Chủ tịch Hội Dầu khí VN: 'Trung Quốc đang từng bước thực hiện âm mưu đường lưỡi bò'

13/05/2014 18:00 GMT+7

(TNO) Ông Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho biết với hành động đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đang từng bước thực hiện âm mưu đường lưỡi bò mà họ đưa ra ở biển Đông.

(TNO) Nhiều năm gắn bó với biển, với ngành dầu khí ông Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho biết với hành động đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đang từng bước thực hiện âm mưu đường lưỡi bò mà họ đưa ra ở biển Đông.

 
Ông Ngô Thường San - Ảnh: Trung Hiếu

Theo ông San, mục đích thăm dò dầu khí của Trung Quốc chỉ là cái cớ, còn bản chất là có ý đồ chính trị. Đó là thực hiện âm mưu đường lưỡi bò của họ trên thềm lục địa Việt Nam. Việc kéo giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của chúng ta giống như việc họ đặt hòn gạch rồi xem đó là vùng đất của họ.

Đây là vùng biển của chúng ta nhưng Trung Quốc đưa tàu quân sự, bán quân sự vào để uy hiếp lực lượng kiểm ngư của chúng ta. Cái nguy hiểm là nếu Trung Quốc đặt được giàn khoan ở chỗ này rồi thì họ còn mở rộng vào khu vực phía Nam, thậm chí vào sâu trong lãnh hải Việt Nam.

Động cơ biến không tranh chấp thành tranh chấp

* Ông có thể lý giải tại sao thời điểm này Trung Quốc lại ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng biển Việt Nam?

- Ông Ngô Thường San: Nếu mục tiêu chỉ là giàn thăm dò dầu khí sẽ không có chuyện phải đồ sộ như thế. Tôi cho rằng giàn đó vừa có chức năng kinh tế và quân sự. Nếu chỉ với mục tiêu thăm dò dù khoan ở độ sâu 1.000 hay 2.000 m, thậm chí 3.000 đến 4.000 m cũng không cần phải trang bị giàn khủng như thế.

Tôi để ý trên các clip thì thấy những tàu kéo giàn Hải Dương-981 là tàu quân sự, bán quân sự chứ không phải tàu dịch vụ. Nếu là tàu khai thác dầu khí thì phải có nhiều tàu dịch vụ đi kèm để chở những dụng cụ khoan như

 

Ông Ngô Thường San - nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.

cần khoan, ống chống, vật tư... Đây rõ ràng là ý đồ lấn chiếm, chiếm đoạt vùng biển của nước khác một thời gian rồi sau la lên rằng vùng biển đó là của tôi. Trung Quốc đang âm mưu biến cái không tranh chấp thành tranh chấp rồi xem đó là đất của mình. Hành động này nếu xét các khía cạnh pháp lý, đạo lý thì Trung Quốc đều không đúng. Về cơ sở khoa học, Trung Quốc cũng không đúng. Bởi để chứng minh đó là thềm lục địa của anh, anh phải có những chứng cứ khoa học về địa chất được quy định trong Luật Biển 1982. Vừa rồi Việt Nam đã làm bộ hồ sơ trình lên Liên Hiệp Quốc khẳng định chủ quyền của ta ở biển Đông.

* Với khu vực lô 142 - 143 mà Trung Quốc đang kéo giàn khoan tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã bao giờ thăm dò trữ lượng dầu khí ở đó chưa?

- Nều nói về lịch sử khảo sát thăm dò thì từ năm 1979, khi hợp tác với Nga, chúng ta đã khảo sát địa chấn ở vùng biển đó rồi, chúng ta cũng đã có tư liệu khảo sát của chính quyền Sài Gòn từ những năm 1969. Thời gian vừa qua tàu Bình Minh cũng đã làm công việc đó. Chúng ta đã có số liệu ở vùng biển này nhưng chưa công bố rộng rãi. Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ số liệu này. Rõ ràng ở vùng biển đó có tiềm năng dầu khí nhưng còn nhiều rủi ro, tức là nếu khai thác tìm ra dầu khí chưa chắc đã bù đắp chi phí bỏ ra. Do hiệu quả kinh tế chưa cao nên chúng ta chưa làm. Những lô đó chúng ta đã kêu gọi đấu thầu, đàm phán với một số công ty rồi.

Hải Dương-981 chỉ là "cái xác to trên biển"

* Từ trước tới nay Trung Quốc có những hành động thăm dò ở đây chưa, thưa ông?

- Trung Quốc cũng có làm. Nhưng do Trung Quốc không có chủ quyền ở khu vực này nên khi mời thầu, công ty nước ngoài được mời thầu rất tránh né. Bởi các công ty này cũng biết nếu về pháp lý thì đó là thuộc về thềm lục địa của Việt Nam. Các công ty nước ngoài nắm rất rõ luật biển, thế nào là thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế… Do đó dù Trung Quốc có chào thầu thì các công ty nước ngoài cũng không tham gia vì họ biết rõ đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

 
Tàu Hải giám 31101 của Trung Quốc tấn công tàu Kiểm ngư Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải

* Như những gì ông phân tích thì việc kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được?

- Trung Quốc sẽ không được ủng hộ về vấn đề pháp lý, đạo lý. Xét về mặt kinh tế cũng không hiệu quả. Mục đích của Trung Quốc là chỉ thực hiện đường lưỡi bò mà họ đưa ra và lấn chiếm lãnh hải Việt Nam.

Trong trường hợp họ muốn khai thác đi nữa cũng không tiến hành được. Biển Đông sóng to, bão dày, hải văn phức tạp khiến việc phát triển khoan khai thác dầu rất khó. Tôi thường nói đùa với anh em là khi đứng trên bờ thấy biển đẹp như một bài thơ nhưng trong lòng nó rất dữ dội. Hồi năm 1978, chúng ta cũng hợp tác với Ý kiểu giàn khoan nửa nổi nửa chìm như thế khoan ở lô 04, nhưng bị sự cố đứt neo, trên trực thăng kiểm tra chỗ đó giống như con sông ngầm có dòng chảy đâm thẳng vào giàn khoan bứng luôn cả neo.

 

Chi phí vận hành giàn khoan rất tốn kém

Ông San cho biết chi phí vận hành giàn khoan rất tốn kém. "Chúng tôi đã từng khoan ở vùng biển có điều kiện khí hậu tương đối tốt, lại không quá xa bờ nhưng phải tốn 200 - 250 triệu USD cho một giếng, với thời gian khoan kéo dài khoảng 2,5 tháng. Có nghĩa là mỗi tháng chi phí tốn khoảng 100 triệu USD. Đó là chi phí sát nhất, lại không có sự cố gì xảy ra. Còn ở đây Trung Quốc lại kèm thêm một lực lượng tàu hải quân, tàu chiến tới 60 - 70 chiếc thì không biết tốn kém đến mức nào", ông San nói.

Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc trông khủng như thế nhưng nó cũng có hạn chế. Cần phải nhớ rằng ở trên biển, cái xác to như thế thì tính linh động rất kém. Bởi với giàn khoan to như thế khó chống lại với bão và hải lưu mạnh. Dọc theo miền Trung nước ta có một dòng chảy rất siết, nhất là vào mùa gió chướng.

Cần làm rõ hành động sai trái của Trung Quốc

* Theo ông, chúng ta cần có những biện pháp gì để ngăn chặn việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của ta?

- Trong hoàn cảnh hiện nay, thế giới có nhiều mối bận tâm ngoài biển Đông. Vấn đề quan trọng nhất ta phải làm cho thế giới biết vùng biển này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của ta. Việc Trung Quốc nhảy vào không chỉ mục đích kinh tế mà mục đích chủ yếu là lấn chiếm lãnh hải của ta, biến nơi này thành tranh chấp để khẳng định đường lưỡi bò của họ. Lâu nay, Trung Quốc vẽ cái đường lưỡi bò vừa phản khoa học vừa không có căn cứ pháp lý.

Vừa qua những hành động của chúng ta, từ tuyên bố của Thủ tướng cho đến những cuộc tuần hành phản đối của người dân, hay những phát biểu của lãnh đạo các nước đã phần nào làm rõ hành động sai trái của Trung Quốc.

- Cảm ơn ông!

Trung Hiếu

>> Tàu Trung Quốc ngăn tàu Việt Nam tiếp tế thuốc men ở khu vực giàn khoan
>> Sở Ngoại vụ TP.HCM phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép
>> Trung Quốc điều tàu hộ vệ tên lửa đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép
>> Cảnh sát biển điều tàu tuần tra lớn nhất ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
>> Nhiều tiếng nói phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Tuần hành tại TP.HCM phản đối Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Trung Quốc ngang ngược mở rộng vành đai bảo vệ giàn khoan
>> Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
>> Chùm ảnh mới nhất về hành động hung hăng của tàu Trung Quốc quanh giàn khoan HD-981

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.