‘Chư Tan Kra mây trắng’, thông điệp từ quá khứ

27/07/2021 13:00 GMT+7

Trường ca Chư Tan Kra mây trắng của nhà thơ, nhà báo trẻ Lữ Mai ra mắt đúng thời điểm “bên thềm” những hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2021). Chư Tan Kra mây trắng đầy bi tráng, thấm đẫm nhân văn, chứa đựng trong đó nhiều thông điệp.

Đọc trường ca Chư Tan Kra mây trắng, hẳn không thể không nhớ câu Victor Hugo từng nói: “Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác”. Tập trường ca được nhà thơ Lữ Mai lấy cảm hứng từ câu chuyện về Trung đoàn mũ sắt - tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Những người lính của Trung đoàn chủ yếu người Hà Nội gốc “người kể/ nhà gần ngay giếng Cổ Loa/ soi bóng thấy tòa sen ngọc bích/ người quê lụa Hà Đông/ chị gái nhà bên ươm tơ má ửng đợi chồng/ đê Yên Phụ hàng cơm nguội buồn hiu hắt/ Phùng Hưng kéo gần ký ức hỏa xa”. Họ còn rất trẻ “hồn nhiên như lá rơi/ ngời ngời như suối chảy”, “thanh niên Hà Thành chưa hết sợ ma”.
Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27.3.1967, đánh trận đầu tiên trong đời ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Trong trận đánh sau một năm nhập ngũ, ngày 26.3.1968, các chàng trai Hà Nội đã chiến đấu quả cảm, “vết đạn thủng đầu mũ sắt/ người hy sinh trong thế tiến công”, trong cuộc giao tranh ác liệt với Mỹ tại điểm cao 995 - 996.
Đất nước hòa bình, cuộc sống đã thay đổi nhiều, nhưng ký ức về những năm tháng sống và chiến đấu trên đỉnh Chư Tan Kra chưa khi nào phai nhòa trong tâm trí những cựu chiến binh Trung đoàn 209. Với họ “còn sức còn đi/ còn thương còn nghĩ”. Mãi đến cuối năm 2010, sau gần 2 năm miệt mài tìm kiếm, cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 209 đã tìm kiếm và quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ tại núi Chư Pen và Chư Tan Kra.
Để tưởng nhớ những người con Hà Nội hy sinh tại đây, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với Ban liên lạc Trung đoàn 209 xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại chiến trường. Các liệt sĩ xác định được danh tính, hài cốt được đưa về an táng tại quê nhà, đáp ứng mong mỏi “cha tìm con/ con tìm cha/ em tìm anh/ cháu tìm ông, tìm chú/ lại nới thêm ruột thịt trên đời”. Những liệt sĩ chưa xác định danh tính thì được làm lễ truy điệu trọng thể và an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy. Đó là cả một hành trình tri ân, “giữa mùa khô nhòa nhòa nước mắt/ hòa cùng máu đỏ năm xưa”; giữa người mất và người còn sống xa cách âm dương gần nửa thế kỷ nhưng “tháng năm tôi và bạn/ chưa phân chia khoảng cách bao giờ”.
Trong hành trình thầm lặng ấy, với chục chuyến đi, có sự tham gia của những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Chư Tan Kra… Cựu binh Steve Edmunds, Chủ tịch Hội Cựu binh Sư đoàn 4 (quân đội Mỹ) gửi cho cựu chiến binh Trung đoàn 209 Hồ Đại Đồng hình ảnh, sơ đồ, vị trí ba hố chôn tập thể các chiến sĩ trên đỉnh Chư Tan Kra. Có những người trước đây được giao nhiệm vụ thu dung thi hài bộ đội Việt Nam, khi trở lại nơi đây, đứng giữa đỉnh Chư Tan Kra, nhìn những di vật còn lại của bộ đội ta đã hy sinh rưng rưng cảm xúc.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với họ không bao giờ hết ám ảnh, vẫn “mãi cầu mong bình yên cho tâm trí mình”. Chính người lính đâu muốn chiến tranh “có một thời tay bóp cò/ lòng lại mong không phải nghe tiếng súng/ có một thời quyết nghiền nát hầm/ lại thấy chính mình biến dạng”. Với họ, được tham gia tìm lại bộ đội Việt Nam hy sinh tại Chư Tan Kra thỏa mong ước “thèm giấc ngủ trẻ con/ thèm nói lời tạ lỗi” trước những năm tháng hoàng hôn cuối đời.
“Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương và sẹo chiến tranh nặng nề nhất”, Douglas MacArthur một danh tướng của Hoa Kỳ từng đi qua nhiều cuộc chiến tranh đã nói như vậy.
Đọc Chư Tan Kra mây trắng không chỉ nhận ra nhà thơ Lữ Mai đã xúc động như thế nào khi viết trường ca này. Hơn thế, người đọc chắc chắn sẽ lặng người đi trên từng trang viết. Điều đáng mừng là thế hệ người cầm bút trẻ như Lữ Mai luôn trân quý những giá trị sống, đề tài hậu chiến vẫn thôi thúc, tiếp tục là nguồn cảm hứng của họ. Quá khứ - hiện tại - tương lai là dòng chảy liên tục ngay trong trường ca.
Chư Tan Kra mây trắng gồm 6 chương: Chương I - Giấc mơ vụn; Chương II - Đỉnh gió; Chương III - Bên kia đại dương; Chương IV - Mẹ vẫn đợi con về; Chương V - Gửi hòa bình; Chương VI - Mẹ. Trường ca gồm 150 trang in, khổ 13,5x20,5, bìa cứng, in sang trọng, thành kính. Trong 6 chương, Chương II - Đỉnh gió có “thời lượng nặng ký”, gồm 52 trang. Dễ hiểu vì đây là chương của hành trình tìm kiếm, đưa các liệt sĩ “về nhà” nơi đỉnh gió Chư Tan Kra.
Trường ca Chư Tan Kra mây trắng không tập trung khai thác sử liệu về trận đánh Chư Tan Kra, mà chủ đạo là cảm hứng từ câu chuyện các cựu chiến binh Trung đoàn 209 về lại chiến trường xưa tìm đồng đội. “Đây là dữ liệu gần gũi với tôi hơn”, Lữ Mai cho biết. Trong cảm xúc chung ấy, Lữ Mai có những trang viết xúc động về tình bà con các dân tộc Tây Nguyên dành cho người lính nơi chiến trường: “Tài sản lớn nhất cái gùi/ gùi muối gạo/ gùi đạn cho bộ đội/ đói đến mắt mờ chân run/ muối gạo không vơi một hạt”.
Lữ Mai đã dành hẳn chương VI - Gửi hòa bình, gồm 18 trang in gửi thông điệp đến hòa bình. Chiến tranh không bao giờ là trò đùa, “nơi các con nằm/ viên đạn cuối cùng/ găm vào lòng mẹ”. Không chỉ là mất mát của những người mẹ sinh thành ra những người lính đã ngã xuống mà cả nỗi đau của người Mẹ Tổ quốc.
Trường ca Chư Tan Kra mây trắng không chỉ là cảm xúc của nhà thơ trước sự kiện mà là sự đối thoại giữa hiện hữu và hư vô, giữa quá khứ và hiện tại, giữa những đang sống và người đã mất... tạo nên trường mỹ cảm của sự phản tỉnh. Đặc điểm của trường ca là tính tự sự, tuy nhiên Chư Tan Kra mây trắng là một trường ca giàu thi ảnh, sáng tạo ngôn ngữ thi ca.
Không chỉ thế, người đọc dễ nhận ra những thông điệp của sự vĩnh cửu, bởi Lữ Mai không chỉ tiếp cận với tư liệu, nhân chứng mà chị từng có mặt tại Chư Tan Kra: “cứ ngửa mặt nhìn trời/ sẽ gặp đoàn quân tỏa vào xanh thẳm/ nhưng còn đó bao nhiêu câu hỏi...”

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp Khóa 10, Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du), hiện công tác tại Báo Nhân Dân. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. 

Lữ Mai từng giành nhiều giải thưởng như: Giải Ba, Giải thưởng Văn học đề tài Biên giới, hải đảo giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam cho trường ca Ngang qua bình minh; Giải B, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân cho bộ sách Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi; Giải Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 của Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho tác phẩm Nơi đầu sóng; Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn và ký đề tài nông nghiệp, nông thôn Việt Nam lần thứ 3 của Quỹ Nhà văn Lê Lựu năm 2018 - 2020 cho tác phẩm Núi cựa.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.