm nội dung đưa nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào luật Ngân sách nhà nước.
Muốn thế, phải sửa một lúc 3 luật là luật Ngân sách, luật Quản lý tài sản công và luật Đầu tư công. "Tôi muốn trở lại đề nghị với Quốc hội là chúng ta có thể đề nghị sửa luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có thể trình Quốc hội thông qua một luật sửa nhiều luật. Chỉ một nội dung nhưng đi ngay vào cuộc sống", ông Hậu kiến nghị.
Trong phần giải trình cuối phiên chất vấn với nhóm lĩnh vực KH-ĐT, tài chính, ngân hàng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, dù khoản 1 điều 6 luật Đầu tư công từ năm 2014 tới nay không thay đổi, song trong quá trình thực hiện, điều 6 vẫn là dự án đầu tư công.
"Do cách hiểu vẫn xem đây là dự án đầu tư công nên trong quá trình bố trí cho vốn thường xuyên, Bộ Tài chính cũng rất ngại. Tuy nhiên, đúng như Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói, trước đó đã có Thông tư 92 cho phép. Sau này cũng vì chưa rõ cái này nên khi xây dựng Thông tư 65 không tiếp tục Thông tư 92 mà hủy luôn Thông tư 92, vì vậy vướng mắc", ông Khái nói.
Phó thủ tướng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục cùng các bộ, ngành rà soát luật, văn bản quy phạm pháp luật, thực tế để có đề xuất giải pháp tổng thể giải quyết dứt điểm việc này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Điều 6 luật Đầu tư công về phân loại dự án đầu tư công
1. Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:
a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án.
b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này.
2. Căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định tại các điều 7, 8, 9 và 10 của luật này.
Bình luận (0)