Cách mạng tháng Tám qua hồi ức nhân sĩ trí thức Nam bộ

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - con đường đời đầy vinh hạnh

31/08/2024 06:00 GMT+7

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ôn lại kỷ niệm với những người đã khuất: "Chúng tôi nay còn sống sót đốt lên một nén hương lòng nhớ lại "những ngày lưu luyến" ấy đã đưa tôi vào con đường đời đầy vinh hạnh".

Những dòng trên được đăng báo Ấp Bắc (Tiền Giang) cùng lời nhắc nhớ đến sự kiện Mỹ Tho nổ tiếng súng đầu tiên chống ngoại xâm.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - con đường đời đầy vinh hạnh- Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911 - 2006) thời trẻ

ẢNH: K.M CHỤP LẠI

Trong bức tranh đại đoàn kết toàn dân đánh giặc, nổi bật là người trí thức được bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trân trọng nhắc lại: "Những anh em trí thức nhân sĩ mà các anh đưa vào tỉnh bộ Việt Minh lúc sơ khởi, vào chính quyền tỉnh hay ứng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho (Diệp Ba, Ngô Tấn Nhơn, Nguyễn Phi Hoanh) đều đi theo cách mạng đến ngày cuối cùng của cuộc đời, không có một ai bỏ về thành".

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp xuất thân trong gia đình trung nông ở xã Tân Thủy, H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Được học bổng vào Đại học Y khoa Hà Nội, năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ và được sang Paris (Pháp) tu nghiệp. Năm 27 tuổi về nước (1938), ông lấy vợ là con gái duy nhất của gia đình giàu có bậc nhất ở Ba Tri. Kết hôn xong, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng vợ sang Mỹ Tho mở phòng mạch.

Phòng mạch tư của ông nằm ở trung tâm các cơ quan hành chính tỉnh nên chứng kiến chính quyền năm 1945 đổi từ Pháp sang Nhật chóng vánh… Cách mạng tháng Tám 1945 thành công tại tỉnh Mỹ Tho, "một buổi sáng, anh Trần Văn Hiển - Chủ tịch UBND - đến tìm tôi, rủ vào Mặt trận Việt Minh tỉnh", bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể lại. "Lúc ấy đã có chương trình (Việt Minh) cụ thể dán khắp nơi. Cùng đi với vị tỉnh trưởng mới có một người trắng trẻo nhỏ thó, hơi lùn, ít nói, tên Dương Khuy, mà mãi sau này tôi mới rõ đó là Bí thư Tỉnh ủy đương thời", ông cho biết. Từ đây, Mặt trận Việt Minh tỉnh có thêm hai trí thức nhân sĩ là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và luật sư tập sự Lê Văn Chất.

Ông Nghiệp vào Ban tuyên truyền Mặt trận tỉnh. Công việc của ông là tổ chức các cuộc nói chuyện buổi chiều tại rạp hát Thầy Năm Tú cho đồng bào. Người đến nghe đa số là công chức, thân hào thành phố. Nội dung là đưa tin tức từ Hà Nội và Sài Gòn gửi về… Kỷ niệm làm công tác tuyên truyền còn in đậm trong trí nhớ bác sĩ Trần Hữu Nghiệp: "Tôi còn nhớ ý kiến thuyết phục nhất là nói: "Chưa có độc lập thì mọi người chúng ta đều như kiếp ngựa trâu", bằng cớ là ai thời ấy muốn đi đâu cũng phải có "bài chỉ" lận lưng với dấu mộc xã trưởng nhận là đã đóng xong thuế thân trong năm. Nếu không sẽ bị bắt giam. Mức thuế thân hằng năm tuy chỉ trên dưới 4 đồng bạc, nhưng là gánh nặng với dân nghèo, bởi công cu li mỗi ngày là hai cắc, một gói xôi to giá chỉ một xu. Vì lẽ đó, nhiều người trốn thuế bởi không đóng nổi để mua cuộc sống".

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - con đường đời đầy vinh hạnh- Ảnh 2.

Tượng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tại Khu vườn tượng các danh nhân y học VN và thế giới (TP.Quy Nhơn, Bình Định)

ẢNH: K.M CHỤP LẠI

Đêm 23.10.1945, lúc 23 giờ, tiếng súng thình lình nổ từ hướng sông Tiền. Thực dân Pháp tiến đánh Mỹ Tho. Sáng hôm sau, im tiếng súng, ông mặc áo bờ-lu, đội mũ thầy thuốc của bệnh viện, tay xách cặp da, đường hoàng bệ vệ theo đường lớn ra khỏi thị xã đi vào kháng chiến. Từ đây, ông làm Tổng thanh tra Quân y Việt Nam, Phó giám đốc Sở Y tế Nam bộ.

Rũ bỏ cuộc sống sung túc, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lên đường kháng chiến. Cuộc đời ông là một hành trình tự nguyện dấn thân đầy gian khổ để nhằm mục tiêu độc lập dân tộc.

Vợ ông không chờ đợi được đã lập hạnh phúc với người khác. Tập kết ra Bắc, ông dự Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9.1955) và được bầu làm ủy viên Trung ương. Năm sau,

bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ y tế Trung ương (Bộ Y tế). Năm 1965, ông lại vượt Trường Sơn, trở lại miền Nam, làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ y tế trung cao cấp miền Nam. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục giảng dạy ở Trường Quản lý y tế phía nam cho đến khi về nghỉ hưu (1979). Năm 1988, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên. Với bút danh Hằng Ngôn, ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm: Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc (1962); Nói chuyện với người uống rượu (1981); Nói chuyện với người hút thuốc lá (1983); Sanh khỏe đẻ vui; Nuôi con; Chữa bệnh cho con… Thời gian trong mắt tôi (Hồi ký - 1993); Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài (1990)… Tên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn được đặt cho một trường học ở Bến Tre quê hương ông. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.