Chủ quan vì đã uống thuốc ngừa HIV, người đàn ông mắc bệnh tình dục

Lê Cầm
Lê Cầm
25/06/2024 20:55 GMT+7

Anh N.T.H (29 tuổi, ngụ tại quận 3, TP.HCM) đi khám nam khoa với các triệu chứng sốt, tiểu nóng rát, lỗ tiểu sưng đỏ và chảy dịch mủ vàng.

Khai thác bệnh sử, anh H. cho biết mình là người đồng tính nam, có mối quan hệ phức tạp và thường xuyên giải quyết “nhu cầu tình dục” với những người quen trên mạng, qua app hẹn hò. Vì nghĩ mình có “bộ giáp” PrEP (thuốc dự phòng ngừa lây nhiễm HIV) bảo vệ nên anh bỏ qua việc sử dụng bao cao su trong lúc quan hệ tình dục. Gần đây, anh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường và cảm thấy vô cùng lo sợ nên đến Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health để khám.

Ngày 25.6, tiến sĩ - bác sĩ Trà Anh Duy (Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health) cho biết, kết quả anh H. bị cùng lúc cả lậu và Chlamydia, phải điều trị khoảng 2-3 tuần, sau đó theo dõi, đánh giá tình hình. Tình trạng mắc cùng lúc hai bệnh tình dục khá điển hình ở người quan hệ tình dục không an toàn.

Trường hợp khác là anh B.Q.V (35 tuổi ngụ Long An) cũng đến khám với các triệu chứng mọc mụn thịt quanh hậu môn, cảm giác cộm, ngứa ngáy và tiết dịch nhầy có mùi khó chịu ở hậu môn. Anh V. cho biết, có dùng thuốc PrEP mỗi ngày để phòng ngừa HIV và nghĩ nó cũng ngăn ngừa tất cả các bệnh tình dục nên anh thường quan hệ không dùng bao cao su. Kết quả, sau một lần "vui vẻ" qua đường hậu môn, anh xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị sùi mào gà nên đi khám.

Sau khi làm các xét nghiệm, anh V. được chẩn đoán sùi mào gà và viêm hậu môn. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc 7 ngày để giảm triệu chứng viêm, sau đó các bác sĩ dùng laser đốt sùi.

Chủ quan vì đã uống thuốc ngừa HIV, người đàn ông mắc bệnh tình dục- Ảnh 1.

Việc sử dụng bao cao su vẫn là cần thiết để đảm bảo phòng ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục bên cạnh việc sử dụng thuốc PrEP

LÊ CẦM

Bác sĩ Anh Duy cho biết, dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc PrEP là một chiến lược mới điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV đối với những người chưa nhiễm HIV. PrEP có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa HIV khi được sử dụng đúng theo hướng dẫn của chuyên gia y tế. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, PrEP có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV khoảng 90% qua quan hệ tình dục và 74% ở những người tiêm chích ma túy. Hiện nay, hàng chục ngàn người tại Việt Nam đang sử dụng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV và số lượng này chắc chắn sẽ còn tăng.

"Tuy nhiên, cần hiểu rằng PrEP chỉ bảo vệ khỏi HIV, không chống lại các STIs khác như lậu, sùi mào gà, giang mai, herpes sinh dục, viêm gan B,... Do đó, việc sử dụng bao cao su vẫn là cần thiết để đảm bảo an toàn", bác sĩ Anh Duy nhấn mạnh.

Người dùng PrEP cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi HIV và các bệnh khác lây nhiễm qua đường tình dục, cũng như theo dõi các tác dụng phụ của thuốc. Việc kết hợp PrEP với các biện pháp bảo vệ khác như sử dụng bao cao su và tuân thủ hướng dẫn y tế là điều kiện tiên quyết để đạt được hiệu quả bảo vệ tối đa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.