Cách mạng tháng Tám qua hồi ức nhân sĩ trí thức Nam bộ

Chủ tịch Lâm ủy Nam bộ và ngày vẻ vang nhất

02/09/2024 06:30 GMT+7

Chiều 25.8.1945, trong cuộc mít tinh trước dinh Đốc lý Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ (Lâm ủy) Trần Văn Giàu đã long trọng tuyên bố: "Đồng bào toàn dân. Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi, Ủy ban Hành chánh lâm thời, nhân danh toàn thể quốc dân Nam bộ, tuyên bố trước mặt toàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân rằng chế độ Cộng hòa Dân chủ thành lập tại Nam bộ Việt Nam. Chúng tôi tuyên bố không thừa nhận chế độ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân. Không ngoại bang nào có thể viện lý do gì để bác bỏ được điều quyết định long trọng của đồng bào ta hoài bão lâu nay: Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập".

Trước đó, vào ngày 20.8, qua máy thu thanh, ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy (Tiền phong) Nam bộ, nghe tin Hà Nội khởi nghĩa. Hôm sau, ông tức tốc triệu tập Hội nghị Chợ Đệm lần thứ hai (21.8) để thống nhất phát lệnh khởi nghĩa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ông Nguyễn Văn Tạo lo lắng: Mặc dầu Thiên hoàng đã tuyên bố đầu hàng, nhưng quân đội Nhật ở Sài Gòn, ở Nam kỳ còn rất đông và vẫn giữ được kỷ luật cao. Đây là quân đội đế quốc quân phiệt, bản chất là chống cộng sản. Ông Tạo băn khoăn làm sao chiếm và giữ chính quyền được? Ông Trần Văn Giàu nêu ý kiến có thể trung lập hóa quân đội Nhật, "Terauchi đã hứa với Phạm Ngọc Thạch là không can thiệp vào cách mạng VIệt Nam", tuy nhiên các ông Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn và Bùi Công Trừng vẫn không tin tưởng vào lời hứa của Thống chế Nhật Bản tại Sài Gòn.

Ông Trần Văn Giàu bèn đề nghị lấy Tân An làm thí điểm khởi nghĩa để xem xét thái độ quân Nhật. Hội nghị đồng ý. Đêm 22.8.1945, Tân An khởi nghĩa thắng lợi, sáng hôm sau, chính quyền cách mạng ra mắt nhân dân. Ván bài đã ngã ngũ, Hội nghị Chợ Đệm lần thứ 3 bật đèn xanh cho Ủy ban khởi nghĩa Nam bộ giành chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Chủ tịch Lâm ủy Nam bộ và ngày vẻ vang nhất- Ảnh 1.

Nữ sinh Sài Gòn trong lễ mít tinh 2.9.1945

ẢNH: TƯ LIỆU

Chiều ngày 24.8.1945, hai Tỉnh ủy Chợ Lớn và Gia Định bắt đầu tập hợp nông dân vũ trang để nội trong đêm tiến vào Sài Gòn. Các đoàn quân khởi nghĩa, theo kế hoạch, phải có mặt ở cửa ngõ thành phố trước bình minh. Việc chiếm lĩnh các công sở hoàn tất từ khoảng 21 - 22 giờ (dự kiến là 24 giờ đêm). Chỉ có mấy điểm trong kế hoạch không chiếm được: Ngân hàng Đông Dương, kho đạn ở Thị Nghè… Còn lại hầu hết các cơ quan chính quyền đã thuộc về nhân dân.

"Sài Gòn đổi chủ trong vòng mấy giờ mà không có tiếng súng nổ. Cũng không có ai bị bắt giữ trừ Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm. Tối hôm đó Sâm đi đâu về, vừa xuống xe, ngẩng lên thấy cờ đỏ sao vàng trên dinh, ngó xuống thấy Cao Đăng Chiếm, Ung Ngọc Ky mời vào nhốt trong phòng ngủ tại dinh, cửa phòng khóa trái", GS Trần Văn Giàu nhớ lại.

Đúng 9 giờ sáng 25.8.1945, lễ mít tinh ra mắt Lâm ủy Nam bộ bắt đầu. Ủy ban khởi nghĩa lên đài. Đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa, ông Trần Văn Giàu lên đọc diễn văn báo cáo với đồng bào: Cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng thành công; khởi nghĩa đã thành công ở Hà Nội (19.8), ở Huế (23.8), và nay là ở Sài Gòn.

Ông Trần Văn Giàu nhắc lại các cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn, Nam bộ bị Pháp nhận chìm trong máu như khởi nghĩa 1885, khởi nghĩa 1913, khởi nghĩa 1940. Cuộc khởi nghĩa thành công ngày hôm qua và ngày hôm nay trả lại danh dự cho chúng ta mà cũng rửa hận cho ngàn vạn đồng bào đã hy sinh trong các cuộc khởi nghĩa trước. Bài diễn văn kết thúc bằng lời kêu gọi đồng bào đoàn kết, cảnh giác cao độ chiến đấu kiên trì để bảo vệ độc lập tự do đã giành được.

Chiều ngày 2.9.1945, do hệ thống kỹ thuật gặp sự cố, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không truyền được vào Sài Gòn. Ông Trần Văn Giàu lập tức ứng khẩu một bài phát biểu hùng hồn đi vào lịch sử có nội dung gần với phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ba tuần sau đó, quân Pháp đánh úp trụ sở UBND lâm thời Nam bộ trong đêm 22 rạng sáng 23.9.1945, ông Trần Văn Giàu ra lời kêu gọi Nam bộ kháng chiến: "Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!".

"Khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyên bố danh sách của Lâm ủy hành chính thì gần 1 triệu đồng bào một lần nữa, lại nhất loạt đưa cao vũ khí, phất cờ, quăng nón, hoan hô Lâm ủy, tiếng dội kéo dài như trời gầm trên sông Cửu Long dậy nước. Chính quyền được nhân dân trực tiếp công nhận, ngày 25.8.1945 ở Sài Gòn giống một cuộc trưng cầu dân ý. Quần chúng hết sức đông đảo nhận thấy rằng cuộc khởi nghĩa cách mạng này do mình làm ra, chính quyền cách mạng này do mình dựng nên, đã làm ra nó, dựng lên nó thì hết lòng bảo vệ nó".

(GS Trần Văn Giàu: Những ngày tháng 8-1945 ở Sài Gòn)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.