(TNO) Khi dư luận cộng đồng mạng “dậy sóng” với dự kiến thay đổi tên gọi lớp trưởng bằng “chủ tịch” thì những người hiểu rõ về mô hình này “tỉnh táo” hơn khi cho rằng, tên gọi ra sao không quan trọng bằng cách thức tổ chức lớp học kiểu mới.
Mô hình trường tiểu học mới, học sinh chủ động trao đổi trong lớp thay vì ngồi im lặng nghe cô giảng bài như trước
|
Nội dung quan trọng hơn hình thức
Tiến sĩ Lương Hoài Nam chia sẻ ngắn gọn: “Trước hết hãy hiểu cho đúng công việc lớp trưởng, cách ứng cử và bầu lớp trưởng ở các nền giáo dục tiên tiến như Ý, Úc... đã làm. Còn gọi là “lớp trưởng” hay “chủ tịch hội đồng tự quản lớp” thì ta bàn sau. Nội dung quan trọng hơn hình thức. Khi cả cơ quan quản lý và người dân mới chỉ chú trọng hình thức thì chưa ổn".
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cũng nêu quan điểm: Khi giới trẻ thụ động, nhút nhát thì chúng ta đổ lỗi cho giáo dục không tạo điều kiện cho các em được lên tiếng, giáo viên nói gì học sinh cũng phải nghe theo. Nhưng khi trao quyền chủ động hơn để thực hiện vai trò “học sinh làm trung tâm” trong lớp học thì chúng ta lại phản đối. Vấn đề chỉ là chưa quen với tên gọi mới.
“Trao quyền dân chủ để trẻ tự tin hơn là đúng nhưng quan trọng hơn là phải không có sự dàn xếp, can thiệp của người lớn. Hãy để trẻ con hồn nhiên đúng lứa tuổi khi đảm nhận công việc của mình, đừng suy bụng ta ra bụng trẻ”, ông Tùng Lâm nói.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hợp, khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chỉ ra rằng: Tự quản là một phẩm chất của tập thể học sinh, đã được các nhà giáo dục học nghiên cứu từ lâu. Các lớp, học sinh được khuyến khích hoạt động theo tinh thần tự quản (ở mức độ và trình độ của các em). Đã tự quản thì phải có tổ chức, tổ chức đó có thể có tên gọi khác nhau như: ban cán sự lớp, đội ngũ tự quản, hội đồng tự quản... Đã có hội đồng thì phải có người đứng đầu và gán cho người đó một chức danh, nay người ta định gọi nó là "chủ tịch". Trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học (mới) có nói "chủ tịch..." hay lớp trưởng.
Học sinh có cơ hội thể hiện
Ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Bắc Giang), với kinh nghiệm 3 năm chỉ đạo việc thực hiện mô hình trường học mới, trong đó các lớp có hội đồng tự quản và chủ tịch hội đồng tự quản thay vì lớp trưởng, cho biết: Học sinh sẽ có cơ hội thể hiện mình. Ở những lớp này cũng đã thực hiện luân phiên vai trò chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh. Hiện nay, chúng ta đang chuyển hướng từ dạy học theo nội dung sang phát triển năng lực người học. Việc cho học sinh luân phiên làm các vị trí quản lý lớp phù hợp với những yêu cầu này.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo lý giải: Mô hình hội đồng tự quản với các lớp tiểu học đã được thí điểm áp dụng ở hàng nghìn trường tiểu học trên cả nước và được đón nhận rất tích cực.
Dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới cũng không bắt buộc phải đổi chức danh lớp trưởng thành “chủ tịch hội đồng tự quản” nhưng sẽ thay đổi về “chất” với vai trò này. Lớp trưởng trước đây nhiều khi đứng ra thay giáo viên theo dõi, đôn đốc việc học hành của các thành viên trong lớp, theo dõi các bạn đi học muộn, không học bài… Giờ lớp trưởng không làm thay việc này nữa, mà chính các thành viên trong lớp bảo ban, bình bầu, theo dõi, giám sát lẫn nhau. Với hội đồng tự quản, chính các em đứng ra tổ chức, bàn bạc với nhau, thậm chí đề xuất nguyện vọng để thông qua hội đồng tự quản báo cáo với giáo viên, đoàn đội, báo cáo phụ huynh học sinh.
Theo ông Hiển, một số nơi các em còn báo cáo với lãnh đạo địa phương và được địa phương, nhà trường, tổ chức đoàn thể tiếp thu, lắng nghe và hướng dẫn các em thực hiện cho hiệu quả. Điều này nhằm mục đích chính không phải là để nhẹ việc cho giáo viên, cho nhà trường mà tăng khả năng tự chủ tự quản, sinh hoạt cùng nhau, trao đổi góp ý lẫn nhau của học sinh, tăng kỹ năng sống cho các em.
Bình luận (0)