Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử

24/08/2017 07:00 GMT+7

28 bài viết của các nhà nghiên cứu tập hợp trong cuốn Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử , một lần nữa khẳng định chủ quyền biển đảo VN, phản bác luận điểm xuyên tạc và sai trái lịch sử về chủ quyền biển đảo VN tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Chủ quyền biển đảo VN trong lịch sử
Ảnh bìa: nhà xuất bản
Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử - sách của Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế, NXB Văn hóa - Văn nghệ phát hành tháng 8.2017, do PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế, chủ biên, tập hợp những bài viết của các nhà nghiên cứu (Đỗ Bang, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Nhã, Trần Đức Anh Sơn, Phan Thuận An…) tại hội thảo khoa học “Chủ quyền biển đảo VN trong lịch sử” tổ chức tại Huế năm 2016.
Các tác giả đã sưu tầm nhiều nguồn tư liệu lưu trữ từ thời thuộc địa, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đến tài liệu lưu trữ của Nhật Bản, hệ thống bản đồ cổ của Trung Quốc và phương Tây để chứng minh về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo PGS-TS Đỗ Bang, phần lớn các nhà nghiên cứu lịch sử về chủ quyền biển đảo đã đóng góp nhiều tư liệu quý và ý kiến xác đáng, tập trung vào các nội dung: vấn đề lịch sử chủ quyền; về sự hiện diện của các thế lực nước ngoài, phản bác luận điểm xuyên tạc và sai trái lịch sử về chủ quyền biển đảo VN tại Hoàng Sa, Trường Sa; về chủ quyền biển đảo đối với nhân dân các tỉnh miền Trung.
Tính liên tục về chủ quyền của nhà nước VN
Việc vua Gia Long sai đội Hoàng Sa phối hợp cùng thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816, theo PGS-TS Đỗ Bang là “Khẳng định chủ quyền biển đảo về phương diện nhà nước của triều đình Huế”. Ông cho rằng 200 năm qua chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều biến động, nhưng lịch sử chủ quyền VN đối với Biển Đông nói chung và hai quần đảo này vẫn không thay đổi. Và “Điểm mới của cuốn sách chính là chứng minh tính liên tục về chủ quyền đối với biển đảo của nhà nước VN, đặc biệt trong giai đoạn nhà Nguyễn và thời VNCH”, PGS Đỗ Bang cho biết.
Nếu có điều kiện dịch ra tiếng nước ngoài thì đây là một công cụ khoa học để quảng bá, tuyên truyền hiệu quả về chủ quyển biển đảo của VN đối với thế giới” - PSG-TS Đỗ Bang.
Tác giả Nguyễn Thị Hải (qua bài Quá trình khai thác và thực thi chủ quyền biển đảo Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn 1558 - 1777) nhìn nhận: “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm trên tuyến đường thương mại trên biển hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tuyến đường hàng hải này dù đã xuất hiện từ rất sớm, có thể từ thế kỷ 2, nhưng chưa có cư dân nào lên đảo khai thác, hay nói đúng hơn là chưa có sự chiếm hữu nào trên hai quần đảo này”. Tác giả Dương Phước Thu qua nghiên cứu thực địa tại Lý Sơn đã cho rằng: “Khi những chiếc thuyền câu vào nộp thuế khai thác hóa vật ở Hoàng Sa cho đô thành Phú Xuân, các chúa Nguyễn đều ghi công ban thưởng, khen tặng... Những văn bản ấy được người dân Lý Sơn bảo lưu như máu thịt của mình, nay còn lại khá nhiều trong gia phả, các bản sắc phong, trong các nhà thờ họ Phạm, Nguyễn, Trần, Ngô, Võ, Dương… ở huyện đảo Lý Sơn” (Ra Lý Sơn để được gần Hoàng Sa và hiểu thêm về người dân giữ biển).
Tại hội thảo năm 2016, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc xác nhận về đội Hoàng Sa ra đời từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên: “Có thể nói chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chính là người đã lập ra đội Hoàng Sa - một hình thức khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền hết sức độc đáo trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông”.
TS Bùi Gia Khánh cũng thừa nhận: “Trong suốt thời Minh Mạng cũng như thời gian sau đó, hoạt động quản lý, khai thác, thực thi bảo vệ chủ quyền của VN ở Hoàng Sa, Trường Sa vẫn tiếp tục thực hiện chủ yếu bởi những người có gốc gác thuộc quê hương đội Hoàng Sa (Lý Sơn, Quảng Ngãi) và họ đều mang trên mình chức vụ của một người lính thủy chính quy của triều đình, như: suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên, suất đội thủy quân Phạm Văn Biện…”.
Đặc biệt, tác giả Phan Thuận An, vốn sở hữu 2 tờ châu bản về Hoàng Sa (đã hiến tặng cho Bộ Ngoại giao), từng công phu nghiên cứu về giá trị tư liệu liên quan đến biển đảo trên Cửu đỉnh Huế, bình luận: “Trong khi đúc nổi hình ảnh Biển Đông lên Cửu đỉnh là một lựa chọn có cân nhắc và một quyết định đầy ý thức chủ quyền của cả tập thể triều đình trung ương thời Minh Mạng, thì cả 2 tờ châu bản đều có chữ ký của nguyên thủ quốc gia đương thời. Nghĩa là cả 3 tài liệu đều mang giá trị quốc gia ngay từ đầu”.
Lãnh thổ không thể tách rời của VN
Trong bài Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời VNCH, bằng những cứ liệu xác đáng, tác giả Nguyễn Đình Dũng khẳng định: Chính quyền Sài Gòn trước đây luôn coi Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời; luôn khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình tại hai quần đảo này; luôn sẵn sàng chống trả các đội quân xâm lược, nhằm bảo vệ hai quần đảo.
Khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa tháng 1.1974, theo TS Nguyễn Đình Dũng, sự căm phẫn thể hiện rất rõ trong bản Tuyên cáo của Chính phủ VNCH ngày 14.2.1974: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân chia của lãnh thổ VNCH. Chính phủ và nhân dân VNCH không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.